Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chủ trì cuộc họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định cùng các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về phía tỉnh Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chủ trì cuộc họp

Khó, mới, nhưng vẫn phải làm

Phát biểu khai mạc phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao tỉnh Hà Tĩnh thời gian qua đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và giành được kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực.

Việc lập quy hoạch trong thời kỳ này được tiếp cận theo phương pháp mới mà Luật Quy hoạch đã quy định. Tất cả các ngành, lĩnh vực và lãnh thổ phải được tích hợp trong một bản quy hoạch tổng thể có tính đa ngành trên không gian phát triển của toàn tỉnh.

Tuy nhiên, để thể hiện tất cả các nội dung tích hợp của các ngành trong đó là rất khó, phải đảm bảo quản lý quy hoạch chặt chẽ, không tùy tiện, nhưng không bó cứng, đòi hỏi phải có tính linh hoạt, chặt chẽ.

Trong khi đó, quy hoạch tỉnh nằm trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là cấp dưới của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch vùng và phải đảm bảo tính trên dưới, tức là quy hoạch cấp dưới phải phù hợp và tương thích với quy hoạch cấp trên. Thế nhưng, hiện nay các quy hoạch này lại chưa được lập, trừ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng tổ chức thẩm định để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho phép lập đồng thời các loại quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia và quy trình thực hiện theo phương pháp “đúng dần”. Đồng thời, khi quy hoạch cấp trên được phê duyệt, quy hoạch cấp dưới nếu có mâu thuẫn, xung đột với quy hoạch cấp trên, thì phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp trên.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng quy hoạch các tỉnh là việc mới và rất khó khăn.

Hiện nay, 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; hai tỉnh đã hoàn thành sớm nhất quy hoạch trình Hội đồng thẩm định là tỉnh Bắc Giang và Hà Tĩnh.

Bộ trưởng cho biết, cũng tại phòng họp này, hôm qua (ngày 22/3) Hội đồng đã thẩm định quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh sẽ xem xét, cân nhắc quy trình, thủ tục của công tác thẩm định cũng như nội dung quy hoạch tỉnh để 2 bản quy hoạch này sẽ trở thành hình mẫu, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tiếp theo trong cả nước xây dựng quy hoạch tỉnh một cách chất lượng nhất, đảm bảo tiến độ nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Quy hoạch Hà Tĩnh 2021-2030 đã hướng tới sự đổi mới

Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Xuân Dũng khẳng định, bản Quy hoạch được xây dựng nghiêm túc, bài bản nhưng còn rất nhiều nội dung cần bổ sung, làm sao để phát huy được tiềm năng địa phương, thích nghi, ứng phó với thiên tai.

Tỉnh ưu tiên phát triển 4 lĩnh vực kinh tế trọng điểm gồm công nghiệp luyện thép, chế biến và chế tạo năng lượng; nông, lâm, thủy, sản; thương mại, dịch vụ, logistics; du lịch. Quy hoạch cũng xác định 3 trung tâm đô thị, 3 hành lanh kinh tế và 1 trung tâm động lực là khu kinh tế Vũng Áng.

Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, GRDP bình quân đầu người cao hơn các tỉnh Bắc Trung Bộ và năm 2030, trở thành tỉnh khá của cả nước với GRDP bình quân gần 7.000 USD, nâng lên 17.700 USD vào năm 2045 và 26.000 USD vào năm 2050. Cũng theo tầm nhìn 2050, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.

Báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh đề cập 3 phương án tăng trưởng cho giai đoạn 2021-2030: Tăng trưởng bình thường (không phát huy được tất cả tiềm năng của tỉnh để trở thành một cực kinh tế quan trọng của cả nước); tăng trưởng cao theo hướng công nghiệp hóa nặng (không bền vững vì tạo áp lực lớn về môi trường); và tăng trưởng Hà Tĩnh xanh. Trong cả 3 phương án, mỏ sắt Thạch Khê đều đóng tạm thời ít nhất 50 năm.

Theo tỉnh Hà Tĩnh, phương án “tăng trưởng xanh” tạo sự đồng bộ giữa nâng cao sản lượng thép với phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường, tạo dư địa để chuyển đổi sang các ngành khác, giảm sự phụ thuộc vào nhà máy Formosa. Theo phương án này, Hà Tĩnh dự kiến tăng trưởng kinh tế đạt trên 9% trong 10 năm tới.

Nhận định rằng, các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành triển khai công tác quy hoạch; Các sở, ban ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã của Hà Tĩnh đã thực sự vào cuộc với vai trò là chủ nhân - là người hơn ai hết hiểu về tỉnh Hà Tĩnh và đề xuất những vấn đề cần giải quyết trên cơ sở phát huy hết tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đảm bảo xây dựng bản quy hoạch một cách tốt nhất, khả thi nhất, chứ không phó mặc cho tư vấn lập quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỉnh Hà Tĩnh đã xin ý kiến các bộ, ngành để nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện bản quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh theo quy định.

Tỉnh đã xác định vai trò, vị thế của tỉnh trong vùng; quan điểm và mục tiêu phát triển của tỉnh; những định hướng phát triển của từng ngành, từng tiểu khu vực trong tỉnh; nguồn lực và các dự án ưu tiên phát triển để có thể khai thác được hết các tiềm năng lợi thế của tỉnh, đặc biệt là các điểm mạnh của Hà Tĩnh như vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực đã được tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu đề cập vào báo cáo quy hoạch.

Theo ông Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), báo cáo quy hoạch của Hà Tĩnh đã hướng tới sự đổi mới, dựa trên hệ thống số liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển. Báo cáo quy hoạch công phu, nghiêm túc; đánh giá toàn diện thực trạng các yếu tố, điều kiện đặc thù của tỉnh, từ đó đưa ra các quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển…

“Hà Tĩnh không thể đối chọi được với thiên nhiên, đi ngược lại với thiên nhiên”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ

Hà Tĩnh không thể đối chọi với thiên nhiên, đi ngược lại với thiên nhiên

Theo báo cáo Quy hoạch, Hà Tĩnh đặc biệt hiểu rõ tầm quan trọng của phát triển bền vững bởi địa phương từng chứng kiến hậu quả nghiêm trọng từ sự cố môi trường, do đó, Quy hoạch được xây dựng theo hướng biến kinh nghiệm này thành yếu tố tích cực và xem đó như là lợi thế cạnh tranh thực sự của tỉnh. Bối cảnh hiện tại đòi hỏi một quy hoạch xác định hướng phát triển dài hạn và phù hợp với các điều kiện mới.

Bên cạnh những yếu tố bất lợi như kinh tế nhỏ lẻ và phân mảnh, nguồn lực con người còn hạn chế, xa các cụm công nghiệp lớn trong nước…, tỉnh xác định một số lợi thế thúc đẩy khác như mạng lưới nhân tài gốc Hà Tĩnh; vị trí và các cảng chiến lược; vẻ đẹp tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên.

Góp ý cho bản quy hoạch, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, Hà Tĩnh cần phát triển bền vững theo hướng thuận thiên, do đó bài toán khó nhất là đưa ra đánh giá được tiềm năng và cơ hội của Hà Tĩnh về tự nhiên, địa lý, các vấn đề đặc thù của Hà Tĩnh...

Ông đánh giá, với điều kiện như hiện tại, phạm vi và điều kiện phát triển của Hà Tĩnh không phải là lớn, do đó cần chọn lọc hướng phát triển sao cho phù hợp, tận dụng tối đa các tiềm năng, lợi thế.

“Hà Tĩnh không thể đối chọi được với thiên nhiên, đi ngược lại với thiên nhiên”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, cần quan tâm tới quy luật thuận thiên trong phát triển của Hà Tĩnh.

Ông gợi ý, cần phải đưa ra được bản đồ tiềm năng cũng như bản đồ rủi ro để thực hiện bài toán tương thích trong phát triển Hà Tĩnh.

Đồng tình với việc bản Quy hoạch phải làm rõ hơn tính liên kết vùng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ, phải lượng hóa tầm nhìn bằng các mô hình, xây dựng các bản đồ rủi ro để cảnh báo.

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên môi trường chỉ rõ, Hà Tĩnh cần xác định được bản đồ quy hoạch một cách rõ ràng để thu hút đầu tư. Trong đó, cần tận dụng tối đa nguồn lực từ đất đai, từ đầu tư hạ tầng, cảng biển… Khi nhà đầu tư nhìn thấy các quy hoạch được rõ ràng, cũng là hình thức quảng bá thu hút đầu tư của tỉnh.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Hà Tĩnh cần dựa vào thế mạnh của cảng nước sâu Vũng Áng để phát triển kinh tế. Trong đó, những động lực tăng trưởng thời gian tới không nên dựa vào công nghiệp thép tại Formosa mà cần dựa vào nguồn nhân lực, các ngành công nghiệp công nghệ cao. Qua đó, ngay từ bây giờ, Hà Tĩnh phải tính toán phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao.

Thẳng thắn rằng, số lượng dự án ưu tiên trong quy hoạch cũng rất lớn, TS. Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung làm rõ hơn cơ sở đề xuất tiêu chí xác định dự án ưu tiên đầu tư. Ông cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm hơn các giải pháp cụ thể phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo, quản lý số và khả năng thu hút, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với công nghệ.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Sau thời gian phát triển nhanh vì có sự đóng góp của Formosa, kinh tế Hà Tĩnh đang tăng trưởng chậm lại

Đánh giá chung, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trong bản quy hoạch Hà Tĩnh chưa làm rõ vấn đề liên kết vùng với các địa phương khác. Ví dụ thay vì xây dựng sân bay mới thì Hà Tĩnh có thể tận dụng sân bay Vinh (Nghệ An) để tạo lợi thế phát triển. Khu vực phía bắc tỉnh có thể tăng cường kết nối để có thể giao thương thuận lợi hơn với Nghệ An. Ở phía nam, Hà Tĩnh cần tận dụng hơn nữa liên kết với khu kinh tế Hòn La của Quảng Bình.

Ông cho rằng, sau thời gian phát triển nhanh vì có sự đóng góp của Formosa, kinh tế Hà Tĩnh đang tăng trưởng chậm lại.

"Động lực cũ dựa vào Formosa đã gần như không còn nhiều, do đó cần tìm thêm động lực cho thời gian tới", Bộ trưởng Dũng chỉ rõ, động lực mới trước hết phải dựa vào những tiềm năng sẵn có, sau đó thì tạo thêm.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng góp ý thẳng thắn rằng, tỉnh cần xác định lại các ngành kinh tế để chọn ra mũi nhọn, không phát triển dàn hàng ngang. Sau khi đã xác định các ngành mũi nhọn, thì phải có ngành hỗ trợ.

Lưu ý việc Hà Tĩnh xác định các đô thị Hồng Lĩnh, Kỳ Anh, TP. Hà Tĩnh làm động lực, Bộ trưởng cho rằng, phải tính toán kết hợp với đô thị Vinh - Nghệ An (phía Bắc) và Quảng Bình (phía Nam).

“Phải liên kết vùng, phân vùng kinh tế rõ ràng, cái này tạo động lực bổ trợ cho cái kia không tách rời được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chỉnh sửa Quy hoạch: không vì tiến độ mà kém chất lượng

Theo của Hội đồng thẩm định, đến thời điểm này, cơ quan thường trực của hội đồng thẩm định đã nhận được ý kiến tham gia của 17/20 bộ, cơ quan ngang bộ và 3/3 ý kiến của chuyên gia.

Qua tổng hợp các ý kiến, Thường trực của Hội đồng thẩm định chỉ ra một số nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, làm rõ thêm, như đánh giá tác động, ảnh hưởng của thiên tai, tác động của biến đối khí hậu.

“Báo cáo quy hoạch lựa chọn phương án phát triển ở mức cao, 9% trong giai đoạn 2021-2030, nhưng cần bổ sung thêm luận cứ và cơ sở khoa học của việc đề xuất các mục tiêu quy hoạch bảo đảm khả thi và là cơ sở chuẩn xác cho các tính toán về cân đối nguồn lực liên quan”, ông Đinh Trọng Thắng phát biểu.

Đi vào cụ thể, Hội đồng thẩm định đề nghị, tỉnh Hà Tĩnh làm rõ nhiều nội dung khác như tính khả thi của phương án tăng công suất sản lượng thép của dự án Formosa lên 15 triệu tấn/năm; xác định rõ nhu cầu và khả năng cân đối phụ tải điện trên địa bàn khi nhu cầu điện rất lớn…

Kết quả bỏ phiếu của Hội đồng cho thấy, có 25 ý kiến đồng ý với bản Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có 1 ý kiến đồng ý hoàn toàn, không bổ sung, 24 ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số điểm phù hợp hơn.

Theo quy định của Luật Quy hoạch, Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh cũng như các địa phương khác sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ quan lập quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của các bộ, ngành; hoàn thiện hồ sơ sau khi đã tiếp thu, chỉnh sửa để trình phê duyệt.

Đồng thời gửi hồ sơ Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh đến cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định xem xét, rà soát theo quy định; hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Tuy nhiên, không vì thời gian tiến độ mà quy hoạch kém chất lượng, quan điểm xuyên suốt, nhất quán là phát triển nhanh, nhưng phải bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý./.