Đó là mục tiêu và nhiệm vụ được đưa ra tại Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/01/2021.

Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN

Cụ thể Chiến lược đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới.

Mục tiêu đến năm 2030 đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam; phấn đấu Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; xây dựng được 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực; phát triển được 03 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ trí tuệ nhân tạo.

Hình thành được 50 bộ dữ liệu mở, liên thông và kết nối trong các ngành kinh tế, lĩnh vực kinh tế - xã hội phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Đến năm 2030, Việt Nam hình thành được 3 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về trí tuệ nhân tạo; có ít nhất 01 đại diện nằm trong bảng xếp hạng nhóm 20 cơ sở nghiên cứu và đào tạo về trí tuệ nhân tạo dẫn đầu trong khu vực ASEAN…

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra các định hướng: Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo; phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Trong các định hướng ưu tiên, Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo. Theo đó, nhấn mạnh việc thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm đào tạo, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu. Nhà nước đầu tư xây dựng một số trung tâm trọng điểm nghiên cứu, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao về trí tuệ nhân tạo và khoa học dũ liệu tại một số trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu.

Chiến lược cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung đầu tư cho nghiên cứu phát triển một số nền tảng, sản phẩm trí tuệ nhân tạo cấp thiết và quan trọng phục vụ thị trường trong nước, hướng đến thị trường trong khu vực và toàn cầu. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu, phát triển trong các lĩnh vực khác.

Đặc biệt, nêu rõ nhiệm vụ thúc đẩy xây dựng các trung tâm ươm tạo và thu hút đầu tư cho phát triển doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo: Triển khai các giải pháp huy động vốn đầu tư cho phát triển các doanh nghiệp và thương hiệu về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam.

Về định hướng thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Chiến lược nêu rõ yêu cầu pPhát triển doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Theo đó, cần Gia tăng số lượng các doanh nghiệp triển khai, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các lĩnh vực đã sẵn sàng về dữ liệu, công nghệ và kinh phí đầu tư. Đẩy mạnh triển khai các nền tảng phần mềm và ứng dụng mở về trí tuệ nhân tạo sẵn có.

Chiến lược chỉ rõ định hướng phát triển một số sản phẩm trí tuệ nhân tạo đặc thù của Việt Nam, từng bước hình thành công nghiệp trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam. Thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý đô thị.

Nâng cao năng lực, trình độ, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân về dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Về nhiệm vụ cho các bộ, Chiến lược nêu rõ, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới trí tuệ nhân tạo. Mở rộng các dự án xây dựng dữ liệu cộng đồng theo hình thức của đề án Hệ tri thức Việt số hóa; kết nối các cộng đồng trí tuệ nhân tạo, cộng đồng khoa học mở ở Việt Nam; hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu làm chủ, xây dựng các nền tảng nội địa cho tính toán hiệu năng cao, tính toán đám mây, tính toán sương mù; thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối các cộng đồng học thuật, nghiên cứu; cộng đồng nghề nghiệp phát triển và ứng dụng và khoa học dữ liệu trong và ngoài nước.

Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về giao dịch điện tử, về thiết lập và chia sẻ dữ liệu, về các khung thể chế thử nghiệm (sandbox), tạo ra một không gian thử nghiệm thuận lợi với khung chính sách pháp lý riêng để tiến hành thử nghiệm trí tuệ nhân tạo. trong các lĩnh vực có tiềm năng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật định dạng về công nghệ và sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Hình thành nền tảng dữ liệu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao xây dựng cơ chế đặc thù cho các trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về trí tuệ sáng tạo ở Việt Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thiện thể chế, các chính sách thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI), các tập đoàn công nghệ cao đa quốc gia xây dựng trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ sáng tạo ở Việt Nam theo Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao thúc đẩy phát triển và triển khai các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực ngân hàng: phân tích, dự đoán nhu cầu vay vốn, đối tượng vay vốn, hỗ trợ hoạt động cấp tín dụng; phát hiện các hành vi gian lận; cá nhân hóa các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tức thời cho khách hàng thông qua các trợ lý ảo và chatbot…./.