Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 31/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình Chính phủ các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021; báo cáo dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và dự kiến Chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại hiên họp Chính phủ thường kỳ. Ảnh: VGP

8 điểm sáng trong quý I/2021

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2021 vẫn có nhiều dấu hiệu khởi sắc với 08 điểm sáng.

(1) Tăng trưởng kinh tế khả quan dù chịu nhiều ảnh hưởng từ tình hình dịch bệnh, theo đó tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2021 tăng 4,48% so cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng quý I/2020, cho thấy sự thích nghi, sức chống chịu và xu thế phục hồi của nền kinh tế ngày càng gia tăng. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục là điểm sáng với tốc độ tăng 3,16%, năng suất lúa đạt khá, chăn nuôi phục hồi, sản xuất thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực công nghiệp và xây dựng có dấu hiệu khởi sắc, đạt mức tăng 6,3%. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính của nền kinh tế, tăng 9,45%, cao hơn cùng kỳ năm trước và tiệm cận mức tăng 2 con số ở thời điểm trước dịch bệnh. Khu vực dịch vụ tăng 3,34%, chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa, đạt 6,8% so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người dân đang dần phục hồi trở lại.

(2) Lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 03 tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý I chỉ tăng 0,29%. Tiến độ thu ngân sách khả quan, tổng thu ngân sách quý I đạt 30,1% dự toán, cao hơn các năm trước. Nhiều chỉ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục gia tăng, thể hiện sự công nhận, đánh giá cao của quốc tế đối với những cải thiện vững chắc về tài khóa, nợ công, nợ nước ngoài... cũng như những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn của đất nước.

(3) Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thanh khoản thị trường được bảo đảm, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh. Trong tháng, Moody cũng đã nâng mức tín nhiệm của 15 ngân hàng, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, năng lực, điều hành tốt của toàn hệ thống.

(4) Xuất nhập khẩu hàng hóa quý I tiếp tục đạt kết quả ấn tượng, xuất siêu 2,03 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ. Hiện đã có 4 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, 11 mặt hàng trên 1 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước. Xuất khẩu dệt may từng bước phục hồi, trong khi xuất khẩu giày dép tăng trưởng khá cao trong quý I. Cơ cấu nhập khẩu hàng hóa chuyển biến tích cực với tỷ trọng nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất tăng, tỷ trọng nhóm hàng tiêu dùng giảm.

Bên cạnh sự dần hồi phục của kinh tế thế giới, nhu cầu và giá một số mặt hàng tăng khá, còn cho thấy việc tận dụng các thị trường của doanh nghiệp Việt Nam thông qua các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết.

(5) Giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN tiếp tục được thúc đẩy. Giải ngân tháng 3 tăng mạnh, cao hơn 2 tháng đầu năm. Tính đến ngày 31/3/2021, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021 đạt 60,75 nghìn tỷ đồng, bằng 13,17% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020 (13,09%), trong đó vốn trong nước đạt 14,74%, vốn nước ngoài đạt 0,66%.

(6) Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương. Tổng số vốn quý I đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Bộ trưởng lưu ý, số vốn đăng ký mới và số vốn đăng ký điều chỉnh tăng mạnh, lần lượt tăng 30,6% và 97,4% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh. Đặc biệt có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao.

“Đây chính là thành quả của quá trình phòng, chống dịch bệnh thành công cũng như phản ánh niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng nền kinh tế nước ta”, Bộ trưởng khẳng định.

(7) Quý I chứng kiến hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ. Hoạt động thu thập, cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được triển khai mạnh mẽ. Chương trình chuyển đổi số quốc gia cho doanh nghiệp Việt Nam được đẩy mạnh với hơn 4.000 doanh nghiệp tiếp cận, thu hút hơn 60 doanh nghiệp, chuyên gia đăng ký đồng hành. Dịch vụ Mobile Money được thí điểm triển khai với kỳ vọng sẽ tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

"Đây là những bước tiến mạnh mẽ, thể hiện rõ nét quyết tâm xây dựng Nhà nước kiến tạo, Chính phủ số, kinh tế số, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo”, Bộ trưởng nói.

(8) Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm.

7 điểm cần lưu ý trong bức tranh kinh tế - xã hội quý I

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra 7 điểm cần lưu ý.

Thứ nhất, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, căng thẳng giữa các quốc gia lớn ngày càng gia tăng. Nguy cơ về làn sóng Covid-19 lần thứ 3 tại châu Âu, số ca nhiễm mới cũng tăng cao trở lại tại một số quốc gia Đông Nam Á như Philippines, Campuchia... cùng với đó là cuộc chạy đua trong mua và tiêm vắc-xin Covid-19 đang diễn ra quyết liệt đi kèm với những căng thẳng chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn ngày càng gia tăng.

“Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi thương mại, kinh tế thế giới”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và các kịch bản đã đề ra; một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu, lên đến 60,1%; hoạt động vận tải, hàng không bị tác động nghiêm trọng.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới quý I giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2020, là năm đầu tiên ghi nhận sự giảm sút về số doanh nghiệp thành lập mới trong quý I giai đoạn 2016-2021. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh vẫn ở mức cao tăng 28,2%.

“Các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chủ yếu có quy mô nhỏ, thời gian hoạt động ngắn và hoạt động trong các ngành lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh như dịch vụ, lưu trú, du lịch, giải trí... Do vậy, cần khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ các ngành trên”, Bộ trưởng đề xuất.

Thứ ba, nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch, thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh.

Thị trường trái phiếu phát triển nhanh, nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Thứ tư, chi phí logistics còn cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Chi phí logistics trên GDP của Việt Nam còn ở mức cao so với trung bình thế giới và khu vực do sự thiếu kết nối giữa các phương thức vận tải và chi phí phi chính thức còn cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp logistics trong nước chủ yếu có quy mô nhỏ, chiếm thị phần thấp, hoạt động trong phân khúc có tỷ trọng giá trị gia tăng không cao, khả năng cạnh tranh yếu so với các doanh nghiệp FDI.

“Do đó, cần tập trung cắt giảm chi phí, đầu tư phát triển ngành logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Dũng nêu đề xuất.

Thứ năm, Bộ trưởng chỉ rõ, xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu tập trung cao vào một số thị trường. Đối với 3 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất quý I, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đang ở mức rất cao, từ 93% đến 99%. Trong khi đó, nhập khẩu chỉ tập trung vào 6 thị trường lớn, chiếm 78,6% tổng kim ngạch.

Đáng chú ý, nhập khẩu từ Trung Quốc quý I tăng 47,3% so với cùng kỳ và chiếm 31,6% tổng kim ngạch, cao nhất trong các năm gần đây.

Do vậy, Bộ trưởng cho rằng, cần phát triển doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy đa dạng hóa thị trường là những nhiệm vụ cần quan tâm, thực hiện thời gian tới.

Thứ sáu, cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt kế hoạch, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được giải quyết triệt để, hiệu quả, đóng góp chưa tương xứng với quy mô tài sản, nguồn lực đang nắm giữ.

Thứ bảy, vướng mắc của nhiều doanh nghiệp tư nhân, FDI, đầu tư công chưa được quan tâm xử lý, tạo điều kiện để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển./.