Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: "PCI truyền cảm hứng, giúp tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những thực tiễn cải cách tốt từ cơ sở"

Hành trình 16 năm gắn bó cùng doanh nghiệp

Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cũng như sự kết nối giữa những cải cách môi trường đầu tư kinh doanh với hoạt động của doanh nghiệp mà PCI đã đóng góp trong thời gian qua?

16 năm là thời gian mà PCI đã kiên tâm nỗ lực đi cùng cộng đồng doanh nghiệp trên một hành trình không mệt mỏi trong tiến trình thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư kinh doanh. Trong quãng thời gian ấy, 150 ngàn lượt doanh nghiệp đã gửi gắm niềm tin và kiến nghị của mình vào các cuộc khảo sát của PCI. PCI tự hào đã trở thành tiếng nói có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Trong loạt các Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 02, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương nỗ lực cải thiện chỉ số PCI. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của hầu hết các tỉnh, thành phố đã nêu yêu cầu cải thiện chỉ số PCI trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới. PCI tự hào đóng góp vào tiến trình cải cách ở các địa phương ở Việt Nam.

16 năm về trước, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam chưa được coi là động lực quan trọng. Lắng nghe tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân chưa trở thành thói quen của các cấp chính quyền. Chúng ta cũng chưa có những bộ công cụ làm thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp vào tiến trình cải cách và chất lượng điều hành kinh tế. Lúc đó, cùng với việc gửi niềm tin vào khu vực kinh tế tư nhân sẽ là ngôi sao hy vọng của nền kinh tế Việt Nam, VCCI đã nhận thức được sứ mệnh của mình là đề cao tiếng nói của khu vực này trong tiến trình cải cách.

Bên cạnh việc tham gia chủ trì tổ chức các cuộc đối thoại thường niên giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp, VCCI đã khởi động hành trình PCI, nói lên tiếng nói của khu vực tư nhân, nối nhịp cầu doanh nghiệp với chính quyền để thúc đẩy cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh ở cấp địa phương và cơ sở.

Thời đó, PCI là chuyện lạ. Nhiều người phản đối PCI, có địa phương không chấp nhận kết quả PCI. Nhưng, PCI không đơn độc. Chính phủ đã cổ vũ và ủng hộ PCI. Các địa phương tìm được ở PCI những bài học hữu ích. Giới truyền thông chung tay lan toả những thông điệp cải cách của PCI. Và cộng đồng doanh nghiệp đã thực sự gắn bó với PCI trong hành trình không mệt mỏi này.

Và những kết quả ban đầu có đủ tạo ra những chuyển biến thực sự lan tỏa, thưa ông?

Điều quan trọng nhất là PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. PCI cũng đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân. Quan hệ “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” được khởi động; Khẩu hiệu “Doanh nghiệp phát tài – địa phương phát triển” được đề ra. Phương châm hành động: “Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền” được lan toả... Vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp được đề cao để chung tay cải cách, thúc đẩy đối thoại, hợp tác công tư và giám sát việc thực thi chính sách của chính quyền các cấp.

Quan trọng hơn, PCI là thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI. PCI truyền cảm hứng, giúp tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những thực tiễn cải cách tốt từ cơ sở.

Mô hình “Cà phê doanh nhân” khởi nguồn từ Đồng Tháp, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận, huyện (DDCI) được triển khai rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhân rộng trên 40 - 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Những sáng kiến khác như trung tâm tư vấn trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, “Bác sĩ doanh nghiệp”, các mô hình thúc đẩy đối tác công tư… cũng được PCI góp phần ươm tạo và lan tỏa. PCI thực sự đã trở thành “ cánh én” góp phần làm nên những mùa xuân cải cách của đất nước.

Cải cách càng gập ghềnh càng cần nhiều nỗ lực đột phá hơn

Trở lại với báo cáo PCI năm 2020, theo ông đâu là những điểm nhấn mang tính cải thiện đột phá của kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 cũng như thời gian gần đây?

Kết quả PCI trong những năm qua đã cho thấy một số xu hướng quan trọng rất đáng lưu ý trong chất lượng điều hành kinh tế tại các địa phương theo thời gian. Trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm thiểu – một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Vấn đề phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế đã từng gây nhức nhối nhiều năm trước, nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước rất nhiều. Đây có thể nói là những điểm nhấn cải thiện rất đáng chi nhận.

Năm 2020 cũng là năm thứ tư liên tiếp mà điểm số của tỉnh trung vị đại diện cho bảng xếp hạng PCI đạt trên 60 điểm, và ghi nhận xu hướng hội tụ mạnh mẽ hơn khi mà khoảng cách điểm số giữa tỉnh có kết quả PCI cao nhất và thấp nhất tiếp tục được thu hẹp lại. Chúng ta hoan nghênh các tỉnh nhóm sau trong bảng xếp hạng PCI đang có những nỗ lực vượt bậc để thu hẹp khoảng cách với các tỉnh dẫn đầu. Và điều này cũng phát đi tín hiệu những động lực và những thực tiễn cải cách tốt đã được lan toả.

Tuy nhiên, bên cạnh những cải thiện lớn, Báo cáo PCI 2020 cũng cho thấy chặng đường cải cách hành chính trong những năm qua thực sự còn rất “gập ghềnh” cùng nhiều thách thức đặt ra trong thời gian tới đòi hỏi cần có những nỗ lực mạnh mẽ, đột phá hơn nữa trên hành trình này.

Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI lắng nghe câu chuyện từ thực tế

Đâu là những bất cập chúng ta cần phải mạnh dạn đối mặt và khắc phục, thưa ông?

Bên cạnh những lĩnh vực có nhiều tiến bộ, hoạt động cải cách cần được chú trọng hơn ở một số lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội… Doanh nghiệp cũng kỳ vọng chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Bức tranh cải cách dù đã có nhiều sắc mầu tươi sáng hơn nhưng vẫn còn những con số làm chúng ta chưa thể yên lòng. Tuy đã có những chuyển biến tích cực song kết quả điều tra PCI năm 2020 vẫn cho thấy cứ trong 4 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu ái các doanh nghiệp Nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân. Cứ trong 3 doanh nghiệp thì có gần 1 doanh nghiệp cho rằng Chính quyền còn ưu ái cho doanh nghiệp FDI. Vẫn còn 40% doanh nghiệp chưa sẵn sàng sử dụng toà án để giải quyết các tranh chấp về kinh tế. Gần 45% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các chi phí không chính thức. 54% doanh nghiệp cho rằng hiện tượng nhũng nhiều vẫn còn. 20% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước trong xử lý công việc còn chưa hiệu quả, chưa thân thiện và cũng còn tới 3% doanh nghiệp phản ánh mỗi năm họ còn bị thanh, kiểm tra quá 5 lần.

Đáng chú ý, niềm tin kinh doanh do tác động của đại dịch Covid đã giảm mạnh tại thời điểm năm 2020. Chỉ có 41% doanh nghiệp cả tư nhân trong nước và FDI dự kiến sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới, giảm hơn 10 điểm % so với năm 2019. Điểm số PCI và PCI gốc năm 2020 cũng giảm nhẹ so với năm 2019 và các ngôi sao cải cách – các tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn. Điều này cho thấy đà cải cách đang có phần chững lại đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực hơn trong việc thúc đẩy cải cách một cách kiên trì và thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, một thông điệp lớn được Báo cáo PCI 2020 muốn truyền tải là kinh doanh có trách nhiệm (responsible business) phải là một trào lưu chính trong giai đoạn sắp tới, và bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu mà chính quyền các địa phương cần lưu tâm khi thu hút các dự án đầu tư.

Ông có những khuyến nghị gì đúc rút từ thực tiễn triển khai đánh giá PCI để tiến trình cải cách thực sự đạt được những bước tiến kỳ vọng trong giai đoạn tới?

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, và là năm khởi đầu Chương trình tổng thể Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030. Năm 2021 cũng là năm đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới – một nội các với sự góp mặt của nhiều đồng chí lãnh đạo đã từng rất thành công trong điều hành kinh tế ở cấp địa phương, chúng ta kỳ vọng Chính phủ mới sẽ là một Chính phủ hành động, tiếp bước khát vọng cải cách của Chính phủ tiền nhiệm, quan tâm hơn nữa đến môi trường kinh doanh ở các địa phương và triển khai tốt hơn các chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như xây dựng một niềm tin và tầm nhìn chiến lược để phát triển doanh nghiệp Việt Nam ngang tầm thế giới.

Chúng ta đều biết nhiệm kỳ 5 – 10 năm tới sẽ là những nhiệm kỳ có ý nghĩa quyết định cho những đột phá của Việt Nam để tiến tới mục tiêu 2045 chúng ta trở thành một quốc gia giầu mạnh. Và Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định: Việc “tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế thúc đẩy đổi mới sáng tạo” đã được xác định là một trong những đột phá về thể chế của Việt Nam.

Theo đó, việc nâng cao chất lượng xây dựng thể và thực thi chính sách, pháp luật một cách ổn định, nhất quán và công bằng, cải thiện chất lượng phối hợp giữa các ngành, các cấp, thực sự đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước có liên quan và nhanh chóng xây dựng và vận hành chính quyền số … có thể góp phần quan trọng vào việc thực hiện đột phá thể chế nêu trên, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và năng động của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo. Và cộng đồng doanh nghiệp có trách nhiệm góp phần vào thúc đẩy những đột phá thể chế này./.