4 lần cải cách, lương vẫn không đủ sống

Việt Nam đã có 4 lần cải cách tiền lương. Lần cải cách gần đây nhất thực hiện từ năm 2004 đến nay với mục tiêu chuyển chính sách tiền lương từ chế độ hiện vật (tem phiếu) sang trả hoàn toàn bằng tiền dựa trên nguyên tắc thị trường và hội nhập; tách bạch tiền lương khu vực hành chính và sự nghiệp (phụ thuộc ngân sách) và tiền lương đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo thảo thuận. Đối với khu vực sản xuất, kinh doanh, tiền lương là giá cả sức lao động, hình thành theo quy luật thị trường; tôn trọng quyền của 2 bên trong việc xác định tiền lương và ban hành mức lương tối thiểu.

Năm 2013, Việt Nam đã thành lập Hội đồng Tiền lương Quốc gia, đánh dấu sự cải thiện đáng kể cơ chế xác định tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, lương tối thiểu của người lao động Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu tối thiểu và thuộc nhóm nước có mức lương tối thiểu thấp nhất trong khu vực ASEAN.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là từ cách xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động chưa chuẩn xác.

Tại Hội thảo Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập, tổ chức ngày 26/11/2014 các cơ quan liên quan, như: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đều thống nhất việc xác định mức lương tối thiểu cho người lao động dựa trên xác định nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu ở các cơ quan vẫn còn hạn chế.

Hiện nay, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu dựa trên 6 yếu tố là: nhu cầu lương thực thực phẩm cho một lao động; chi phí cho rổ hàng hóa lượng thực thực phẩm; chi phí phi lương thực thực phẩm; nhu cầu nuôi con; nhu cầu sống tối thiểu ở các vùng. Trong đó, theo kiến nghị của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, nhu cầu dinh dưỡng là 2.300 Kcal/ngày/người dùng để tính ra số lượng và cơ cấu “rổ hàng hóa” lương thực, thực phẩm cần thiết.

Nhận xét về cách tính này, PGS, TS. Nguyễn Bá Ngọc – Phó Viện trưởng Viện Lao động Xã hội cho rằng: “Với cách xác định lương tối thiểu dựa trên các yếu tố này đã phản ánh được nhu cầu cơ bản ở mức tối thiểu thực tế đạt được của người lao động, bao gồm cả thói quen tiêu dùng của cư dân trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, cách tiếp cận này về mặt phương pháp còn khác nhau giữa các chủ thể”.

Đặc biệt, theo ông Ngọc, quan hệ chi cho lương thực thực phẩm/phi lương thực thực phẩm chưa đưa ra được danh mục những hàng hóa phi lương thực, thực phẩm quan trọng nhất, như: nhu cầu về nhà ở, nước sạch, đi lại, chăm sóc sức khỏe, chi cho giáo dục… Trong khi xã hội càng phát triển, những nhu cầu này càng cao. Do vậy, tỷ lệ phi lương thực thực phẩm từ 49%-54% trong phương án của Hội đồng Tiền lương Quốc gia có thể là thấp”.

Nói về nguồn số liệu sử dụng để xác định nhu cầu sống tối thiểu của lao động hưởng lương, Bà Lộ Thị Đức – Tổng cục Thống kê cho biết, để xác định nhu cầu sống tối thiểu của lao động hưởng lương, bên cạnh những thông tin về chỉ số giá tiêu dùng được Tổng cục Thống kê công bố hàng tháng hoặc cuối năm, thì còn dựa trên số liệu vi mô từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2010.

Đây là chuỗi bộ số liệu duy nhất ở Việt Nam được thiết kế đảm bảo tính khoa học, thông tin chi tiết, quy mô mẫu lớn nhất về mức sống hộ gia đình Việt Nam.

“Tuy nhiên, cách xác định nhu cầu sống tối thiểu cho lao động hưởng lương có độ trễ, số liệu điều tra có thể có sai số. Quy mô mẫu điều tra với các hộ có lao động hưởng lương chỉ đảm bảo xác định nhu cầu sống tối thiểu ở cấp cả nước, mức tính cho vùng chỉ mang tính chất tham khảo. Hơn nữa, nhóm hàng lương thực thực phẩm còn gộp nhiều mặt hàng khác biệt nhau về chất lượng, giá cả, mức năng lượng đơn vị”, bà Đức chỉ rõ.

Đánh giá một cách khách quan, TS. Richard Anker – Chuyên gia của ILO cho biết: “Việc Việt Nam đặt trọng tâm là nhu cầu của người lao động và gia đình họ là điểm sáng trong xác lập mức lương tối thiểu. Tuy nhiên, nhu cầu sống tối thiểu được ước tính chưa rõ ràng và dễ hiểu, nên chưa đảm bảo số liệu đó có đủ đáp ứng với nhu cầu sống cơ bản”.

Đề xuất cải thiện cách tính trong tương lai

“Cần tính toán nhu cầu sống tối thiểu cho hàng năm và phân tích các nhân tố ảnh hưởng về mặt xã hội, kinh tế để điều chỉnh thích hợp”, PGS, TS. Ngọc nhận định. Tuy nhiên, để làm tốt việc đó, trong thời gian tới Chính phủ cần tổ chức bộ phận liên ngành, gồm các cơ quan, như: Viện Dinh dưỡng, Tổng cục Thống kê, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Công nghiệp Thương mại Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Đồng thời, có sự hỗ trợ của chuyên gia ILO về phương pháp, kinh nghiệm quốc tế và phân tích các giả định.

Đồng tình với quan điểm đó, bà Đức nói thêm “Việt Nam cần cập nhật hàng năm mức sống tối thiểu theo giá trung bình hoặc CPI, xác định lại mức sống tối thiểu định kỳ (5 năm); Thiết kế điều tra riêng cho đối tượng là lao động hưởng lương; Chi tiết các mặt hàng lương thực thực phẩm nhưng vẫn đảm bảo tính phổ biến”.

Cụ thể hơn, TS. Richard cho rằng “cần cải thiện ước lượng chi phí lương thực thực phẩm và khẩu phần ăn (nên chuyển sang áp dụng khẩu phần ăn mẫu); ước tính riêng chi phí nhà ở và cải thiện cách tính chi phí nhà ở; xem xét yếu tố giảm trừ tiền lương, thưởng để xác định mức thu nhập thực lĩnh”. TS. Richard mong muốn các báo cáo của các cơ quan cần rõ ràng, dễ hiểu hơn./.