Thất bại là… chuyện thường, cần xây dữ liệu lớn hỗ trợ khởi nghiệp

Tại Trường đại học Kinh tế quốc dân, tháng 2/2017, Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE) chính thức ra đời với sứ mệnh xây dựng hệ sinh thái tác động xã hội cho Việt Nam hạnh phúc. CSIE có tầm nhìn trở thành trung tâm khu vực về đồng chia sẻ, học tập và đồng sáng lập tác động xã hội. Theo đó, CSIE đã tổ chức nhiều hoạt động đào tạo và ươm tạo cho giảng viên và sinh viên về khởi nghiệp và sáng tạo xã hội, đồng thời tổ chức các sự kiện xây dựng và kết nối các doanh nghiệp tạo tác động xã hội và tích cực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đặc biệt là về khởi nghiệp xã hội tại Việt Nam.

Chia sẻ tại cuộc tọa đàm “Thanh niên - Động lực của đổi mới sáng tạo quốc gia” trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 9-10/01 vừa qua, PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho biết, Nhà trường tổ chức nhiều cuộc thi về tài chính, khởi nghiệp... với mong muốn các sinh viên được rèn luyện kỹ năng, sự tự tin, biết chấp nhận thất bại để có cơ hội thành công trong các thử thách về sau. Qua các cuộc thi, bản lĩnh của sinh viên được rèn rũa để dám đương đầu với những thử thách thực tế. Nhà trường hỗ trợ trực tiếp về khởi nghiệp, dựa vào mạng lưới đội ngũ cựu sinh viên để truyền lửa, xây dựng tinh thần khởi nghiệp để sinh viên học hỏi và vươn lên.

Theo PGS. TS. Phạm Hồng Chương, dữ liệu sẽ chỉ có giá trị nếu được cộng hợp lại

“Một trong các mục tiêu lớn nhất của Nhà trường là đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là đội ngũ danh nhân vừa đủ kiến thức, kỹ năng, đồng thời có bản lĩnh để thực hiện công việc đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Nhà trường đã dần đổi mới các môn học, trong đó các môn học về công nghệ cũng được đưa vào chương trình đào tạo như: kinh tế số, phân tích kinh doanh, công nghệ tài chính...”, ông Chương nói. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ thực tế rằng, người khởi nghiệp thất bại thì không có nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ từ xã hội. Việt Nam cần xây dựng văn hóa cởi mở với khởi nghiệp, thành công hay thất bại là chuyện bình thường trong giai đoạn khởi đầu.

Trường đại học Kinh tế quốc dân được vay vốn từ Ngân hàng Thế giới để xây Trung tâm đổi mới sáng tạo tại Trường, nhằm tạo vườn ươm khởi nghiệp cho các ý tưởng sáng tạo. Các ý tưởng có thể đến từ trường khác, các tổ chức hoặc cá nhân khác đều có cơ hội được nuôi dưỡng trong môi trường thương mại tại Trường Kinh tế quốc dân. Theo PGS. TS. Phạm Hồng Chương, nhiều quỹ đầu tư đã tiếp xúc các dự án khởi nghiệp từ khi ươm tạo. Đây là một thuận lợi cho các bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo, nhưng quy mô tài chính hỗ trợ khởi nghiệp còn rất bó hẹp, đây cũng là vấn đề chung tại các trường đại học. Cùng với đó, các nghiên cứu, sáng tạo sẽ chỉ thực hiện hiệu quả trên nền tảng có cơ sở dữ liệu đủ lớn, nhưng đây cũng là điểm thiếu trong môi trường ươm mầm tại Việt Nam. “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội cho tất cả các chủ thể, nhưng quan trọng nhất là phải có nguồn dữ liệu đủ lớn và chia sẻ thông tin minh bạch. Ngoài sự nỗ lực các trường, các cơ quan quản lý cần tạo nền tảng pháp lý các trường, các tổ chức, cá nhân cùng góp sức xây dựng dữ liệu lớn. Dữ liệu sẽ chỉ có giá trị nếu được cộng hợp lại”, ông Chương nói.

Kết nối các nỗ lực khởi nghiệp trong mục tiêu quốc gia

Thống kê từ Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại Việt Nam, lũy kế số doanh nghiệp thành lập mới đến cuối năm 2020 đã vượt con số 1 triệu, nhưng trong 5 năm gần đây, có trên 200.000 doanh nghiệp chỉ hoạt động một thời gian ngắn là phải rút lui khỏi thị trường. Trong chia sẻ cùng về chủ đề khởi nghiệp, TS. Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu trí tuệ Nhân tạo AI (VinAI) lý giải, để có sản phẩm được xã hội chấp nhận, người khởi nghiệp phải có nền tảng về nghiên cứu và tư duy thị trường.

Ở Việt Nam gần như thiếu đi sự kết nối giữa các mắt xích, từ nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng gắn với đưa sản phẩm ra thực tế. Vì thế, nên số lượng doanh nghiệp được thành lập là rất lớn, nhưng đi đến thành công còn quá nhỏ (đến hết năm 2020, TTCK Việt Nam mới có 13 doanh nghiệp tư nhân có vốn hóa trên 1 tỷ USD). Sự tách rời giữa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng là điều đáng tiếc cho Việt Nam. TS. Bùi Hải Hưng cho rằng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cần đi song song với gắn kết chuỗi hoạt động nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu thị trường. Nếu kết nối được chắc chắn nguồn lực xã hội sẽ không bị lãng phí, thị trường sẽ có nhiều sản phẩm được làm bởi người Việt, trí tuệ Việt.

Việt Nam có khoảng 60 trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc vườn ươm ý tưởng sáng tạo rải rác khắp cả nước. NIC sẽ kết nối lại để tạo sức mạnh cho mục tiêu quốc gia

Được biết, hiện Việt Nam có khoảng 60 trung tâm đổi mới sáng tạo hoặc vườn ươm ý tưởng sáng tạo rải rác khắp cả nước. Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ thực hiện liên kết lại, hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo trong cùng mục tiêu quốc gia.

Tại Quyết định số 2289/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Đến năm 2030, Việt Nam duy trì xếp hạng Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của WIPO thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới; kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm.

NIC được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 02 tháng 10 năm 2019. Đây là mô hình đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập và khác với mô hình trung tâm phổ biến ở các nước trên thế giới chủ yếu do doanh nghiệp, tập đoàn thiết lập và thường chỉ phục vụ mục tiêu nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã ban hành một Nghị định riêng (Nghị định 94/2020/NĐ-CP) quy định Trung tâm được hưởng các ưu đãi đầu tư cao nhất, thuận lợi nhất theo quy định hiện nay. Được biết, NIC đặt trụ sở tại Hà Nội và sẽ khai trương hoạt động trong thời gian ngắn tới./.