Bên lề Hội thảo "Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021: Cải cách, hội nhập và phát triển bền vững" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định như trên.

PV: Báo cáo nghiên cứu “Thực hiện hiệu quả RCEP gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế thương mại và đầu tư”, vừa được CIEM công bố đã chỉ ra không ít thách thức. Là thành viên nhóm nghiên cứu, ông có thể phân tích cụ thể những thách thức đó?

Ông Nguyễn Anh Dương: Bao phủ vùng lãnh thổ với 30% dân số toàn cầu, RCEP tạo ra một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu, nhưng một trong những thách thức rõ nét nhất cần lưu ý là khả năng Việt Nam tăng nguy cơ nhập siêu từ các thị trường trong RCEP. Mặc dù việc xử lý nhập siêu sẽ phụ thuộc vào cách tổ chức sản xuất, nhưng một khi chúng ta không quan tâm đến đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật của hàng nhập khẩu, thì có thể không làm tăng năng lực sản xuất của Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng không tích cực đến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam.

Thách thức thứ hai là giải quyết vấn đề nhập siêu gắn với xử lý thu hút đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài với mạng lưới hoạt động tại Việt Nam, nếu không kết nối được với doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời doanh nghiệp Việt Nam không đủ lớn và đáp ứng được các tiêu chí để chơi cùng với nhà đầu tư nước ngoài, thì xuất khẩu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ gắn liền với gia tăng nhập khẩu từ bên ngoài. Lúc đó, Việt Nam có thể ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng, nhưng lợi ích mà nền kinh tế, doanh nghiệp nội địa thu được là không nhiều, mà chủ yếu mang lại lợi ích cho nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng là làm thế nào để sàng lọc được các dự án có vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng tốt. Tuy Việt Nam đã có Nghị quyết 50/NQ -TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị, nhưng cần những bước tổ chức triển khai cụ thể, để đạt mục tiêu sàng lọc được các nhà đầu tư theo tiêu chí bền vững để gắn bó với Việt Nam trong dài hạn.

PV: Bên cạnh những thách thức trên, vậy đâu là những lợi ích, cơ hội mang lại cho Việt Nam khi tham gia RCEP, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Dương: Tuy độ sâu của các cam kết trong RCEP có thể chưa bằng CPTPP và EVFTA, nhưng RCEP vẫn có những điểm khác ở chỗ cố gắng đưa vào nhiều nội dung để tiếp cận các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Điều này thể hiện qua các chương về cạnh tranh, thương mại điện tử...

"Nếu Việt Nam giữ được cách làm hài hòa giữa áp dụng CPTPP với RCEP, thì chúng ta hướng tới luật chơi tốt nhất trong CPTPP. Khi đó lo ngại về nhập siêu sẽ trở thành sức ép tích cực để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cải cách, hướng tới cuộc chơi có tiêu chuẩn cao hơn gắn với CPTPP...".

Vấn đề quan trọng hơn là cách triển khai của RCEP sẽ theo hướng tiệm tiến, nên một số nội dung sau khi Hiệp định đi vào thực hiện thì tiếp tục xây dựng và hoàn thiện. Nói như vậy để thấy tác động của RCEP đối với cải cách thể chế khó đạt được nhiều như kỳ vọng, nhưng không gian để mở thêm dư địa cải cách thể chế vẫn có. Đáng nói là Việt Nam vẫn có tiếng nói trong quá trình đó.

Một điểm cần đề cập là tương tác của RCEP đối với CPTPP. Nếu như Việt Nam giữ được cách làm hài hòa giữa áp dụng CPTPP với RCEP thì chúng ta hướng tới luật chơi tốt nhất trong CPTPP. Khi đó lo ngại về nhập siêu được nhìn nhận sẽ trở thành sức ép tích cực để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cải cách, hướng tới cuộc chơi có tiêu chuẩn cao hơn gắn với CPTPP. Khi Việt Nam đạt tiêu chuẩn cao như vậy, thì sức cạnh của cả nền kinh tế, cũng như doanh nghiệp sẽ cao hơn so với chỉ áp dụng RCEP một cách đơn lẻ.

PV: Từ kết quả nghiên cứu, ông có khuyến nghị gì về các giải pháp để tận dụng tối đa các lợi ích, giảm thiểu rủi ro khi RCEP được thực thi?

Ông Nguyễn Anh Dương: Ngoài các giải pháp mang tính ngắn và trung hạn như tăng cường hiệu quả phòng chống Covid 19, chúng ta cần quan tâm đến 3 định hướng.

Đầu tiên là nỗ lực cải cách từ bên trong. Điều này phải được Việt Nam chủ động thực hiện, chứ không phải chờ sức ép của RCEP, cũng như các cam kết hội nhập quốc tế khác. Việc thực hiện các cam kết trong RCEP phải hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn trong các hiệp định thương mại khác như CPTPP, EVFTA, để thực hiện hiệu quả RCEP, chứ không phải thực hiện RCEP riêng lẻ.

Thứ nữa là cần phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Khu vực ASEAN đóng vai trò quan trọng trong dẫn dắt tích cực quá trình hoàn thiện RCEP. Việt Nam trong năm 2020 với tư cách là Chủ tịch ASEAN, đã có tiếng nói đáng kể trong tiến tới ký kết RCEP. Còn nhớ Hiệp định CPTPP cũng được vực dậy vào năm 2017 khi Việt Nam là chủ nhà của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC). Điều đó cho thấy Việt Nam có kinh nghiệm và lợi thế trong nhận thức được những giá trị căn bản của việc thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn. Việt Nam phải cùng các nước trong ASEAN phát huy vai trò trung tâm không chỉ tiến tới phê chuẩn RCEP, mà còn xây dựng các thể chế liên quan, ví dụ như thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài đang tìm địa điểm để đa dạng hóa đầu tư khi rút khỏi Trung Quốc. Các nước ASEAN thay vì cạnh tranh gây bất lợi cho nhau trong thu hút đầu tư nước ngoài, cần hợp tác cụ thể để cùng thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Cần lưu ý, nếu các nước ASEAN đứng riêng lẻ, thì không một nước nào có thể cạnh tranh được với Trung Quốc, mà cần hợp tác với nhau để tạo thành đối trọng đủ lớn. Từ đó ASEAN mới có tiếng nói quan trọng và đủ sức hấp dẫn trong thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, Việt Nam cần tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương, ví dụ xây dựng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững, đóng góp vào sân chơi linh hoạt và sáng tạo hơn như APEC, ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong tổ chức WTO. Đó là những sân chơi lớn đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho các nước nhỏ, với nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam.

"Tuy lạc quan hơn về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp tham gia RCEP, nhưng cũng cần tiếp tục trao đổi, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, để đảm bảo họ không quá chủ quan khi thực hiện RCEP...".

PV: Ông nhìn nhận thế nào về mức độ sẵn sàng tham gia RCEP của các doanh nghiệp Việt Nam?

Ông Nguyễn Anh Dương: Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia RCEP có thể tương đối tích cực hơn so với các hiệp định thương mại tự do khác như: CPTPP, EVFTA. Lý do là vì RCEP được xây dựng trên nền của các hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với từng đối tác.

Vì vậy, Việt Nam có kinh nghiệm để thực hiện các cam kết. Tuy lạc quan hơn về mức độ sẵn sàng của các doanh nghiệp tham gia RCEP, nhưng cũng cần tiếp tục trao đổi, kết nối cộng đồng doanh nghiệp, để đảm bảo họ không quá chủ quan khi thực hiện RCEP. Như đã nói thách thức cạnh tranh với doanh nghiệp khi tham gia sân chơi RCEP là có.

Tuy nhiên, quan trọng hơn là việc thực hiện RCEP phải gắn liền với các tiêu chuẩn dài hơi như các thị trường trong CPTPP, EVFPA. Nếu doanh nghiệp chỉ đắm đuối với cuộc chơi trong RCEP, mà không nghĩ đến cải thiện năng lực cạnh tranh của bản thân, chất lượng hàng hóa, thì họ sẽ khó tiến tới thực thi tốt tiêu chuẩn trong các sân chơi cao hơn. Hệ quả là về lâu dài sự phát triển của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc nhiều vào một số thị trường trong RCEP, chứ không phải đóng góp vào năng lực nội tại của nền kinh tế và doanh nghiệp./.