Tại Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 26/11/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh kỳ vọng quy hoạch ĐBSCL sẽ là một quy hoạch mẫu, đạt được các mục tiêu và trở thành kinh nghiệm tốt cho việc xây dựng quy hoạch các vùng còn lại trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị

5 điểm nhấn của Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên nguyên tắc “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển và bảo vệ môi trường”. Trọng tâm với những điểm nhấn chính như Quy hoạch hướng tới sự phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho sự tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển theo khẩu hiệu “muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”, cụ thể là:

Thứ nhất, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nghiên cứu tiếp thu từ kinh nghiệm của Hà Lan, nơi có điều kiện tự nhiên cũng như quy mô diện tích và dân số tương đồng với vùng ĐBSCL. Theo đó, quy hoạch hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển, lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển theo khẩu hiệu “muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”.

Thứ hai, quy hoạch định hướng phân vùng sinh thái nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái nông nghiệp nhằm tăng tối đa sản lượng và chất lượng, giá trị nông sản, đồng thời hài hoà với điều kiện tự nhiên môi trường.

Thứ ba, xây dựng hệ thống đô thị thông minh, phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, gắn kết hợp với các trung tầm đầu mối; bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái quan trọng của vùng; duy trì và tôn tạo bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc; chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển thịnh vượng lâu dài của vùng. Ưu tiên phát triển và mở rộng khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở khu vực đô thị động lực của vùng; hạn chế việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp tập trung, có giá trị kinh tế cao để mở rộng, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Thứ tư, tập trung phát triển hạ tầng để đi trước một bước nhằm tạo nền tảng cho sự phát tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững của vùng ĐBSCL. Ưu tiên phát triển hạ tầng có ý nghĩa quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng như giao thông, năng lượng và kết cấu hạ tầng phục vụ việc chuyển đổi mô hình phát triển của vùng ĐBSCL trong thời kỳ tiếp theo, đặc biệt là phát triển kinh tế nông nghiệp.

Thứ năm, khoanh vùng quản lý, bảo tồn và khai thác hợp lý những di sản văn hóa, tín ngưỡng quan trọng và chú trọng bảo tồn hệ sinh thái và môi trường vùng ĐBSCL. Ngoài ra, cần phục hồi và tạo ra những cấu trúc địa mạo, cảnh quan đặc thù nhằm tạo giá trị gia tăng và tiềm năng lớn cho du lịch vùng.

Quy hoạch vùng ĐBSCL là điển hình mẫu mực cho các vùng khác

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức thiết lập theo cách tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

Quy hoạch vùng ĐBSCL là quy hoạch cấp vùng tuân thủ theo luật quy hoạch số 21/2017/QH14. Thực hiện theo luật quy hoạch số 21 và Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ KH&ĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi được phê duyệt, Quy hoạch vùng ĐBSCL sẽ là cơ sở định hướng để các địa phương triển khai lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan, như quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh, quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, quy hoạch xây dựng, đô thị…

Từ đó sẽ góp phần nâng cao vai trò quản lý, sử dụng hiệu quả tiết kiệm, bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên khác; điều phối liên kết vùng, tạo cơ sở cho việc định hướng xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, thúc đẩy sự hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài vùng, cũng như giữa các ngành, lĩnh vực trong quá trình tổ chức triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng dùng chung của vùng, hoặc công trình có phạm vi ảnh hưởng liên vùng, quốc gia và quốc tế.

Đồng thời, quy hoạch này cũng là kênh cung cấp những thông tin định hướng phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tới các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và người dân địa phương để huy động hiệu quả các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư hướng tới sự thịnh vượng chung của toàn vùng.

Với 17 cuộc hội thảo và 12 cuộc họp chính thức với các bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế phục vụ việc xây dựng dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và với các nguồn lực được bố trí, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên nhất định, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hy vọng rằng, bản quy hoạch đầu tiên được chuẩn bị theo Luật Quy hoạch theo phương pháp tích hợp sẽ là cơ sở để vùng ĐBSCL phát triển nhanh, bền vững và bứt phá trong giai đoạn tới.

Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ hoàn thiện quy hoạch trước khi xin ý kiến chính thức bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL, báo cáo trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng xem xét, thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2020./.