Công nghiệp hỗ trợ đang có nhiều vấn đề

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, công nghiệp phụ trợ là vấn đề rất lớn của đất nước. Kinh nghiệm cho thấy, các nước thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều và có nền kinh tế phát triển đều có nền công nghiệp phụ trợ phát triển.

Nói như vậy để thấy vai trò rất quan trọng của công nghiệp phụ trợ. Có công nghiệp phụ trợ thì ta mới hấp thụ được công nghệ cũng như hấp thu được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tạo ra giá trị gia tăng trong nội địa. Còn nếu ta không làm được điều này thì dù có thu hút nước ngoài nhiều, chúng ta cũng chỉ là làm gia công lắp ráp cho nước ngoài thôi”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Bộ trưởng Vinh nhận định, trong giai đoạn tiếp theo, doanh nghiệp tư nhân sẽ là đối tượng then chốt trong phát triển công nghiệp hỗ trợ và tạo chuỗi giá trị gia tăng. Doanh nghiệp tư nhân sẽ là lực lượng quyết định Việt Nam không chỉ đi nhập nguyên liệu, lắp ráp gia công; mà có thể sản xuất và chủ động về nguồn nguyên liệu.
Tuy nhiên, “Công nghiệp hỗ trợ vẫn là vấn đề gây nhiều trăn trở trong thời gian qua” – Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn thừa nhận.

iều này cũng đã được người đồng nhiệm của ông, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng thẳng thắn chỉ rõ trong phiên chất vấn chiều 17/11.

Cụ thể, năm 2011, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12 về một số chính sách khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Tiếp theo, Chính phủ đã ban hành một số chính sách đối với 6 nhóm hàng hóa liên quan đến công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo ô tô, điện tử, dệt may, da giày, năng lượng…
Gần đây nhất, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhưng, Bộ trưởng Huy Hoàng cũng cho rằng, trong thời gian qua, Chính phủ đã quan tâm đến chính sách nhưng cấp độ pháp lý chưa đạt yêu cầu.

"Khi nói đến công nghiệp hỗ trợ là nói đến linh kiện, phụ tùng, nguyên phụ liệu … Tuy nhiên, để phát triển đòi hỏi quy mô lớn, sản xuất nhiều, giá thành có thể cạnh tranh được, việc tổ chức thuận lợi hơn. Nhưng, dung lượng thị trường của Việt Nam chưa đủ”, Bộ trưởng Hoàng cho biết thêm.

Cụ thể, đối với ngành ô tô, các cơ sở sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhiều và khó có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ yêu cầu cung cấp nguyên liệu, phụ tùng cho ngành ô tô. Sản xuất ô tô mỗi năm phải đạt 100.000 xe thì doanh nghiệp hỗ trợ mới phát huy được.

Trong khi đó, ngành dệt may và da giày có dung lượng sản xuất hàng hóa lớn. Theo thống kê, ngành dệt may có thể tự lo nguyên phụ liệu trong nước 50%; ngành da giày 60%. Công nghiệp hỗ trợ muốn phát triển phải phụ thuộc vào quy mô của ngành.
Hơn nữa, theo Bộ trưởng Hoàng, chuỗi giá trị toàn cầu được quyết định bởi những doanh nghiệp lớn, những tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh sử dụng các doanh nghiệp vệ tinh.

“Chúng ta đi sau nên việc len chân vào chuỗi giá trị toàn cầu còn khó khăn. Công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi nguyên vật liệu như thép, chất dẻo … Trong khi những mặt hàng này Việt Nam phải nhập khẩu nên khả năng cạnh tranh còn yếu kém”, Bộ trưởng Hoàng chỉ rõ.
Cùng với đó, vấn đề con người cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề. Ngành công nghiệp hỗ trợ là ngành thâm dụng lao động; trong khi đó, nguồn lao động của Việt Nam còn thiếu, mặc dù đã có nhiều cố gắng.

Giá ô tô đắt là do cơ chế, chính sách

Đại biểu Trần Ngọc Vinh – TP Hải Phòng đặt câu hỏi, trong thời gian qua, mặc dù Việt Nam đã có chính sách phát triển công nghiệp ô tô, song ngành ô tô còn phát triển èo ọt, tỷ lệ nội địa hóa đơn giản. Giá ô tô tại Việt Nam đắt nhất thế giới. Vậy kế hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn 2035 như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm ô tô như sau: ô tô chở khách 80 chỗ đã nội địa hóa 40; đối với xe tải chuyên dụng đã nội địa hóa trên 70%; riêng với ô tô con tỷ lệ này còn khá thấp, trong khoảng 10%.

Song, Bộ trưởng Hoàng thừa nhận, trong thời gian qua, công nghiệp phát triển ô tô có nhiều vấn đề liên quan đến ô tô con. Giá ô tô còn đắt. Giá đắt do cơ chế chính sách còn nhiều hạn chế, sản phẩm đến tay người mua đội giá cao hơn giá thành sản xuất rất nhiều.

Theo chiến lược phát triển năm 2025 và tầm nhìn 2035, đối tượng quan trọng là lựa chọn dòng xe chiến lược, dòng xe thông dụng với giá cả vừa phải để nhiều người có thể mua được, áp dụng công nghệ không quá phức tạp. Do đó, Bộ Công Thương đề xuất sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa với xe chở khách và xe chuyên dụng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Cần có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp

Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đề xuất, năm 2015 nên được chọn là năm doanh nghiệp; năm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Mục tiêu cuối cùng chính là tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; tạo điều kiện cho mọi người dân có tiền không mang tiền đi gửi tiết kiệm mà mang tiền đi kinh doanh.

Đồng thời, Bộ trưởng Vinh cho rằng cần có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp; tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đơn giản, dễ dàng, chuyển giao công nghệ.

“Các tập đoàn lớn như Samsung, tập đoàn của Đức, Nhật… sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và nhận lại sản phẩm sau khi hoàn thành. Nhưng, số doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của những tập đoàn này vẫn còn hạn chế”, Bộ trưởng Vinh cho biết.

Bộ trưởng Vinh cũng chỉ rõ, thị trường là nơi tiêu thụ và tham gia vào chuỗi cung ứng thế giới. Do vậy, cần khuyến khích thành lập, cổ vũ động viên lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp làm ra sản phẩm phải có giá thành thấp, đủ sức cạnh tranh; vì giá thành là cái quyết định cuối cùng. Đây là động lực tạo ra nền công nghiệp phụ trợ tốt cho Việt Nam.

Còn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thì cho biết, giải pháp đầu tiên là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho phát triển công nghiệp phụ trợ, bên cạnh đó đề xuất Quốc hội thông qua luật về về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp phụ trợ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã trình chính phủ một số giải pháp khác gồm: có quỹ tăng cường hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia công nghiệp phụ trợ gồm hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ vay để mua công nghệ, mở rộng sản xuất; kiến nghị thành lập trung tâm hỗ trợ cho doanh nghiệp hỗ trợ gồm các phòng thí nghiệm, kiểm định, thiết kế tạo khuôn mẫu phi lợi nhuận; đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp hỗ trợ trong tiếp cận thị trường, đào tạo công nhân, cán bộ; đối với các dự án ODA, có thể dành tỷ lệ nhất định cho doanh nghiệp hỗ trợ./.