Đó là nhận định của TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Economica Vietnam khi trao đổi với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo bên lề hội thảo “Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc thị trường”, sáng 29/1, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương với sự hỗ trợ của chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam tổ chức.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam (ảnh: CafeF)

Theo ông Bình, trên toàn cầu “DNNN vẫn chiếm đến 20% tổng vốn đầu tư, 5% lao động toàn cầu và đến 40% sản lượng nội địa ở các nước trên thế giới”. Ngay tại các nước OECD, cái nôi của chủ nghĩa tư bản, và “theo điều tra của OECD năm 2009, 25 nước OECD có 2.050 DNNN với giá trị 1,2 nghìn tỷ USD”. Như vậy, DNNN vẫn là một chủ thể đáng kể của nền kinh tế trên toàn cầu. Tuy vậy, những vấn đề về DNNN mà các nước này đang gặp phải lại không giống như những vấn đề, mà Việt Nam đang gặp phải đối với khu vực DNNN.

Khác với Việt Nam, DNNN tại các nền kinh tế này đang hoạt động theo đúng các nguyên tắc thị trường với các khái niệm, quy định và nguyên tắc rõ ràng về quản trị công ty, được áp dụng nhất quán, rành mạch đối với chủ sở hữu, người thực thi đại diện quyền chủ sở hữu vốn nhà nước và ban điều hành. Trong khi đó tại Việt Nam, các DNNN chưa thực sự được hoạt động theo đúng nghĩa là các công ty với các khái niệm rõ ràng, rành mạch về các chủ thể có liên quan tới DNNN và mối quan hệ giữa các chủ thể đó.

Tại Việt Nam, DNNN sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng của nền kinh tế. Hiện nay, 818 doanh nghiệp có vốn nhà nước (bao gồm 491 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 327 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước) đang có tổng vốn nhà nước lên tới 1,6 triệu tỷ đồng với tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3,8 triệu tỷ đồng.

Nếu như nguồn lực khổng lồ này được sử dụng một cách có hiệu quả hơn, DNNN sẽ đóng góp mạnh mẽ hơn cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Bản thân khu vực DNNN còn chứa đựng rất nhiều dư địa đóng góp cho năng lực cạnh tranh quốc gia. Yêu cầu nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của khu vực DN này hiện nay trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của DNNN trong bối cảnh hiện nay?

TS. Lê Duy Bình: Tôi cho rằng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của DNNN có thể đạt được bằng việc nâng cao chất lượng quản trị công ty (corporate governance) tại chính các DNNN.

Luật Doanh nghiệp đã tạo những nền tảng quan trọng cho việc nâng cao chất lượng quản trị công ty, tuy nhiên Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản trị tại DNNN.

Trước khi việc cổ phần hóa các DNNN được thực hiện mạnh mẽ hơn, thì các biện pháp nâng cao chất lượng quản trị sẽ góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của DNNN và điều này tự nó sẽ nâng cao giá trị của các DNNN khi cổ phần hóa.

Quá trình sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sắp tới đây, theo tôi, cần đưa ra các định nghĩa rạch ròi, rõ ràng về các mối quan hệ ủy quyền (principlal agent relationship) giữa chủ sở hữu, người đại diện vốn chủ sở hữu, và các thiết chế nội bộ khác trong DNNN, đồng thời tạo ra các nguyên tắc mang tính nền tảng để áp dụng các nguyên tắc về quản trị công ty tốt tại các DNNN.

Thực tế hiện nay, tại nhiều DNNN, chủ sở hữu vẫn can thiệp khá sâu vào công tác điều hành của doanh nghiệp. HĐQT hoặc cơ quan tương đương tại DNNN chưa được thực hiện trách nhiệm của một cách độc lập. DNNN cần được hoạt động thực sự đúng nghĩa là các công ty hơn nữa.

Nâng cao chất lượng quản trị sẽ góp phần cải thiện hiệu quả hoạt động của DNNN và điều này tự nó sẽ nâng cao giá trị của các DNNN khi cổ phần hóa

PV: Trong 35 năm đổi mới, pháp luật Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung để DNNN ngày càng được trao thêm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN theo nguyên tắc thị trường còn nhiều vấn đề đặt ra, các điều kiện chưa được đảm bảo, đặc biệt khi so sánh với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế phổ biến. Ông nhận định thế nào về quan điểm trên, thưa ông?

TS. Lê Duy Bình: Thực tế là bản thân các DNNN mong muốn được như các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là về quyền tự chủ và trong hoạt động quản trị, điều hành.

Nhưng, ngược lại, cũng nhiều doanh nghiệp tư nhân lại mong muốn được như DNNN vì DNNN vẫn chưa phải đối diện với những nguyên tắc cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, chưa phải chịu những kỷ luật chặt chẽ nhất của thị trường, vẫn có các lối đi riêng trong cơ chế thị trường cạnh tranh, trong tiếp cận tài chính và các nguồn lực sản xuất, kinh doanh.

DNNN thực tế vẫn có những lợi thế chính sách đặc thù so với các loại hình doanh nghiệp khác. Vì thế, các hoạt động cải cách DNNN và phát triển doanh nghiệp tư nhân cần được song hành với việc giải quyết ở mức độ sâu hơn những vấn đề này.

Nền tảng cho việc thực hiện tốt các nguyên tắc quản trị công ty tại các DNNN và việc thực hiện quyền tự chủ trước tiên phải xác định được mối quan hệ ủy quyền (principal agent relationship) giữa người chủ sở hữu và người được ủy quyền thực thi quyền chủ sở hữu và được ủy quyền kinh doanh.

Theo các thông lệ và quy định tốt về quản trị công ty, chủ sở hữu chỉ tham gia bỏ phiếu về một số vấn đề của công ty. Công ty có tính độc lập trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Những nguyên tắc và khái niệm cơ bản trong hoạt động của công ty, của quản trị công ty phải được áp dụng đối với DNNN. Thế nhưng, tại Việt Nam việc thực hiện các nguyên tắc trên chưa tốt.

Mặc dù đã có những cải cách đáng kể trong thời gian vừa qua, nhưng chủ sở hữu thực sự và cách thức thực thi quyền chủ sở hữu tại các DNNN vẫn chưa rõ ràng và rành mạch. Đại diện chủ sở hữu, theo quy định, lại không có toàn quyền định đoạt đối với tài sản, mà mình đóng vai trò là chủ sở hữu. Sự mơ hồ này dẫn đến sự lảng tránh trách nhiệm hay việc các thiết chế trong nội bộ DNNN như các chủ sở hữu (cổ đông), HĐQT, Ban điều hành không thực hiện được đúng các nguyên tắc quản trị công ty lành mạnh, theo đúng các thông lệ quốc tế.

Sự tham gia của cơ quan quản lý vào công tác quản trị và điều hành của DNNN lại càng làm cho việc quản trị và điều hành tại các DNNN xa rời các thông lệ tốt và khiến các DNNN không đáp ứng được các nguyên tắc của thị trường.

Cụ thể, tại nhiều DNNN, chủ sở hữu vẫn can thiệp khá sâu vào công tác điều hành của doanh nghiệp. HĐQT hoặc cơ quan tương đương tại DNNN chưa được thực hiện trách nhiệm của một cách độc lập. Quyền của HĐQT vẫn chưa hoàn toàn được tôn trọng.

Sự tham gia quá sâu của chủ sở hữu vào hoạt động thường nhật của doanh nghiệp đã hạn chế quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và do vậy triệt tiêu động lực và tinh thần tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp.

Hiệu quả hoạt động của DNNN trong nhiều trường hợp không nằm ở chính DNNN mà lại ở cơ quan chủ sở hữu. Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định trước khi biểu quyết tất cả những nội dung thuộc thẩm quyền HÐQT, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (người đại diện) phải xin ý kiến chủ sở hữu, sau đó triệu tập HÐQT họp để biểu quyết, thông qua nghị quyết làm cơ sở cho cơ quan điều hành triển khai thực hiện.

Hiện, cơ quan nhà nước quyết định nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước như: quyết định quỹ tiền lương, thù lao hằng năm của người quản lý; phê duyệt việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật Tổng giám đốc, Giám đốc.

Cùng với đó, phê duyệt phương án huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư quy mô lớn; dự án đầu tư ra nước ngoài; quyết định việc chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác trong trường hợp thấp hơn giá trị sổ sách; quyết định chủ trương góp vốn, tăng, giảm vốn góp, chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác; khiến cho giảm quyền tự chủ của doanh nghiệp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc về quản trị doanh nghiệp nhà nước…

Trong khi đó, thời gian chờ chủ sở hữu trả lời thường không cố định, có thể là một hoặc hai tháng. Vì thế, rất nhiều quyết định kinh doanh của DN phải trải qua một quy trình có tính hành chính cao. Nó cho thấy tính độc lập, tự chủ trong hoạt động kinh doanh của DNNN còn rất hạn chế.

Các quyết định dựa trên các quy trình hành chính tuy đảm bảo sự thận trọng cần thiết, nhưng lại làm mất đi tính linh hoạt, chủ động, mất đi cơ hội kinh doanh, và đặc biệt là nó sẽ không tạo ra một văn hóa kinh doanh, dám chấp nhận rủi ro và liên tục đổi mới sáng tạo tại các DNNN.

Bên cạnh đó, việc chủ sở hữu có ý kiến về những những vấn đề kinh doanh thường nhật của doanh nghiệp, như: huy động vốn, dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định, dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, dự án đầu tư ra nước ngoài cho thấy sự tham gia quá sâu của chủ sở hữu vào hoạt động thường nhật của doanh nghiệp, đã hạn chế quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và do vậy triệt tiêu động lực và tinh thần tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp.

PV: Vậy, làm thế nào để phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại DNNN một cách hiệu quả, thưa ông?

TS. Lê Duy Bình: Việc phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng phải đến từ chính các thiết chế hiện tại tại DNNN, như: HĐQT hay Ban điều hành. Tinh thần tự chủ phải gắn kết với việc thực thi các trách nhiệm và minh bạch thông tin.

Báo cáo mới công bố của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, các DNNN trung bình mỗi doanh nghiệp chỉ công bố khoảng 5/9 loại báo cáo theo quy định của Nghị định số 81/2015/NĐ-CP. Việc tìm kiếm các thông tin, báo cáo về các DNNN trên mạng là vô cùng khó khăn. Thực hiện tốt các quy định về minh bạch thông tin sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình nâng cao tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DNNN do các hoạt động giám sát đối với hoạt động của các DNNN sẽ được tăng cường.

Nền tảng và điều kiện tiên quyết cho việc áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại và nâng cao trách nhiệm giải trình (cùng với tính tự chủ) của các DNNN là việc phân định rõ ràng được quyền sở hữu và trách nhiệm, quyền hạn gắn với quyền sở hữu đó.

Thế nhưng, tại nước ta, quyền sở hữu nhà nước và quyền quản lý nhà nước hiện vẫn chưa được tách bạch rõ ràng. Vì thế, đây phải là một lĩnh vực ưu tiên trong công tác cải cách DNNN trong thời gian tới.

Việc đánh giá hiệu quả hoạt động của các DNNN hiện nay cần phải được bổ sung một nội dung quan trọng đó là đánh giá về hiệu quả chức năng quản lý nhà nước đối với DNNN và hiệu quả của việc thực thi việc ủy quyền quyền sở hữu và thực thi chức năng đại diện quyền sở hữu tại các DNNN dựa trên các tiêu chí và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, cổ phần hóa các DNNN, chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần cũng hỗ trợ tích cự cho việc nâng cao tính tự chủ của các DNNN. Tuy các doanh nghiệp cổ phần hóa, trong đó Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối hiện vẫn còn gặp một số hạn chế về tính tự chủ, nhưng việc cổ phần hóa là điều kiện tốt để áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty, đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DNNN.

Cổ phần hóa cũng hỗ trợ cho việc minh bạch hóa thông tin về DNNN và tăng cường sự giám sát của nhiều chủ thể khác đối với hoạt động của DNNN sau cổ phần hóa.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!