TS. Vũ Tiến Lộc đã nhận định như vậy tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển 2021 với chủ đề “Kết nối Địa phương – Doanh nghiệp, Nắm bắt cơ hội” chiều ngày 26/4/2021. Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam năm 2021 được Bộ Ngoại giao và Vietnam Economic Times đồng phối hợp chủ trì tổ chức.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Hai mặt của tấm huy chương FDI

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ rõ, hiện nay đã có 136 nền kinh tế đầu tư vào Việt Nam với vốn đầu tư trên 400 tỷ USD. Đây là con số có ý nghĩa.

“Như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đánh giá thành tựu FDI đóng góp to lớn vào ngân sách nhà nước, đảm bảo việc làm, an sinh xã hội góp phần xoá đói giảm nghèo, khu vực FDI còn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu đưa hàng hoá made in Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Lộc đề dẫn.

Trên 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam thuộc khu vực FDI, hàng triệu lao động có việc làm trong khu vực FDI. Những điều này ghi nhận đóng góp của FDI với kinh tế Việt Nam.

“Khu vực FDI xứng đáng nhận được huân chương của Việt Nam nhưng cũng có mặt trái của FDI mà chúng ta trăn trở”, người đứng đầu VCCI lưu ý.

Cụ thể, theo ông Lộc, khu vực FDI xuất hiện được 1/3 thế kỷ đủ cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh bay lên thành con rồng con hổ ,nhưng FDI chủ yếu gia công, sử dụng lao động giản đơn như dệt may, giày dép, 67% vật tư máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng tạo ra chưa lớn, chưa cộng sinh với doanh nghiệp trong nước, sức lan toả về công nghệ, quản trị chưa cao.

“Một bộ phận doanh nghiệp FDI còn gây ô nhiễm môi trường, tận dụng ưu đãi chính quyền địa phương nhưng chưa đóng góp tương xứng, kinh doanh chộp giật, mua bán sáp nhập nếu không kiểm soát tốt ảnh hưởng kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

Việt Nam vẫn là lựa chọn hàng đầu với doanh nghiệp FDI

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50 về đinh hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Ngay sau đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58 để triển khai nghị quyết 50 này, ông Lộc cho rằng, chúng ta hướng tới thế hệ FDI chất lượng cao hơn, khả năng cộng sinh cộng hưởng, đảm bảo yêu cầu tự chủ của nền kinh tế Việt Nam.

“Chúng ta có cơ hội đón làn sóng đầu tư FDI thứ 4 gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 định hình tương lai của FDI. Nhiều tỉnh, thành phố không gian chật chội cần phải lựa chọn làn sóng thế hệ FDI cao hơn về chất lượng”, người đứng đầu VCCI nhấn mạnh.

Ông Lộc chỉ rõ, trong bối cảnh đại dịch Covid 19 đầy khó khăn, nhưng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam vẫn được nhà đầu tư FDI đánh giá cao.

Mặc dù khu vực FDI thận trọng hơn trong thời gian tới, do dịch Covid vẫn còn phức tạp, nhưng theo ông Lộc, Việt Nam vẫn đạt được thành công đáng kể trong việc nâng cao vị thế của mình, trở thành lựa chọn hàng đầu với doanh nghiệp FDI khi đa dạng hóa địa điểm đầu tư ngoài Trung Quốc.

Việt Nam có lợi thế hơn khi so sánh với các nước trong khu vực, với thiết chế chính trị ổn định, kiểm soát tham nhũng tốt…

Dẫn kết quả khảo sát của RETRO về xu hướng đầu tư kinh doanh 1-2 năm tới của doanh nghiệp, hầu hết cho rằng mở rộng hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh là khó, nhưng ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (RETRO) tại Hà Nội khẳng định, Việt Nam vẫn là một trong những đất nước nằm trong top đầu của ASEAN.

“Trong số các nước chúng tôi đã khảo sát, số lượng cụm từ như thu nhỏ sản xuất, rút lui, thoái vốn gần như không xuất hiện ở Việt Nam, việc này cho thấy sức mạnh của Việt Nam. Chúng ta khảo sát lý do mở rộng hoạt động ở Việt Nam, câu trả lời cho thấy sự cân bằng lớn giữa hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu. Và câu trả lời chiếm tỷ lệ cao là thị trường tăng trưởng tiềm năng và có thể nói rằng tăng trưởng của Việt Nam như có 2-3 động cơ để tăng trưởng”, ông Nakajima Takeo phát biểu.

Về chương trình trình hỗ trợ của Nhật Bản hỗ trợ cung ứng hoàn cầu mà JETRO là cơ quan điều phối cho thấy, 2/3 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng này đã chọn Việt Nam là địa điểm đầu tư.

Ngoài ra, tình hình đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam thể hiện rõ ràng ở số lượng doanh nghiệp thành viên của JETRO Việt Nam hiện lên tới hơn 2.000 doanh nghiệp, so với 100 những năm 1990.

Các diễn giả tham gia phiên thảo luận tại Diễn đàn

4 yếu tố tác động đến FDI thế hệ mới

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, FDI là 1 trong 2 động lực ngoại rất quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong mấy chục năm qua, nhưng không phải lúc nào cũng phát huy được tốt, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Ông Thiên chỉ rõ 4 yếu tố tác động đến FDI.

Một là, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi xu thế chuyển dịch dòng vốn FDI, điều này cũng quyết định đến việc lựa chọn FDI không còn dừng lại ở những FDI kiểu cũ.

Hai là, Việt Nam ngày càng mở cửa hội nhập sâu, các quan hệ quốc tế, liên kết quốc tế cũng dần ảnh hưởng rất mạnh đến FDI, “thậm chí ảnh hưởng ghê gớm”, vị chuyên gia này nhận định.

Dẫn chứng cho nhận định trên, ông Thiên cho biết, liên kết quốc tế mấy năm vừa rồi có nhiều thay đổi, cùng với xung đột thương mại, dịch chuyển FDI cũng đang là xu thế và có sự thay đổi, đặc biệt ở châu Á trong 3- 4 năm vừa rồi có sự dịch chuyển bất thường, đặc biệt là từ Trung Quốc, dự kiến còn tiếp diễn ra sẽ tác động đến tư duy về FDI của các quốc gia và Việt Nam.

Ba là, Covid-19 cũng buộc Việt Nam phải định hình lại các dòng đầu tư, cùng công nghệ giúp con người khắc phục, dẫn đến cách định hình lại FDI đang diễn ra. Ông Thiên khẳng định, Việt Nam đã nhận diện khá rõ các vấn đề này, tuy nhiên ông cũng chỉ ra 3 điểm cần lưu ý, đó là lực, đà và thế.

“Ba yếu tố này đang đặt Việt Nam vào cách tiếp cận FDI khác, mà nếu bỏ quên sẽ khó nhận diện vị thế”, ông Thiên lưu ý.

Bốn là, cần bàn đến các địa phương, thông điệp của Chính phủ mới là nhấn mạnh hơn trách nhiệm và vai trò của địa phương trong việc chịu trách nhiệm của địa phương mình trong thu hút các FDI.

Những lưu ý để đón đầu làn sóng FDI thứ tư

Dưới góc độ của doanh nghiệp, TS. Vũ Tiến Lộc chia sẻ quan điểm: “Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã khiến chúng ta nghĩ khác. Như Ngân hàng Thế giới đã nói phải coi cuộc khủng hoảng này là cơ hội. Tôi hy vọng ta sẽ có những giải pháp hiện thực và khả thi nhất. Covid cũng là rủi ro nhưng cũng là cơ hội. Ví dụ nhiều năm chúng ta đầu tư kêu gọi chính phủ điện tử nhưng chưa thành công. Chỉ cần 2 năm có Covid-19 thì chính phủ điện tử đã ra đời hoàn chỉnh”.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho rằng, cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn về thủ tục, quy định hành chính, chất lượng cơ sơ hạ tẩng, đơn giản hoá thủ tục hành lập doanh nghiệp, thủ tục hải quan, về thuế, bảo hiểm xã hội, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Sự chuẩn bị chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… cần phải tích cực.

“Địa phương nào cũng nói đến mời gọi đầu tư dự án chất lượng cao nhưng phải xem lại sự chuẩn bị của địa phương như chất lượng thể chế, cần xem xét lĩnh vực nào cần ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước, lĩnh vực nào cần mời gọi doanh nghiệp nước ngoài. Lĩnh vực nào doanh nghiệp trong nước làm được thì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước làm, lĩnh vực nào thì cần doanh nghiệp FDI thì mời gọi doanh nghiệp FDI”, ông Lộc lưu ý.

Từ đó ông đề xuất, cần bắt đầu từ tầm nhìn và quy hoạch. Cơ sở hạ tầng không chỉ giao thông đường xá mà khu công nghiệp cũng cần địa phương chuẩn bị, nhiều địa phương chỉ chuẩn bị đất đai nhà xưởng nhưng thực tế khu công nghiệp cần một hệ sinh thái, cung cấp dịch vụ đầy đủ. Nhân lực lao động kỹ thuật lành nghề còn hạn chế ở nhiều địa phương.

Một điều nữa doanh nghiệp FDI quan tâm là hạn chế nhập khẩu lao động phổ thông, nhiều lĩnh vực lao động Việt Nam có thể đạt được, nhưng lao động kỹ thuật trình độ cao vẫn nhập khẩu từ nước ngoài như Trung Quốc, nhưng thủ tục khó khăn cũng cản trở doanh nghiệp và đó là vấn đề cần giải quyết. Bên cạnh đó, cần chú trọng quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, nên chăng có luật phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để hỗ trợ tiếp sức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Những năm gần đây, xu hướng quy mô trung bình của doanh nghiệp FDI nhỏ lại cho thấy các doanh nghiệp hỗ trợ vệ tinh dây chuyền lắp ráp dịch chuyển vào Việt Nam càng nhiều, bản chất dịch chuyển chuỗi cung ứng hỗ trợ là cần thiết, nhưng nếu chỉ có xu hướng này, mang toàn bộ doanh nghiệp vệ tinh vào để khép chuỗi giá trị của họ, thì không tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị được”, ông Lộc nêu hiện trạng.

Vì thế, người đứng đầu VCCI cho rằng, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam, tham gia thúc đẩy để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng chứ không chỉ có doanh nghiệp FDI làm. Cần phải tạo môi trường cộng sinh giữa doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam trong thời gian tới. Rất nhiều việc chúng ta phải làm, rất cần sự chung tay từ chính quyền, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cần chủ trương cụ thể và đề xuất của doanh nghiệp, cam kết chung tay hành động của cơ quan quản lý nhà nước.

Đại diện cho doanh nghiệp châu Âu, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham khẳng định, hiện tại, EVFTA đã có những thay đổi tích cực như xuất khẩu giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam làm tăng tốt trong thời gian qua.

“Trong thời gian tới, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là nâng cao hiểu biết về tiêu chuẩn châu Âu cho từng địa phương, cho từng doanh nghiệp”, ông Hải phát biểu.

Về vốn đầu tư, ông Hải cho biết, vốn từ châu Âu là nguồn vốn có chất lượng, tiên tiến và hướng tới bảo vệ môi trường.

“Chúng tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực PPP về cơ sở đầu tư hạ tầng. Về lý do để chúng tôi đưa ra quyết định đầu tư thì chủ yếu liên quan đến môi trường kinh doanh”, ông Hải chia sẻ.

Về địa phương, ông hải cho hay, EuroCham đang đang nghiên cứu các chỉ số đầu tư tại địa phương. Ngoài những trung tâm lớn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ông Hải cho biết, trong tương lai, nhiều địa phương cũng đang đáp ứng cầu của doanh nghiệp châu Âu là: Quảng Ninh và Hải Phòng.

“Về nhân lực, do chúng tôi dùng công nghệ cao, công nghiệp hoá cao, nên chúng tôi không phải nhắm vào nhân lực giá rẻ. Địa phương đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng sẽ là nơi chúng tôi nhắm tới”, ông Hải nêu rõ.

“Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản thời gian tới sẽ dịch chuyển về các địa phương, do đó vai trò kết nối của doanh nghiệp với các địa phương là điều vô cùng quan trọng để xúc tiến đầu tư”, ông Nakajima Takeo lưu ý./.