Ngày 02/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020.

Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe và thảo luận các nội dung: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2020; tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công tháng 10 năm 2020, ước thực hiện 11 tháng năm 2020 và các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công thời gian tới; dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện và giải pháp hoàn thành nhiệm vụ thu dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; báo cáo về các vấn đề liên quan đến công tác dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, ứng phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả bão lũ và cứu hộ, cứu nạn tại các tỉnh miền Trung; tình hình thực hiện nhiệm vụ và kết quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháng 11/2020…

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khẩn trương, quyết liệt truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch

Hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV vừa bế mạc trong tháng 11, Chính phủ đã trình 74 văn bản, báo cáo; các thành viên Chính phủ đã chủ động, tích cực tham gia thảo luận và trả lời chất vấn. Quốc hội đã thông qua 07 dự án luật và 13 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Cũng trong tháng 11, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị liên quan với hơn 20 cuộc họp cấp cao, 84 văn kiện được ghi nhận, công bố và thông qua, là số lượng văn kiện kỷ lục. Đặc biệt, 10 nước ASEAN và 5 đối tác đã ký Hiệp định RCEP, mở ra thị trường rộng lớn với 2,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu.

Các cấp, các ngành đã tập trung chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả của mưa lũ, các cơn bão, sạt lở đất. Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã đến tận nơi các vùng bị ảnh hưởng để trực tiếp chỉ đạo xử lý; đã xuất cấp gần 16.000 tấn gạo và gần 1.300 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương. Các tổ chức, cá nhân, những tấm lòng hảo tâm, bằng những hành động thiết thực đã hướng về đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão, lụt lịch sử.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập đến trường hợp lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng ở Thành phố Hồ Chí Minh và cho biết, Thường trực Chính phủ đã họp và đã chỉ đạo “thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng”; không để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2020 tiếp tục đà phục hồi

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, vượt qua, song với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11/2020 tiếp tục đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 11 giảm 0,01% so với tháng trước; tính chung 11 tháng, CPI bình quân tăng 3,51%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Các nhiệm vụ chi ngân sách được thực hiện theo dự toán và đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách phát sinh về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 71,4% kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 58,16%).

Các ngành, lĩnh vực tiếp tục phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới. Chăn nuôi, thủy sản phát triển và tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp khởi sắc, đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,9% so với cùng kỳ. Thị trường trong nước phục hồi, thị trường hàng hóa sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 11 tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao trở lại, tăng 7,3% so với tháng trước và 6,7% so với cùng kỳ.

Song, tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế trong nước tháng cuối năm 2020 tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp trong tháng 11 đã chậm lại.

Ngành chăn nuôi tiếp tục đối mặt với thách thức khi dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư khu vực tư nhân suy giảm.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tiếp tục tăng cao. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 và bão lụt tại nhiều nơi gây nên hậu quả nặng nề và tác tiêu cực đến đời sống, sản xuất của nhân dân...

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đề xuất nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khắc phục hậu quả của thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; giải quyết các vấn đề xã hội; hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; tiếp tục quyết tâm thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” trong bối cảnh phát hiện ca mắc COVID-19 trong cộng đồng sau gần 90 ngày...

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các thành viên Chính phủ và các đại biểu tham dự, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tháng 12 năm 2020 và thời gian tới, đất nước ta phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro.

Trong đó, có thể nhận diện được các rủi ro chính là đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, đang gia tăng ở nhiều nước; vấn đề căng thẳng thương mại và cạnh tranh công nghệ giữa các nước diễn ra gay gắt; những bất ổn về tài chính toàn cầu có thể dẫn tới bong bóng tài chính...

Bên cạnh đó, những thách thức trực tiếp trong nội tại là bão lũ, sạt lở đất vừa qua để lại nhiều thiệt hại, hậu quả nặng nề và nguy cơ lũ lụt vẫn hiện hữu; dịch COVID-19 đã xuất hiện trở lại trong cộng đồng; số doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn còn cao, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh...

Vẫn nhất quán thực hiện bằng được “mục tiêu kép”

Từ thực trạng tình hình, Thủ tướng nêu rõ: "Chúng ta cần tiếp tục nhất quán thực hiện cho bằng được “mục tiêu kép”, mục tiêu này không phải thực hiện chỉ trong tháng 12 này mà là cả trong thời gian tới. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ, thiên tai cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động hỗ trợ, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của người dân sau bão lũ".

Không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch COVID-19, tinh thần là phải bảo vệ tốt nhất sức khỏe của nhân dân; tiếp tục thực hiện mạnh mẽ chiến lược đã mang lại hiệu quả cao trong phòng chống dịch bệnh thời gian qua là kiểm soát chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài; khoanh vùng, dập dịch kịp thời từ bên trong; chữa trị hiệu quả.

Các tỉnh, thành phố phải đề cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, nhất ở những nơi đông người, phương tiện công cộng; thực hiện cách ly xã hội ở những khu vực có nguy cơ cao; không hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan trước dịch bệnh; nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” song ưu tiên bảo vệ sức khỏe nhân dân là quan trọng nhất.

Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và các địa phương khẩn trương, quyết liệt truy vết, khoanh vùng, cách ly, dập dịch; xử lý nghiêm các trường hợp để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP năm 2020 từ 2,5 đến 3%. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm; phấn đấu tăng trưởng tín dụng hơn 10% (đây là một kênh rất quan trọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh); kiểm soát tốt lạm phát, xử lý hiệu quả nợ xấu. Quyết liệt hơn nữa trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công, giải ngân vốn ODA, bảo đảm thực chất, hiệu quả, không hình thức, gây lãng phí; gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài; cải cách mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài đang trong xu hướng dịch chuyển.

Các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ tình trạng chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Việt Nam, mượn Việt Nam là nơi xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan, gây mất uy tín và thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, nhất là thị trường trong các lĩnh vực bán lẻ, du lịch, dịch vụ, lưu trú, vận tải, ăn uống...

Thủ tướng cũng cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, xây dựng chính phủ điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các cấp, các ngành cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với một số mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ hiện đại; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân. Tiếp tục quan tâm xử lý tốt những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường – những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. Quan tâm hơn nữa hoạt động phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề, trong đó có nội dung về dạy văn hóa trong hoạt động dạy nghề.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu quan triển khai gói hỗ trợ ngành hàng không, du lịch, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Đây là 2 ngành bị tác động nặng nề nhất do COVID-19.

Về sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh (gồm cây rừng và cây đô thị) trong 5 năm tới của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành liên quan có đề án, chính sách cụ thể để triển khai sáng kiến này.

Bên cạnh đó, cùng với chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng về nông thôn, Thủ tướng đưa ra sáng kiến mới, đề xuất chương trình mới là đưa hàng nông thôn ra thành thị, qua đó góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn.

Về y tế, ngoài chỉ đạo phòng chống dịch, Thủ tướng đề nghị ngành y tế sớm có đề án cải cách chính sách bảo hiểm y tế đối với trẻ em dưới 16 tuổi trên tinh thần Luật Trẻ em, trước mắt đối với trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo.

Về tổ chức Hội nghị Chính phủ với các địa phương trong tháng 12, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành cần tập trung chuẩn bị tốt phục vụ cuộc họp, trong đó có việc xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01 để triển khai các nghị quyết của Trung ương và Quốc hội trong năm 2021./.