Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra thành công tốt đẹp, tạo ra động lực, sự phấn khởi, tin tưởng của toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2021 và giai đoạn tới.

Bức tranh kinh tế - xã hội tháng 01/2021 đã có nhiều điểm sáng

Kinh tế - xã hội tháng 01/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tình hình kinh tế - xã hội tháng 01/2021 vẫn duy trì được đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc với 08 điểm sáng.

Thứ nhất, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 1 tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tốc độ tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo đạt 27,2%. Sản xuất nông nghiệp cơ bản đạt kế hoạch, đáp ứng tốt nhu cầu và giúp giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết ổn định, không có biến động lớn.

Thương mại trong nước tăng 6,4% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu gia tăng và sự tham gia của các doanh nghiệp thông qua chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu, thu hút tiêu dùng của người dân.

Thứ hai, lạm phát được kiểm soát dù phải chịu áp lực từ nhu cầu tiêu dùng tăng. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 tăng 0,06% so với tháng trước, chủ yếu do điều chỉnh tăng giá xăng, dầu và giá các mặt hàng tăng do nhu cầu mua sắm Tết. Việc giảm giá điện không chỉ hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà còn góp phần giúp chỉ số CPI chung giảm 0,56%.

Thứ ba, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Lãi suất huy động tiếp tục xu hướng giảm. Dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ duy trì ở mức ổn định trong các tháng đầu năm 2021, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn và phục hồi. Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của các hệ thống thanh toán, bảo đảm an toàn, hiệu quả, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt cho người dân, doanh nghiệp dịp Tết.

Thứ tư, tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng đạt trên 10 nghìn doanh nghiệp, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2020 với số lao động đăng ký mới ở mức cao, đạt trên 115 nghìn người, tăng 37,2%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tuy giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn giữ xu hướng tăng, đạt 6.503 doanh nghiệp, cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây, phản ánh niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế nước ta.

Thứ năm, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tháng 01/2021, tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 54,1 tỷ USD, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm trước. Hai thị trường có mức xuất siêu lớn nhất là Mỹ và EU, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai thị trường nhập siêu lớn nhất.

Thứ sáu, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đạt được kết quả nổi bật và ấn tượng, cho thấy sự đúng đắn, hiệu quả của những giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua. Tính đến hết tháng 1/2021, ước giải ngân năm 2020 đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 96,13% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (năm 2019 đạt 76,75%). Số vốn kế hoạch năm 2021 các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã giao chi tiết cho các dự án đạt 89% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương các năm trước. Ước giải ngân tháng 1/2021 đạt 15 nghìn tỷ đồng, bằng 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 0,95%).

Thứ bảy, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong doanh nghiệp được thúc đẩy mạnh mẽ; nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa quan trọng đã được triển khai, như: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu nâng cao nhận thức và hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021 đã thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ quy mô lớn, uy tín, hàng chục nghìn lượt khách thăm quan, kết nối các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khẳng định vai trò kiến tạo của Chính phủ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa Việt Nam trở thành điểm đến về đổi mới sáng tạo của khu vực và thế giới.

Thứ tám, hoạt động tổ chức, chăm lo, ổn định đời sống cho người dân đón Tết được chú trọng. Các cơ quan trung ương, địa phương đã chủ động rà soát, tổng hợp số hộ dân có nguy cơ thiếu đói; chủ động xây dựng kế hoạch thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho các đối tượng chính sách; theo dõi, nắm bắt tình hình lao động để kịp thời hỗ trợ người lao động đón Tết…

Và, 6 điểm tối trong bức tranh kinh tế - xã hội chung

Tuy vậy, bên cạnh các điểm sáng của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra 06 điểm cần lưu ý trong bức tranh kinh tế - xã hội tháng đầu tiên của năm 2021.

(1) Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp ở cả trong nước và thế giới. Việc phổ biến vắc-xin chậm hơn dự kiến do sự thiếu hụt về nguồn cung. Trong nước, đã xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng với biến chủng virus mới, có thời gian ủ bệnh ngắn và tốc độ lây lan rất nhanh. Điều này đòi hỏi Việt Nam càng phải thần tốc, quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

(2) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12/2020; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,1%. Nguyên nhân có thể do chu kỳ kinh doanh, khi doanh nghiệp thường có xu hướng đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm và tập trung tiêu thụ trong tháng 1. Tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi sát sao để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài.

(3) Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020. Dù vậy, dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn do các nhân tố chủ yếu sau: (i) sự phục hồi của kinh tế trong nước và thế giới, thúc đẩy nhu cầu, tạo sức ép lên giá cả; (ii) giá dầu thế giới có xu hướng gia tăng liên tục do hoạt động sản xuất phục hồi và cắt giảm sản lượng khai thác dầu; (iii) chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, quy mô lớn của nhiều quốc gia khiến cung tiền tăng mạnh; (iv) nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp cận Tết. Do vậy, cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến giá cả, phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa, tiền tệ, không để lạm phát tăng cao.

(4) Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao phản ánh ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 18 nghìn doanh nghiệp, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020; chủ yếu thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như dịch vụ và du lịch. Trong khi đó, sự phục hồi của dịch vụ và du lịch còn chậm, do đó đây vẫn là những ngành, nghề cần có sự quan tâm, hỗ trợ từ chính sách trong thời gian tới.

(5) Thị trường chứng khoán biến động mạnh trong tháng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính sách nới lỏng tiền tệ đã giúp lãi suất giảm thấp, dẫn đến dòng tiền đi vào các kênh đầu tư khác, như thị trường chứng khoán, giúp đa dạng hóa các kênh đầu tư và phát triển thị trường tài chính, tuy nhiên sẽ gia tăng thêm rủi ro. Biến động này không dựa trên tăng trưởng của doanh nghiệp cho thấy yếu tố đầu cơ đã phần nào chi phối thị trường. Dự báo lãi suất tiếp tục ở mức thấp, do vậy cần chú trọng theo dõi sát diễn biến của thị trường chứng khoán và các thị trường khác như vàng, bất động sản, tiền ảo... để hạn chế rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế; thúc đẩy xây dựng, triển khai các chính sách phát triển thị trường bền vững hơn.

(6) Dịch bệnh tiếp tục là trở ngại lớn cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 20/1/2021, tổng số vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần giảm 58,7%. Bên cạnh đó, việc cấp mới và điều chỉnh các dự án đầu tư nước ngoài phần nào bị ảnh hưởng do có sự chuyển tiếp giữa Luật Đầu tư 2014 và Luật Đầu tư 2020.

Đánh giá chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì đà phục hồi. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thương mại, tiêu dùng được thúc đẩy do nhu cầu mua sắm, chuẩn bị Tết của người dân. Dù phải chịu áp lực tăng giá do nhu cầu gia tăng và giá dầu thế giới phục hồi, lạm phát vẫn được kiểm soát. Xuất siêu tiếp tục là điểm sáng với động lực xuất khẩu từ ngành chế biến, chế tạo.

Mặc dù vậy, dịch Covid-19 xuất hiện trở lại trong cộng đồng với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm.

“Dự báo, dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ./.