Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn

Nhìn chung, mức độ bình đẳng của môi trường kinh doanh trong báo cáo PCI 2020 được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực hơn. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chính quyền địa phương ưu ái các doanh nghiệp có phần vốn nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân đã giảm từ 37,9% năm 2016 xuống 24,7% năm 2020. Hiện tượng chính quyền địa phương ưu tiên thu hút đầu tư FDI hơn so với thu hút đầu tư tư nhân trong nước đã giảm đáng kể từ 42,3% năm 2016 xuống còn 29% năm 2020.

PCI 2020 đã phản ánh 7 xu hướng chính nổi bật của môi trường kinh doanh của Việt Nam thể hiện những thay đổi chính sách ghi nhận từ năm 2016

Ngoại trừ việc doanh nghiệp tư nhân vẫn nhận thấy chính quyền các tỉnh có những ưu tiên trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI hơn so với doanh nghiệp tư nhân, những hình thức ưu ái khác trong việc giải quyết thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai… đã giảm dần qua các năm.

Đáng chú ý là xu hướng ít ưu ái hơn với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp thân quen. Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân đồng ý với nhận định “Nguồn lực kinh doanh (hợp đồng, đất đai...) chủ yếu rơi vào doanh nghiệp thân quen cán bộ chính quyền” đã giảm mạnh từ 72,3% năm 2016 xuống còn 57,9% năm 2020.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cho biết sự ưu đãi cho công ty lớn (cả nhà nước và tư nhân) là cản trở đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp năm 2020 vẫn ở mức 53,9%, cho thấy chính quyền các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân.

Thiết chế pháp lý cải thiện

Phản hồi của phần lớn doanh nghiệp tham gia trả lời khảo sát cho thấy chất lượng giải quyết các vụ việc qua tòa án có sự cải thiện trong năm 2020. Tương tự, tình hình an ninh trật tự tại các địa phương cũng có chuyển biến tích cực. Điều tra toàn bộ các doanh nghiệp cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật” đã tăng gần 9 điểm phần trăm lên 92,2% năm 2020, so với 83,3% năm 2016.

Có 77,9% doanh nghiệp cho biết “Tòa án các cấp của tỉnh xử các vụ kiện kinh tế nhanh chóng”, tăng đáng kể so với mức 59,4% của năm 2016. 79,1% doanh nghiệp cho biết “Phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng” trong điều tra 2020, tăng so với 62,8% của năm 2016. 88,1% doanh nghiệp đánh giá “Phán quyết của toà án là công bằng”, năm 2016 là 78,4%.

Niềm tin của các doanh nghiệp với phương thức giải quyết vụ việc qua kênh tòa án gia tăng, khi tỷ lệ doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng tòa án để giải quyết tranh chấp kinh tế đã tăng từ 35,8% năm 2016 lên 56,8% vào năm 2020.

Chi phí không chính thức tiếp tục giảm

Đáng lưu ý, kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy cộng đồng doanh nghiệp ngày càng đánh giá tích cực hơn về hiệu quả của công cuộc chống tham nhũng, khi một loạt các chỉ tiêu đo lường về tham nhũng (chi phí không chính thức) đã có cải thiện đáng kể. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải trả chi phí không chính thức giảm xuống mức 44,9%, so với mức 66% của năm 2016.

Gánh nặng chi phí không chính thức đã giảm theo thời gian, khi có 84,4% doanh nghiệp cho biết các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được, tăng đáng kể so với con số 79,2% của năm 2016.

Trong một số lĩnh vực cụ thể, mức độ phổ biến của chi phí không chính thức đã có dấu hiệu giảm bớt. Cụ thể như tỷ lệ doanh nghiệp có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra đã giảm từ 51,9% năm 2017 xuống còn 27,7% của năm 2020.

Tỷ lệ doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Việc chi trả hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu” đã giảm từ 54,9% năm 2017 xuống còn 40% năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp lo ngại tình trạng “chạy án” nên không đưa vụ việc tranh chấp qua tòa án cũng đã giảm từ con số 31,6% năm 2017 xuống 23% của năm 2020.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng trên một số phương diện vẫn cần có những nỗ lực mạnh mẽ hơn. Ví dụ, tỷ lệ doanh nghiệp phản hồi có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai năm 2020 vẫn ở mức cao là 32%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” là 54,1% năm 2020.

Tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh được đánh giá tích cực

Một điểm đáng quan tâm khác là năm 2020 có 81% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “UBND tỉnh/thành phố linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân”, vượt qua mức cao nhất năm 2019.

72,3% doanh nghiệp nhận thấy “UBND tỉnh/thành phố năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh”, mức cao nhất kể từ trước đến nay. Khoảng 50,5% doanh nghiệp ghi nhận thái độ tích cực của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân, dù có thấp hơn so với kết quả của năm 2019 song về cơ bản, chỉ tiêu này vẫn giữ được xu hướng tăng từ năm 2016 tới nay.

Có tới 73,8% doanh nghiệp cho biết các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh, năm 2017 là 67%. 80% doanh nghiệp hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan chính quyền đối với những vướng mắc, khó khăn đã phản ánh, cao hơn đáng kể so với mức 76,7% của năm 2017.

Hiệu quả, hiệu lực thực thi tại địa phương cần được đẩy mạnh

Mặc dù môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua nhưng báo cáo PCI 2020 cho thấy chất lượng thực thi cấp huyện thị và sở ngành vẫn là một điểm nghẽn lớn.

Tuy nhiên, vẫn có tới 73,5% doanh nghiệp đồng ý với nhận định “Có những sáng kiến hay ở cấp tỉnh nhưng chưa được thực thi tốt ở các Sở, ngành”. Tương tự, 60% doanh nghiệp cho biết “Lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện”.

Cải cách hành chính có bước tiến song cần đẩy mạnh ở một số lĩnh vực

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, nhìn chung chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đã có chuyển biến tích cực. Cụ thể, 66,5% doanh nghiệp cho biết “thủ tục, giấy tờ đơn giản”, năm 2016 chỉ là 49,5%. 76% doanh nghiệp nhận thấy “thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định” trong điều tra năm 2020, trong khi năm 2017 (năm đầu tiên đưa chỉ tiêu này vào thu thập) là 67%.

84% doanh nghiệp cho biết “cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả” vào năm 2020, tăng đáng kể từ mức 58% năm 2016. 80% doanh nghiệp đánh giá “cán bộ nhà nước thân thiện” trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, năm 2016 là 65,6%.

Một số lĩnh vực TTHC vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội hoặc trong việc cấp phép kinh doanh có điều kiện và một số loại giấy tờ cần thiết khác để doanh nghiệp đi vào hoạt động.

Đáng chú ý, số cuộc thanh, kiểm tra doanh nghiệp có xu hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trùng lặp giảm đáng kể xuống còn 8,3% năm 2020 từ con số 14,1% của năm 2016, và giảm khá mạnh so với mức 25,6% năm 2015. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% của năm 2016 xuống còn 3% của năm 2020.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm từ con số 18,9% năm 2017 xuống còn 14,3% năm 2020.

Minh bạch cần tiếp tục được cải thiện

Báo cáo PCI 2020 chỉ ra rằng tiếp cận thông tin quan trọng, bao gồm các tài liệu quy hoạch, đã có sự cải thiện song vẫn còn nhiều dư địa để chính quyền các địa phương tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận các loại thông tin quan trọng. o Việc tiếp cận văn bản quy hoạch ở cấp tỉnh vẫn xung quanh mức 2,5 điểm và văn bản pháp lý lần lượt chỉ ở mức 2,54 điểm và 3,03 điểm trên thang điểm 5 (1. Không thể - 5. Rất dễ), chưa có cải thiện đáng kể so với những năm trước đó.

Chất lượng thông tin trên website chính quyền các tỉnh năm 2020 chỉ ở mức 34,5 điểm trên thang điểm 50, tăng nhẹ so với mức 31 điểm của năm 2016. Dù đã giảm từ con số 66,3% của năm 2016, vẫn còn 57,4% doanh nghiệp trong năm 2020 phản ánh cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền để có được các tài liệu của địa phương.

Doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn nhất khi tiếp cận các loại thông tin sau: bản đồ, quy hoạch sử dụng đất (51%), kế hoạch đầu tư công (50%), tài liệu ngân sách (48%), quy hoạch ngành, lĩnh vực (47%), kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới (45%), chính sách ưu đãi đầu tư (40%). Ngay cả các văn bản pháp luật do tỉnh ban hành cũng có tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tìm kiếm thông tin (24%)./.