Động lực và khó khăn của thị trường bất động sản năm 2021

Báo cáo của Vietna Report cho thấy hạn chế, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản năm 2021 vẫn xoay quanh các yếu tố như diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19; (ii) Chính sách Condotel chưa rõ ràng; (iii) Quy trình cấp phép, thẩm định phê duyệt đầu tư xây dựng các dự án còn lâu, phức tạp và nhiều công đoạn; (iv) Hạn chế về tín dụng khi không sửa đổi thông tư, doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn giá rẻ; và (v) Thuế như chính sách thuế giao dịch liên kết vẫn còn nhiều phức tạp, làm cho các nhà đầu tư bất động sản chưa thực sự yên tâm. Chính sách này dùng để chống chuyển giá chứ không ban hành để chống giao dịch trong thị trường bất động sản và cuối cùng thị trường bất động sản lại phải hứng chịu những tác động không mong muốn đó.

Kết quả khảo sát chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report trên thang Li-kert 5 điểm đã chỉ ra TOP 5 yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường bất động sản trong năm 2021, đó là: (i) Nút thắt trong chính sách bất động sản được gỡ bỏ; (ii) Khả năng kiểm soát dịch bệnh; (iii) Sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19; (iv) Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam; (v) Lãi suất giảm.

Hình 1: Top 5 yếu tố yếu tố tạo xung lực phát triển mạnh nhất đến thị trường bất động sản năm 2021

Bên cạnh đó, theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report thì yếu tố thúc đẩy lớn nhất là Chính sách giải ngân đầu tư công và đây được coi là cứu cánh khi mọi thứ bị trì hoãn, việc quyết tâm giải ngân đầu tư công là chính sách mạnh mẽ nhất trong năm 2020 và 2021.

Với tiền đề nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khoảng 6% trong năm 2021, theo đó thị trường bất động sản cũng sẽ tiếp tục phục hồi khi có những thuận lợi và thời cơ chín muồi.

Vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới bởi lượng vốn lớn từ các quỹ đầu tư bất động sản mới lập đã sẵn sàng đổ bộ vào Việt Nam, cùng với xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam, bên cạnh đó là các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản tăng nhiệt.

Bên cạnh đó, lãi suất hạ thấp trong thời gian vừa qua hỗ trợ rất nhiều cho thị trường bất động sản cả về hai phía gồm những nhà kinh doanh, xây dựng bất động sản khi họ được vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp, giảm được chi phí vốn và hỗ trợ được tốt trong vấn đề xây dựng công trình bất động sản. Người mua bất động sản cũng có lợi khi được vay tiền với lãi suất thấp hơn. Chính sách lãi suất thấp đã hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Chính sách này nên được duy trì, tuy nhiên cần phải có sự cân bằng với kiểm soát lạm phát.

Triển vọng thị trường bất động sản năm 2021

Các chuyên gia nhân định, xu hướng thị trường bất động sản năm 2021 khó rõ ràng vì còn tùy thuộc vào rất nhiều những giả thiết và biến động thực tế của thị trường. Tuy nhiên, người tham gia khảo sát của Vietnam Report vẫn đặt nhiều niềm tin vào sự khởi sắc và phục hồi tốt của thị trường bất động sản. Nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh thì thị trường bất động sản sẽ là phân khúc hỗ trợ cho việc phục hồi của nền kinh tế trong năm 2021.

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với các chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản đã chỉ ra trong nửa đầu năm và cả năm 2021, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục hồi phục và tăng trưởng, thậm chí là bùng nổ ở một vài phân khúc, khu vực nhất định.

Hình 2: Triển vọng thị trường bất động sản trong năm 2021

Xu hướng tăng trưởng các phân khúc

Theo nhận định của chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report, một số phân khúc sẽ tiếp tục hút dòng tiền là bất động sản công nghiệp, căn hộ tầm trung giá từ 25 – 30 triệu/m2 phục vụ cho nhu cầu ở thực, bất động sản dịch vụ, nhà ở gắn liền với các khu công nghiệp có giá từ 1-3 tỷ và bất động sản nghỉ dưỡng hướng núi tiếp tục khả quan.

Hình 3: Triển vọng thị trường bất động sản theo phân khúc

Bất động sản nghỉ dưỡng: Đây là phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng trong nửa cuối của năm 2021, nếu vắc-xin được triển khai trên diện rộng thì có thể phát triển trở lại. Bởi đặc điểm của bất động sản nghỉ dưỡng là hoạt động theo mùa vụ, chỉ cần hoạt động trong 6 tháng là có thể vực trở lại và bù cho những tổn thất trong cả năm. Do đó, phân khúc này có thể vực dậy được hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng kiểm soát và đẩy lùi Covid-19.

Phân khúc tòa nhà văn phòng: Phân khúc này trong năm 2021 có 2 xu hướng: (i) tập trung làm những dự án có khả năng vực dậy được, những dự án có vị trí thuận lợi và (ii) với những dự án không có triển vọng, những dự án mới ra đời ở những địa điểm không thuận lợi sẽ gặp khó khăn và tạm thời bị “đắp chiếu”.

Phân khúc đất nền: Là một trong những sản phẩm bất động sản không bị khuất phục bởi bất cứ một yếu tố nào, phân khúc này vẫn rất “nóng sốt”, đặc biệt tại những địa phương có quy hoạch cũng như có dự án lớn, và các vùng có mức độ phát triển cao. Đây là sản phẩm vĩnh cửu, và lúc nào giá trị cũng tăng, vấn đề chỉ nằm ở thời gian và quy mô. Ngoài ra, đất vùng lan tỏa tại công trình lớn như vùng đệm của sân bay Long Thành, vùng hành lang của công trình hạ tầng giao thông, vùng biên của các khu công nghiệp mới nổi - là vùng ảnh hưởng, vùng đệm sẽ trở thành trào lưu, nhất là khi TP. Hồ Chí Minh đang đặt vấn đề chính sách thu hồi hành lang hai bên hạ tầng để đấu giá xây dựng quy hoạch.

Phân khúc bất động sản nhà ở cho người có thu nhập thấp: Đây vẫn là phân khúc có nhu cầu rất lớn, nhưng các nhà đầu tư lại không mặn mà bỏ tiền vào, vì biên lợi nhuận rất thấp. Để phân khúc này phát triển cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc khuyến khích các nhà đầu tư, và ngân hàng đầu tư nhiều hơn nữa cho phân khúc nhà ở cho người có thu nhập thấp. Phân khúc này hiện tại đang cần rất nhiều vốn, nhưng hệ thống tài chính của Việt Nam lại đổ tiền vào phân khúc này rất chậm. Chính vì thế, mức độ phát triển của phân khúc này tương đối thấp trong năm 2021.

Phân khúc bất động sản cao cấp: Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, phân khúc này đang có giá và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang đầu tư vào phân khúc thị trường này.

Bất động sản khu công nghiệp: Trong 2-3 năm tới cũng có thể có tiềm năng tốt khi mà một số nhà đầu tư tại Trung Quốc và các quốc gia khác đang có những kế hoạch di dời công xưởng sản xuất của họ vào Việt Nam. Đây chính là miếng đất màu mỡ mà ai cũng mong muốn đầu tư. Tuy nhiên để có thể đầu tư được bất động sản công nghiệp vào thời điểm này thì không phải dễ dàng vì liên quan đến quy hoạch khu công nghiệp, hạ tầng giao thông...

Theo đánh giá của chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, hiện tại vẫn chưa thấy một làn sóng đổ bộ của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ở thời điểm này thì cũng chỉ có một vài doanh nghiệp lớn vào Việt Nam nhưng chưa thấy sự dịch chuyển. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần được lắng dịu. Chính vì thế, việc di chuyển của một số doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam có lẽ sẽ không diễn ra một cách mạnh mẽ như là đã dự báo.

Phân khúc bất động sản nông nghiệp: Đây là phân khúc hiện tại nhiều người đang quan tâm. Bởi vì diện tích đất nông nghiệp rất nhiều, hầu như tỉnh thành nào của Việt Nam cũng có bất động sản nông nghiệp. Nhưng liệu rằng đầu tư vào bất động sản nông nghiệp có là mối lợi cho các nhà đầu tư hay không vẫn là câu hỏi vì họ không thể biến bất động sản nông nghiệp trở thành bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản thương mại hay bất động sản công nghiệp. Việc chuyển hóa bất động sản nông nghiệp thành các vùng đất mà có thể sử dụng như bất động sản loại khác là không dễ dàng, và cần phải có quy hoạch. Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, bất động sản nông nghiệp là phân khúc rất đáng được quan tâm, nhưng việc đầu tư vào bất động sản nông nghiệp hiện tại cũng chưa mạnh mẽ.

Xu hướng giá cao hơn

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về xu hướng giá bất động sản năm 2021 đã chỉ ra tăng giá là xu hướng chủ đạo, ngoại trừ bất động sản nghỉ dưỡng thì có đến 56,25% chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng giá vẫn giữ nguyên và có đến 18,75% nhận định giá có thể thấp hơn dưới 10%.

Theo nhận định của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, mức tăng về giá trong năm nay là bao nhiêu hiện chưa thể dự báo chính xác khi chúng ta mới bước vào đầu năm 2021 và tình hình hiện đang rất khó đoán định. Tuy nhiên, có thể dự báo bất động sản cao cấp vẫn phát triển ổn định và giá có thể tăng từ 5%-10%. Bất động sản cho người có thu nhập trung bình cũng trong trạng thái phát triển tốt, với điều kiện tình hình kiểm soát được dịch bệnh, giá có thể tăng từ 5%-10%.

Đối với phân khúc bất động sản công nghiệp, trong bối cảnh cạnh tranh rất lớn giữa các nước trong khu vực để hút dòng vốn FDI, 37,5% chuyên gia và doanh nghiệp trong khảo sát của Vietnam Report nhận định xu hướng tăng giá bất động sản khu công nghiệp có thể từ 10%-20%.

Phân khúc bất động sản nông nghiệp năm nay được dự đoán có sự tăng giá tốt, có thể là 10% khi có nhiều nhà đầu tư quan tâm và có nhiều sản phẩm. Với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì việc sử dụng chuyển biến đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, đất thương mại, đất thổ cư, là một điều cần thiết, tuy nhiên chúng ta cần bảo vệ ngành nông nghiệp – ngành chủ yếu đóng vai trò như trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam.

Xu hướng nhà thông minh

Theo đánh giá của chuyên gia và nhiều công ty thống kê cho thấy nhà thông minh được coi là xu thế phát triển tất yếu của thị trường nhà ở trong tương lai. Trong khảo sát của Vietnam Report có 75,56% người biết và nghe về nhà thông minh trước đây và có đến 85,93% sẵn sàng sinh sống trong ngôi nhà thông minh.

Hình 4: Nhận định sự hiểu biết và sự sẵn sàng sinh sống trong ngôi nhà thông minh

Top 5 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp thời kỳ hậu Covid-19

Kết quả khảo sát các doanh nghiệp bất động sản của Vietnam Report đã chỉ ra TOP 5 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp bất động sản trong thời kỳ hậu Covid-19. Bên cạnh chiến lược đảm bảo tốt hiệu quả, chất lượng của dự án hiện có và phát triển thương hiệu, sản phẩm mới như các năm trước, thì năm nay các doanh nghiệp lựa chọn thêm các chiến lược bao gồm: Thực hiện M&A, đầu tư mua lại các dự án bất động sản tiềm năng; Tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng với bối cảnh mới và Tái cấu trúc lại bộ máy, nhân sự và các giải pháp kinh doanh theo hướng tinh gọn.

Hình 5: Top 5 chiến lược ưu tiên của doanh nghiệp bất động sản thời kỳ hậu Covid-19