Tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) đồng tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh rằng, COVID-19 cũng hình thành hoặc đẩy nhanh nhiều xu hướng mới, định hình lại các dòng tài chính quốc tế, thương mại và đầu tư, đặc biệt là chuyển dịch chuỗi cung ứng, tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương và Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen đồng chủ trì Hội thảo. Ảnh: MPI

Nhận diện rõ những lực cản tăng trưởng trong trung hạn 2021-2025

Thay mặt nhóm nghiên cứu, TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nêu rõ 5 lực cản tăng trưởng và sự thay đổi về tính chất, mức độ của một số xu hướng lớn trong 2021-2025

Thứ nhất, theo nhóm nghiên cứu đó là rủi ro kinh tế toàn cầu vẫn rất lớn. Điều này khiến khả năng tăng trưởng cao trong giai đoạn 2021-2025 của Việt Nam trở nên khó khăn hơn.

Diễn biến của COVID-19 có thể còn phức tạp và khó lường ngay cả khi vaccine được cung cấp. Tác động của các chính sách kích thích kinh tế khá hạn chế do dư địa của các chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay ở các quốc gia phát triển đều đang hạn hẹp dần. Hệ quả của các gói kích thích khối lượng tiền lớn tung vào thị trường trong khi cơ hội kinh doanh chưa phục hồi có thể làm tăng nguy cơ bất ổn tài chính, vĩ mô toàn cầu.

Nhiều quốc gia trên thế giới trong xu hướng “khủng hoảng chu kỳ”, “khủng hoảng cấu trúc” (như EU) trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

“Kinh tế thế giới và các nước đối tác lớn dự báo khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch COVID-19 sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động”, ông Đức Anh đưa ra nhận định.

Thứ hai, các rủi ro địa chính trị có xu hướng tăng lên thời kỳ hậu dịch COVID-19 (IMF, 10/2020). Trật tự chính trị có xu hướng dịch chuyển quyền lực từ Tây sang Đông, do hậu quả dịch COVID-19 để lại cho các nước phương Tây khá nặng nề, thậm chí là nguy cơ khủng hoảng nợ công. Căng thẳng thương mại giữa các quốc gia vẫn tiếp diễn và chuyển sang cuộc chiến về công nghệ. Bản đồ thương mại hai chiều giữa các quốc gia cũng có xu hướng thay đổi trong trung hạn. Sự kiện chuyển giao quyền lực tại Mỹ có ảnh hưởng nhất định tới cục diện kinh tế toàn cầu.

Nhóm nghiên cứu đánh giá, các dự báo trong trung hạn cho thấy, suy thoái sẽ để lại những tổn thương trong các nền kinh tế và đòi hỏi những thay đổi về cấu trúc, tác động đến tiềm năng tăng trưởng. Các nhân tố này sẽ ảnh hưởng nhất định tới khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hiện tại, Việt Nam đang kiểm soát khá tốt tình hình dịch bệnh, song sự bất định của bối cảnh chung dẫn đến nhiều thách thức cho quá trình khắc phục hậu quả của khủng hoảng COVID-19. Kinh tế thế giới và các nước đối tác quan trọng chưa thực sự thoát khỏi khó khăn, quá trình phục hồi không vững chắc và chứa đựng nhiều rủi ro khiến triển vọng gia tăng xuất khẩu, thu hút đầu tư và quá trình phục hồi các chuỗi cung ứng đối với Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Thứ ba, cú hích từ dịch chuyển chuỗi giá trị và dòng FDI vào Việt Nam có thể không như kỳ vọng. Các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu và dòng chảy thương mại dịch chuyển mạnh, theo hướng da dạng hơn sau đại dịch COVID-19”, ông Đức Anh chỉ rõ.

Các chuỗi giá trị đang trong giai đoạn “tái định hình” dưới tác động của COVID-19, Việt Nam có cơ hội tham gia vào quá trình tái phân bổ các cơ sở sản xuất kinh doanh của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, cơ hội tham gia của Việt Nam không dễ dàng bởi tác động của số hóa, chủ nghĩa bảo hộ và năng lực hấp thụ FDI cũng như khả năng liên kết của FDI với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước.

Thứ tư, trong nội tại nền kinh tế, quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế 2021-2025 đối mặt với một số thách thức:

Một là, tác động, hiệu quả của các chính sách kích thích kinh tế khá hạn chế, nhiều đối tượng khó khăn trong việc tiếp cận các gói hỗ trợ. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu. “Sức khỏe” của doanh nghiệp không dễ dàng hồi phục ngay sau thời gian dài khó khăn.

Hai là, sự chưa chắc chắn trong xu hướng phục hồi tăng trưởng của xuất khẩu, của các ngành kinh tế (các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, lữ hành có thể chưa tăng trưởng trở lại trong năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp).

Ba là, sức ép lạm phát và bất ổn vĩ mô do rủi ro chính sách siêu nới lỏng tiền tệ, tài khóa từ bên ngoài và chính sách tiền tệ mở rộng trong nước. Độ bền vững ngân sách nhà nước (NSNN) bị đe dọa nếu chi NSNN ở mức cao.

Thứ năm, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng trở nên cấp bách hơn. Năm 2020, mặc dù kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng dương, nhưng về cơ bản Việt Nam vẫn theo quán tính của mô hình kinh tế dựa vào sự gia tăng của các yếu tố đầu vào. Đặc biệt là khi chúng ta có nhiều chính sách để ứng phó với COVID-19 nhưng nguồn lực để có thể giải quyết vẫn rất khó khăn. Kích thích tăng trưởng kinh tế dựa trên gia tăng vốn đầu tư và lao động trình độ thấp không thể kéo dài quá lâu.

Thứ sáu, Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 và kinh tế số được dự báo phát triển nhanh hơn sau COVID-19 giúp Việt Nam đứng trước cơ hội đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Tận dụng quá trình phát triển nhanh của CMCN 4.0 có thể tạo nền tảng để Việt Nam chuyển đổi nhanh hơn, từ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp và thâm dụng vốn chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức có thể bị bỏ lại phía sau hoặc lệ thuộc nhiều hơn vào các nước giàu”, NCIF khuyến cáo.

2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021-2025

Thay mặt nhóm nghiên cứu của NCIF, TS. Nguyễn Đức Anh cảnh báo rằng, những năm tiếp theo của giai đoạn 2021-2025, kinh tế Việt Nam có thể chưa thể thực sự bứt phá, bởi nhiều khó khăn nội tại chưa được giải quyết dứt điểm, thậm chí có xu hướng trầm trọng hơn sau thời gian đại dịch COVID-19.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố tác động và những điều chỉnh trong trung hạn 2021-2025, NCIF cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 sẽ theo hai kịch bản như sau:

Kịch bản cơ sở: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Kịch bản này diễn ra với giả định các nguy cơ về dịch COVID-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài; kinh tế và thương mại tăng trưởng chậm.

Kịch bản khả quan: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 2021-2025 có thể đạt gần 6,8%/năm, nền kinh tế mặc dù có điều chỉnh giảm nhẹ sau mức tăng trưởng cao năm 2021, nhưng sau đó sẽ hồi phục ổn định.

Như vậy, kết quả dự báo tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021-2025 theo phương án dự báo mới nhất (tháng 12/2020) cập nhật tác động của đại dịch COVID-19 và sự thay đổi của bối cảnh trong nước và quốc tế, đã giảm đáng kể so với các dự báo trước COVID-19 của NCIF (tháng 12/2019). GDP phương án điều chỉnh giảm khoảng 0,7 điểm % so với dự báo trước đây, trong đó, tăng trưởng giảm thấp hơn chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Những giải pháp trong dài hạn

Tại Hội thảo, đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đạt được, bà Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam nhận định, thành công của Việt Nam trong việc đạt được mức phát triển con người cao và mục tiêu kép vừa phòng chống dịch dịch Covid-19 vừa tăng trưởng kinh tế đáng kể là nhờ sự lãnh đạo nhanh nhạy, tiên đoán, sức mạnh huy động nỗ lực và tinh thần đổi mới của người dân, và quyết tâm tập trung vào phát triển lấy con người làm trung tâm.

Trên cơ sở nghiên cứu của UNDB, bà Wiesen đề xuất 4 hành động chính để có thể phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 và không để lại ai phía sau, thông qua việc đảm bảo rằng:

Một là, tăng tốc độ tăng trưởng của các mặt hàng xuất khẩu chế tạo là động lực chính tạo ra việc làm bền vững, tăng năng suất (và thu nhập).

Hai là, hài hòa cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, bằng cách chuyển đổi nền kinh tế (sản xuất và tiêu dùng) theo hướng tăng trưởng xanh và tiết kiệm năng lượng.

Ba là, phát triển thị trường vốn trong nước và nâng cao hiệu lực và hiệu quả sử dụng tất cả các nguồn lực tài chính phát triển để đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững;

Cuối cùng là tiếp tục áp dụng phương pháp quản trị Ba AAA (Dự đoán, Thích ứng và Nhanh nhạy), tạo môi trường thuận lợi cho việc thử nghiệm và tạo ra các giải pháp sáng tạo của và do người dân và các tổ chức ở Việt Nam .

Về phía NCIF, các chuyên gia cho rằng, về dài hạn, Việt Nam cần tiếp tục quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh với vai trò là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất tạo động lực mới cho kinh tế nền tăng trưởng. Đặc biệt, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tận dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số; cải thiện thị trường các yếu tố, đặc biệt là thị trường lao động.

Hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khu vực doanh nghiệp thông qua các đột phá về chính sách.

Bên cạnh đó, cần tăng mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ để tận dụng cơ hội do CPTPP, EVFTA, các FTA khác mang lại, thu hút dòng FDI chất lượng cao và gia tăng hàm lượng nội địa trong chế biến, chế tạo.

Tạo dựng nền tảng vững chắc cho phát triển thương mại điện tử, với ba yếu tố có tính chất quyết định: logistics, e-payment (thanh toán điện tử) và an ninh mạng.

Ở góc độ tổng quát, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, COVID-19 cũng tạo ra nhiều thách thức và cả cơ hội phục hồi kinh tế trong dài hạn.

“Việc tận dụng được những cơ hội mới để phục hồi kinh tế năm 2021 và bứt phá trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025”, Thứ trưởng nhấn mạnh./.