Theo ông Vũ Tiến Lộc, hệ lụy từ tác động đại dịch đối với các doanh nghiệp nói chung là hết sức nặng nề

Ông đánh giá thế nào về sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam sau hơn 1 năm đại dịch Covid -19 bùng phát?

Hàng loạt nghiên cứu và đánh giá sơ bộ trong thời gian qua của nhiều cơ quan và tổ chức cho thấy một bức tranh chung là sự tàn phá nặng nề của đại dịch đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người lao động tại Việt Nam trong bối cảnh tác động nặng nề kéo dài của dịch Covid trên phạm vi toàn cầu. Trong cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng này, các doanh nghiệp đã chịu rất nhiều tổn thất và sự chống chịu kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp đang đứng trước những giới hạn.

Sức chống chịu của doanh nghiệp đang đứng trước những giới hạn sau những tổn thất nặng nề từ tác động bởi dịch Covid-19

Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời cũng là chủ thể quan trọng khi ứng phó với các vấn đề toàn cầu, trong đó có đại dịch COVID-19. Vậy trong vòng một năm qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp? Họ đã ứng phó ra sao trước đại dịch? Các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam có hiệu quả như thế nào? Và Chính phủ cần thêm những hỗ trợ gì trong thời gian sắp tới? Đây là những câu hỏi lớn đặt ra mà VCCI đã nỗ lực tìm kiếm câu trả lời khi thực hiện Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” vừa được chúng tôi công bố.

Với phạm vi quy mô thực hiện khá lớn, kết quả khảo sát này đã nói lên điều gì, thưa ông?

Hệ lụy từ tác động đại dịch đối với các doanh nghiệp nói chung là hết sức nặng nề. Trên bình diện toàn thế giới Covid-19 đã làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm. Làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, với ước tính tỷ lệ doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021. Trung bình cứ 3 doanh nghiệp trên thế giới thì có 1 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán. Kéo theo đó là làn sóng mất việc làm của người lao động.

Trong bức tranh chung ảm đạm này, dịch Covid-19 đã khiến cho mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây và cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100 ngàn doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, có tới hơn 90% giảm sút khả năng tiếp cận khách hàng, mất cân bằng về dòng tiền, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, trong đó khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa chịu tổn thất nặng nề nhất.

Tuy nhiên điều rất đáng chú ý từ khảo sát này là khả năng chống chịu kiên cường đang trở thành một năng lực cạnh tranh cốt lõi của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt. Từ những mất mát tổn thất rất lớn qua đại dịch, có thể nói là các doanh nghiệp Việt đã “ngộ” ra được rất nhiều bài học và trải nghiệm quý giá để thực sự làm động lực buộc phải tái cấu trúc lại chiến lược kinh doanh nếu muốn thích nghi và phát triển trong bối cảnh bình thường mới. Đây là thông điệp rất đáng quan tâm mà chúng tôi muốn nhấn mạnh và truyền tải từ báo cáo này.

Không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp, theo ông, liệu có bài học quý giá nào dành cho các nhà hoạch định chính sách cũng như điều hành quản lý từ thực tiễn 1 năm ứng phó với đại dịch?

Rõ ràng là để có thể có được những kết quả rất đáng ghi nhận với mức tăng trưởng dương hiếm hoi của nền kinh tế Việt Nam với sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, ngoài sự chủ động nỗ lực vượt khó khăn từ chính bản thân các doanh nghiệp, còn có vai trò cổ vũ và yểm trợ của Nhà nước. Các chính sách hỗ trợ và sự đồng hành của Chính phủ trong bối cảnh Covid được các doanh nghiệp đánh giá cao. Mặc dù một số chính sách vẫn khó tiếp cận như chính sách cho vay với lãi suất bằng 0% để trả lương cho người lao động, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sự cần thiết và cho rằng cần được áp dụng một cách thực tiễn và linh hoạt hơn, thực sự đi vào cuộc sống.

Bên cạnh các giải trước mắt đã được ban hành và triển khai thực hiện, thực tế cho thấy cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn. Chẳng hạn, Chính phủ cần tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.

Các chính sách kinh tế vĩ mô trong dài hạn cần quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng hình thành các chuỗi cung ứng Việt. Quan trọng hơn là việc cải thiện hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Có thể thấy, nếu như các giải pháp về thuế, phí, hỗ trợ tiếp cận về tài khoá tín dụng có dư địa không nhiều vì những giới hạn ngân sách thì những giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhìn chung dễ thực hiện hơn, vốn đã được thúc đẩy trong những năm gần đây, rất cần phải được gia tốc. Đặc biệt cần chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện hiệu quả thực thi pháp luật nhằm tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ cho sự phục hồi bền vững của các doanh nghiệp trong quá trình ứng phó với tác động của đại dịch toàn cầu COVID-19. Và đó chính là nền tảng căn bản nhất cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp.

Đối với các bộ, ngành, chính quyền địa phương, bài học lớn có thể rút ra được từ thực tiễn 1 năm đối phó đại dịch đó là kinh nghiệm trong việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, cần chia sẻ được cách thức ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 từ những doanh nghiệp đã tồn tại và phát triển được trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, nhất là những bài học về lựa chọn thị trường, đối tác, quan hệ kinh doanh, về đầu tư xây dựng “nội lực” cốt lõi của doanh nghiệp để tăng khả năng chống chịu với các cú sốc. Với những diễn đàn chia sẻ thông tin như vậy, các ngành hàng có thể cùng nhau nhìn lại những gì đã và có thể sẽ xảy ra trong ngành mình, và bàn hướng tăng cường hợp tác, liên kết để đi tới trong tương lai.

Định hướng và giải pháp đã có, song theo ông, làm thế nào để các chính sách thực sự đến được với các doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất?

Rõ ràng thực thi bao giờ cũng là khâu yếu nhất. Vì vậy cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi. Để nâng cao hiệu quả thực thi, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Đối với các chính sách đã ban hành, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19.

Cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này. Nên nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.

Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các quốc gia đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Úc… đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi các cứ điểm sản xuất chính. Với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn, nếu Chính phủ có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.

Một điểm nhấn cần đặc biệt quan tâm là có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và bước vào giai đoạn phát triển mới cao hơn. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp tìm cơ hội mới trong bối cảnh mới.

Các bộ, ngành có liên quan cần nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025. Theo nhiều dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu và chỉ có thể loại trừ hoàn toàn sau 4 -5 năm nữa, vì vậy trong thời gian tới cần có những chính sách mang tính dài hạn hơn./.