Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (ngoài cùng bên trái) trả lời câu hỏi của báo chí

Lạm phát cơ bản quý I/2021 thấp nhất trong 5 năm trở lại đây

Theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân quý I/2021 tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất của quý I trong 20 năm qua.

Theo đó, nguyên nhân làm tăng CPI trong quý I năm 2021 là do: Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán; Giá các mặt hàng thực phẩm tăng; Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas quý I/2021 tăng 7,58% so với cùng kỳ năm trước; Giá dịch vụ giáo dục…

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước như: Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19, trong đó có gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý II và quý IV năm 2020.

Ngoài ra, giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2021 giảm 9,54% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung giảm 0,34 điểm phần trăm; giá dầu hỏa giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm so với cùng kỳ năm trước làm cho giá vé máy bay quý I/2021 giảm 24,28%; giá vé tàu hỏa giảm 10,03%; giá du lịch trọn gói giảm 4%.

Cơ quan thống kê quốc gia cũng thông tin, lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng trước, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm trước.

Bình quân quý I/2021 lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,29%) chủ yếu do giá mặt hàng xăng, dầu và điện sinh hoạt giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước đã được loại trừ trong danh mục hàng hóa, dịch vụ tính lạm phát cơ bản.

Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và quý I/2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Như vậy, tốc độ tăng CPI của năm 2021 vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Vẫn không thể lơ là trong kiểm soát lạm phát

Mặc dù nhiều dự báo cho rằng, lạm phát trong năm 2021 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%, tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, vẫn không thể lơ là, chủ quan trong kiểm soát lạm phát.

Về phía cơ quan thống kê quốc gia, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng đang dần phục hồi trong bối cảnh các nền kinh tế thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng vaccine, kiểm soát dịch Covid-19.

Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ tăng, từ đó sẽ đẩy mặt bằng giá tăng lên tạo áp lực không nhỏ lên lạm phát năm 2021.

Trong thời gian tới, bà Oanh cho rằng, dự kiến một số yếu tố chủ yếu sẽ làm tăng CPI, đó là:

Thứ nhất, giá xăng dầu, giá gas trong nước biến động tăng theo giá dầu thế giới;

Thứ hai, giá dịch vụ giáo dục dự kiến tăng theo lộ trình;

Thứ ba, điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm chi phí quản lý;

Thứ tư, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngành du lịch tăng trưởng trở lại làm giá một số dịch vụ tăng;

Bên cạnh đó, bà Oanh chỉ rõ, yếu tố thiên tai và thời tiết bất lợi có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm.

6 khuyến nghị trong công tác điều hành để “kìm” lạm phát ở mức 4%

Trả lời câu hỏi, nếu dịch Covid-19 được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi, Tổng cục Thống kê có khuyến nghị gì cho Chính phủ trong công tác điều hành giá nhằm đạt mục tiêu Quốc hội đề ra lạm phát khoảng 4%, thay mặt Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thu Oanh đưa ra kiến nghị một số giải pháp điều hành trong thời gian tới như sau:

Một là, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng trong và ngoài nước phục vụ hoạt động sản xuất và tiêu dùng để có biện pháp điều hành hợp lý nhằm bình ổn thị trường.

Hai là, đối với mặt hàng xăng dầu, cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới và kết hợp sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI chung.

Ba là, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý cần đúng thời điểm, đúng liều lượng, nên tận dụng các tháng có CPI tăng thấp để điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Bốn là, các bộ, ngành và địa phương tiếp tục chủ động, phối hợp tốt, chỉ đạo linh hoạt việc phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo ổn định xã hội, an toàn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu kép.

Năm là, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại; phối hợp với các địa phương triển khai các chương trình kích cầu nội địa nằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Sáu là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sử dụng đồng bộ linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19./.