Ngày 09/12/2020, đại diện Grab Việt Nam có buổi gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 126/2020-NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 19/10/2020, có hiệu lực từ ngày 05/12/2020.

Theo đại diện Grab, kết quả làm việc đã không đạt được một kết quả tích cực nào vì Tổng cục Thuế đã không nhất quán trong việc xác định chủ thể phải chịu thuế GTGT. Theo đó, Tổng cục Thuế muốn tăng mức thu thuế đối với doanh thu của đối tác tài xế từ 3% lên 10% và các tài xế xe ôm công nghệ (được hiểu là người lao động của Grab) không phải chịu thuế này.

Theo đại diện Grab, tại Công văn 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017, Tổng cục Thuế đã hướng dẫn rằng khoản doanh thu từ hoạt động hợp tác kinh doanh phải được phân định cho hai chủ thể: Phần doanh thu của Grab phải chịu thuế GTGT 10%; còn phần doanh thu của đối tác tài xế xe hai bánh phải chịu mức thuế 3% theo phương pháp tính thuế trực tiếp áp dụng đối với cá nhân kinh doanh.

Tại Nghị định 126 có quy định doanh nghiệp có trách nhiệm kê khai và nộp thuế GTGT trên toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo mức chung của tổ chức là 10%. Phía Grab cho rằng, Nghị định 126 nói trên chỉ điều chỉnh thủ tục và phương pháp kê khai, nộp thuế, còn việc xác định những đối tượng nào phải nộp thuế, người nộp thuế - chịu thuế GTGT thì phải căn cứ vào Luật thuế GTGT và phân định như cách mà Tổng cục Thuế đã hướng dẫn năm 2017.

Grab cho rằng, cách giải thích của Tổng cục Thuế về việc Công ty Grab phải chịu hoàn toàn nghĩa vụ nộp thuế với tư cách là Người nộp thuế cho toàn bộ doanh thu, bao gồm cả phần doanh thu của đối tác tài xế là không phù hợp với Luật thuế GTGT. “Chúng tôi rất mong Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc và xem xét lại để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng và đối tác tài xế của chúng tôi”, văn bản của Grab viết.

Được biết, Grab bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014 với dịch vụ Grabtaxi. Sau 6 năm hoạt động, Grab mở rộng kết nối nhiều loại hình dịch vụ như vận tải hành khách, đi chợ và giao đồ tạp hóa; kết hợp với Moca cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Grab… Theo dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, đến nay, Grab có hơn 200.000 đối tác tài xế ô tô, xe máy, 16.000 đối tác nhà hàng, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, hoạt động của Grab cũng như các mô hình kinh tế chia sẻ khác trong lĩnh vực vận tải, tài chính, dịch vụ lưu trú… đang phát sinh rất nhiều vấn đề không chỉ riêng việc thu thuế.

Tài xế xe ôm công nghệ được coi là đối tác của Grab, không phải người lao động. Từ đây, phát sinh nhiều vấn đề lớn, đáng bàn

Theo đánh giá của một số chuyên gia tại cuộc Hội thảo đóng góp ý kiến cho “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế” do CIEM tổ chức ngày 08/12/2020, thì về mặt tích cực, Grab tạo ra nhiều việc làm, nhất là cho người trẻ, có công nghệ. Tuy nhiên, việc tổ chức này coi các tài xế là đối tác khiến người lao động chỉ được “ăn chia” trong từng cuốc xe cụ thể và không được hưởng các quyền lợi cơ bản theo Bộ luật Lao động. Đây là một khoảng hở lớn cho an sinh, xã hội tại Việt Nam.

Sự biến tướng của hình thái kinh tế chia sẻ bắt đầu từ dịch vụ vận tải. Ông Vũ Xuân Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông - vận tải cho biết, quá trình đề xuất thí điểm, Bộ Giao thông vận tải chỉ đề xuất ứng dụng trên các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, chứ không phải là chia sẻ hoàn toàn, cho phép người có phương tiện nhàn rỗi tham gia kinh doanh kiếm tiền, vì đây là mảng kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, trong thực tế, rất nhiều người lao động đã tham gia vào mạng lưới vận tải công nghệ, đầu tư xe và coi đó là nghề chính của mình. “Dù Bộ đã có một số văn bản quản lý việc này, nhưng thực tế phát sinh vượt ra ngoài phạm vi cho phép ban đầu, nên vấn đề quản lý hình kinh tế chia sẻ trong ngành giao thông đang là một câu hỏi ngỏ”, ông Thủy chia sẻ.

Nhận diện các hình thái kinh tế chia sẻ và tìm con đường quản lý hoạt động này là câu chuyện lớn ở Việt Nam và đến nay chưa có bất cứ một thống kê chính thức nào đủ sức định lượng tổng thể bức tranh kinh tế chia sẻ đang ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, lãnh đạo CIEM cho biết, cơ quan này đang chờ đợi ý kiến của các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện báo cáo đánh giá về kinh tế chia sẻ, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Chính phủ, với mong muốn tìm ra con đường quản lý hiệu quả, hài hòa các mối quan hệ trong nền kinh tế mới với nền kinh tế truyền thống./.