Sáng 13/3, Chính phủ tổ chức hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại Cần Thơ. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng hội nghị có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục tìm giải pháp phát triển bền vững “vùng đất 9 rồng”, tạo thành vùng kinh tế động lực quan trọng cho đất nước.

Chỉ trong chưa đầy 5 năm, Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị dành riêng để định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phát triển “thuận thiên” đã được thấm nhuần trong nhận thức và hành động

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh miền Tây có vị trí và vai trò chiến lược quan trọng. Vùng chiếm 12% diện tích cả nước, 19% dân số, 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 70 sản lượng trái cây… Ngân hàng Thế giới đánh giá khu vực này chiếm 2% sản lượng gạo thương mại toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin.

Báo cáo tổng hợp 3 năm thực hiện Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, phát triển “thuận thiên” đã được thấm nhuần trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương, được các chuyên gia, nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, các đối tác quốc tế ủng hộ, hỗ trợ hiệu quả.

Bộ trưởng chỉ rõ 5 thành tựu quan trọng sau 3 năm thực hiện Nghị quyết.

Một là, kiến tạo thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển bền vững theo một tổng thể thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp. Cơ chế chính sách được xây dựng, bổ sung hoàn thiện, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực theo thế mạnh của vùng. Các nút thắt trong chính sách đất đai, đầu tư được tháo gỡ, liên kết được tăng cường để tạo chỗ đứng cho các sản phẩm trên thị trường thế giới.

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi được ban hành, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi quy mô lớn, tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; phát triển giao thông, năng lượng tái tạo…

Hai là, chủ động thích ứng nhờ nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai; chuyển đổi sản xuất, kinh doanh dựa vào các lợi thế tự nhiên lấy con người làm trung tâm.

Bộ trưởng chỉ rõ, công tác điều tra, khảo sát, cảnh báo, dự báo về môi trường, khí hậu được tăng cường theo chủ trương nương theo quy luật tự nhiên.

Mạng lưới quan trắc, giám sát khí hậu, thời tiết được tăng cường, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai được nâng cao phục vụ thực hiện các giải pháp thích ứng, trong đó đã chú trọng các giải pháp phi công trình như: tích nước, chuyển đổi thời vụ canh tác, cơ cấu lại cây trồng-vật nuôi… Nhờ đó đã hạn chế được tối đa tác động xấu ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.

Chuyển đổi kinh tế được đẩy mạnh nương theo thế mạnh tự nhiên; hình thành mạng lưới sản xuất thông minh, tập trung quy mô lớn, chuyên canh gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tạo ra các thương hiệu nổi tiếng thế giới như gạo ST25.

Các lợi thế sinh thái, văn hóa, lịch sử được bảo tồn, phát huy, thúc đẩy kinh tế du lịch, dịch vụ. Chỉ riêng năm 2019, khách du lịch ước đạt 47 triệu lượt, khách lưu trú ước đạt 13,5 triệu lượt, thu đạt hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ba là, định hình không gian phát triển, quy hoạch hạ tầng kết nối nội vùng, với thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ được đẩy mạnh.

Bộ trưởng cho biết, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đầu tư thực hiện nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm với tổng mức đầu tư khoảng 89 nghìn tỷ đồng, trong đó 14 dự án đã hoàn thành, 14 dự án đang triển khai, 03 dự án đang chuẩn bị triển khai.

Hội đồng Điều phối vùng được thành lập, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, tháo gỡ được những rào cản và giải phóng hiệu quả nguồn lực đầu tư.

Bốn là, khơi thông, thúc đẩy nguồn lực đầu tư công làm hạt nhân, dẫn dắt đầu tư của khối doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng cho biết, vốn đầu tư được chỉ đạo, ưu tiên bố trí cho các dự án có tính hạt nhân, đa mục tiêu giải quyết các vấn đề cấp bách về dân sinh.

Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua địa phương đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng chiếm khoảng 16% so với cả nước, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 80 nghìn tỷ. Trung ương cũng đã bổ sung ngoài kế hoạch trung hạn 2,5 nghìn tỷ để xử lý các điểm sạt lở cấp bách nguy hiểm.

Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương đạt 114 nghìn tỷ. Nguồn vốn ODA đạt 22 nghìn tỷ. Thu hút FDI đạt trên 14 tỷ USD.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, phát triển “thuận thiên” đã được thấm nhuần trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, ngành, địa phương

Năm là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, truyền thông nâng cao nhận thức, đào tạo, chuyển đổi ngành nghề, tăng cường hợp tác quốc tế.

“Về tổng thể, sau hơn 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, có thể khẳng định vùng ĐBSCL đã chuyển mình mạnh mẽ với những tiến bộ trong cả tư duy lẫn hành động, chuyển từ bị động sang chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế; sinh kế, đời sống của nhân dân được từng bước cải thiện; bức tranh phát triển ĐBSCL ngày càng được điểm tô bằng nhiều gam màu tươi sáng”, Bộ trưởng Hà khẳng định.

Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã từng bước được chứng minh. Tăng trưởng GDP luôn ở mức cao trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong hai năm liên tục 2018 và 2019 đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 7,3%.

BĐKH tiếp tục là thách thức lớn đối với sự phát triển của ĐBSCL

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, BĐKH, thiên tai đang ngày càng diễn ra nhanh, phức tạp và sẽ tiếp tục khó lường, khó dự báo do tính thất thường, cực đoan, đặc biệt là những tác động ngắn hạn.

Khi các nỗ lực toàn cầu, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính, vẫn chưa đạt được như kỳ vọng; hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Công ngày càng phức tạp; cơ chế điều phối tiểu vùng khó phát huy được hiệu quả, ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều tác động bất lợi: thiếu cát, thiếu màu, thiếu nước sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng.

Nghị quyết mới được triển khai thực hiện hơn 03 năm, trong khi mục tiêu, tầm nhìn mang tính chiến lược, dài hạn, cần có thời gian và nguồn lực để đảm bảo triển khai, cụ thể hoá thành những hành động, nhiệm vụ cụ thể.

“Những thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải hành động nhanh hơn, nhất là trong 5 năm tới, trong đó chủ trương phát triển thuận thiên, lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực cần tiếp tục được quán triệt trong mọi quyết sách”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Cần sớm phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030

Để phát triển vùng đất Chín Rồng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề xuất nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh nhóm giải pháp về thể chế, cơ chế chính sách.

Theo ông, cần phát huy vai trò Hội đồng Điều phối vùng với sự tham gia tích cực hiệu quả của các địa phương trong vùng; tăng cường rà soát, bổ sung và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, đặc biệt là huy động nguồn lực thông qua đối tác công - tư, tập trung đất đai phục vụ chuyển đổi quy mô lớn, quy hoạch các khu vực trồng lúa chuyển đổi mục đích linh hoạt để chủ động trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên từng năm.

“Sớm ban hành Quy hoạch vùng làm căn cứ để triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các tỉnh, thành phố theo các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước”, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng cũng lưu ý rằng, cần ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đa mục tiêu, kết nối vùng phục vụ sản xuất, ổn định đời sống của nhân dân. Khẩn trương bổ sung nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ chính sách phát triển vùng; nguồn vốn đầu tư thông qua các định chế tài chính, tổ chức tín dụng bao gồm Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam.

Đặc biệt, cần ưu tiên thực hiện các dự án hạ tầng đa mục tiêu về thủy lợi, cấp nước sạch, thoát nước, giao thông, ứng phó với BĐKH; kết nối vùng, liên vùng thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, phát triển thương mại, tạo chuỗi giá trị.

Cụ thể: nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ trong vùng và kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ. Tập trung phát triển có trọng điểm hệ thống giao thông đường bộ, thủy nội địa, nhất là vùng ven biển để phát triển kinh tế biển theo hướng thuận thiên.

Về thủy lợi, cần kiểm soát lũ, xâm nhập mặn, cấp ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp; hệ thống trữ ngọt cung cấp nước sinh hoạt phục vụ người dân khu vực thường xảy ra xâm nhập mặn; đầu tư xử lý sạt lở bờ sông và củng cố đê biển. Tập trung hoàn thành các dự án hệ thống thủy lợi: Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1; Bắc và Nam Bến Tre; tiểu vùng II, III, V Cà Mau; Dự án Tha La, cống Trà Sư.

Về xây dựng, phải phát triển hạ tầng đô thị xanh thông minh, thích ứng với BĐKH; cấp nước an toàn...; nâng cấp mạng lưới điện nông thôn.

Bộ trưởng cũng lưu ý tới giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu lao động và tăng cường hợp tác quốc tế.

Theo Bộ trưởng, cần tổng kết những bài học kinh nghiệm để nhân rộng cho các vùng sinh thái khác trong cả nước, đóng góp mô hình phát triển bền vững cho thế giới.

Ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030

Nhấn mạnh Nghị quyết 120 ra đời là bước đột phá lớn, kim chỉ nam cho sự phát triển của ĐBSCL, ở góc độ địa phương, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ

kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 để tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị quyết 120 trong thời gian tới.

Đối với việc tìm đường ra các thị trường lớn cho nông sản của khu vực ĐBSCL chưa được thực hiện nhiều, chưa có tuyến vận tải hàng hóa kết nối trực tiếp với thị trường quốc tế. Về đường hàng không, đến nay, sân bay Cần Thơ vẫn chưa được đầu tư nhà ga hàng hóa và khu logistic hàng không. Cảng quốc tế Cái Cui Cần Thơ có công suất tiếp nhận tàu trọng tải 20.000 tấn nhưng không có hàng hóa thông quan. Do vậy TP. Cần Thơ kiến nghị Trung ương sớm có giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.

Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu bổ sung 2 tỷ USD tăng thêm cho giai đoạn 2021-2025 để thoàn thành các chương trình, dự án đầu tư của vùng ĐBSCL với cơ chế tài chính cấp phát 100% vốn vay nước ngoài

Bí Thư Thành ủy TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thực hiện theo phương thức cấp phát đối với khoản vay này.

Giữ đất, giữ nước và giữ người

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân cho biết ba vấn đề được Nghị quyết 120 nhấn mạnh, cũng là ba thách thức rất lớn đối với Cà Mau trong quá trình phát triển đó là: Giữ đất, giữ nước, giữ người.

Giữ đất là phòng chống sạt lở, không để mất đất ven sông, ven biển. Giữ nước là quản lý có hiệu quả nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân. Giữ người là bảo vệ tính mạng, sự sống và phát triển của con người, hạn chế tình trạng di dân, dịch chuyển lao động đi nơi khác.

Giữ đất của Cà Mau đồng nghĩa với giữ rừng. Với nước biển dâng và biến đổi khí hậu, do lượng phù sa giảm mạnh, rừng ven biển của Cà Mau bị giảm nhanh chóng. Trên nhiều tuyến đê biển Tây đã không còn rừng ven biển.

Để giữ đất, Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Cà Mau tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “đê, kè mềm”, phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản ven bờ gắn với các lớp tạo chắn sóng...

“Tuy nhiên, các dự án này lại vướng vào mốc giới rừng, do đó, Cà Mau kiến nghị Chính phủ và Trung ương có các chính sách về phát triển rừng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để vừa giữ đất, giữ rừng và phát triển kinh tế địa phương”, ông Quân phát biểu.

Vấn đề thiếu nước ngọt vào mùa khô và thừa nước ngọt vào mùa mưa đang ngày càng nghiêm trọng ưu tiên của Cà Mau trong những năm tới là tái cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp, hình thành các tiểu vùng khép kín gắn với hệ thống thủy lợi nội đồng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tích nước ngọt thông qua xây dựng hệ thống ao, hồ nội đồng. Cà Mau cũng đặt nhiều kỳ vọng vào các dự án thủy lợi dẫn nước tới bán đảo Cà Mau…

Còn GS. Võ Tòng Xuân, hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ vừa chỉ ra các hạn chế, vừa đề xuất các giải pháp.

Theo vị chuyên gia này, tại vùng mặn ven biển, diện tích lúa - tôm tăng nhiều, nhưng có tính tự phát. Để bảo đảm an ninh lương thực, Nhà nước đã tập trung đầu tư cho thuỷ lợi. Bây giờ, nhiều tỉnh đã sử dụng kinh phí của tỉnh, giúp cho bà con nông dân làm hệ thống lúa – tôm. Việc này đem lại lợi ích gấp 4,5 lần cây lúa.

“Tuy nhiên, trong việc chuyển dịch này, tự phát còn nhiều, chưa có đầu tư tổng thể, nên việc lợi tức của người nông dân nuôi tôm cũng còn hạn chế”, vị giáo sư này cho biết.

Ông còn chỉ rõ, phong trào chuyển lúa sang trồng cây ăn trái khá nhiều, nhưng làm rất lẻ tẻ.

“Bên cạnh đó, nhiều năm nay, một trong những khó khăn của người nông dân khi chuyển đổi là vấn đề đầu ra. Phải giải quyết đầu ra và không để thương lái hoành hành thì mới đem lại hiệu quả thực sự. Tới đây, tôi nghĩ rằng chúng ta cần định hướng tư duy từng vùng, vùng nào trồng cây gì? Từ định hướng đó, chúng ta mới kết hợp nông dân với nông dân thành những hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp”, GS. Võ Tòng Xuân gợi ý.

Tập trung ở góc độ khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị Thành phố Cần Thơ nghiên cứu việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng ĐBSCL, trong đó, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

Tập trung vào vấn đề khoa học, công nghệ, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Nhà nước cần đầu tư mạnh cho cho các trường đại học, viện nghiên cứu trong vùng (Đại học Cần Thơ, Đại học An Giang, Viện Lúa ĐBSCL…) để phát huy hiệu quả vai trò chủ thể nghiên cứu mạnh, có thể đồng hành cùng với các doanh nghiệp là trung tâm của của hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Liên kết này sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng lớn, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

"Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng và vận hành Trung tâm này", Bộ trưởng nói./.