Quan điểm này được hầu hết các chuyên gia khẳng định tại Hội thảo “Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh để phát triển kinh tế địa phương”, do Hiệp hội các đô thị Việt Nam (ACVN) phối hợp cùng Liên đoàn đô thị Canada tổ chức ngày 28/11. Có gần 300 đại biểu là đại diện chính quyền các thành phố, thị xã, các tổ chức phát triển trong nước, quốc tế và doanh nghiệp đã tham dự.

Đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng cùng với đà phát triển kinh tế. Tác động của tăng trưởng, theo phương pháp mở rộng đô thị truyền thống sẽ phải trả giá bằng môi trường tự nhiên và môi trường sống. Tăng trưởng đô thị truyền thống sử dụng tài nguyên thiếu bền vững nhằm đạt được lợi ích kinh tế ngắn hạn sẽ tạo ra những tác động lớn hơn đến khí hậu.

Xu hướng đô thị hóa cũng không ngoại lệ ở Việt Nam. Bà Lê Hồng Thủy đến từ Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho biết, chỉ trong vòng 10 năm từ 1999 đến 2009, cả nước đã có thêm 125 đô thị (từ 629 đô thị năm 1999 lên 754 đô thị năm 2009). Tỷ lệ đô thị hóa năm 2013 đạt hơn 33%. Điều đó mặc dù có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam trong việc hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với môi trường tự nhiên cũng như xã hội.

Tại Hội thảo, ông Kapi Chaudhery, Giám đốc tổ chức Các quyết định về không gian (Spatial Decisions) nêu vấn đề, mỗi sự phát triển đều phải trả giá, điều không may đối với sự phát triển đô thị là cái giá phải trả cho sự tổn hại môi trường rất đắt để đánh đổi cho tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Vì vậy, cần phải tăng cường sự quan tâm từ tăng trưởng theo tiêu chuẩn cũ sang tăng trưởng xanh và mở rộng các đô thị xanh.

Mô hình xanh là ý tưởng đằng sau những bài học và cái giá phải trả về sinh thái và môi trường. Những phạm trù tăng trưởng xanh và các thành phố xanh đặt trọng tâm vào tối đa hóa các lợi ích và giảm thiểu các tác động môi trường tiêu cực.

Tăng trưởng xanh đã trở thành chiến lược phát triển toàn cầu. Nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Đan Mạch, Canada... đã và đang triển khai chiến lược tăng trưởng xanh mạnh mẽ.

Ở Việt Nam, ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 1393/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Bản chiến lược đã đưa ra 5 quan điểm, 2 mục tiêu, 3 nhiệm vụ chiến lược và 17 giải pháp thực hiện, trong đó có giải pháp thứ 11 là đô thị hóa bền vững. Để đạt được điều đó, một trong những yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được đô thị xanh, sạch, đẹp, có nhiều công trình xanh.

PGS. TS Vũ Thị Ninh, Tổng Thư ký ACVN cho rằng, mỗi đô thị có những mục tiêu khác nhau, nhưng để phát triển kinh tế đều phải gắn với công tác bảo vệ môi trường. Để đạt được các mục tiêu của phát triển kinh tế địa phương và gắn với bảo vệ môi trường đòi hỏi sự quyết tâm cao của chính quyền đô thị và sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Thực tế cho thấy, sự thành công hay thất bại của việc xây dựng, phát triển ở các đô thị phụ thuộc rất lớn vào vai trò và ý chí quyết tâm của chính quyền thông qua những chính sách, cơ chế và đầu tư, tài chính, huy động mọi nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân đân và từ khu vực tư nhân.

Theo bà Ninh, lập kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế của mỗi đô thị chính là công cụ kế hoạch quan trọng để huy động và phân bổ nguồn lực khan hiếm của địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu ưu tiên và góp phần vào xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Bản kế hoạch cần phải trả lởi được 4 câu hỏi: Chúng ta đang ở đâu? Chúng ta muốn đi đến đâu? Làm thế nào để đi đến đó với hiệu quả cao nhất và bền vững nhất? Làm thế nào để biết mình đi đến đó đúng hướng?

Thực hiện tăng trưởng xanh không phải không có những dấu hỏi về tính hiệu quả. Ông Kapi Chaudhery cho rằng, giống như bất cứ mô hình phát triển nào, mô hình phát triển xanh sẽ phải mất vài thập kỷ để kiểm chứng được kết quả. Nhưng, các thành phố cũng cần phải sẵn sàng thử nghiệm và "vừa học vừa làm".

Tại Hội thảo, đại diện thành phố Sóc Trăng cũng đã giới thiệu kinh nghiệm của địa phương trong thực hiện dự án "Xây dựng chiến lược quảng bá sản phẩm nông nghiệp thành phố Sóc Trăng (sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn VietGap)" do chuyên gia quận Bắc, thành phố Vancouver (Canada) giúp đỡ, như là một phần trong mục tiêu tăng trưởng xanh của địa phương. Theo đúc kết từ thực hiện dự án, thành phố Sóc Trăng cho biết, cần phải có chiến lược kinh doanh tốt, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, vai trò của Nhà nước rất quan trọng, là cầu nối hỗ trợ nông dân liên kết với nhà khoa học - nhà doanh nghiệp.

Phó tổng thư ký ACVN, TS. Nguyễn Ninh Thực cho biết, trong 5 năm qua, phong trào thi đua xây dựng đô thị Xanh - Sạch - Đẹp đã được tất cả các đô thị hội viên của ACVN nhiệt tình hưởng ứng và tích cực triển khai. Đây cũng chính là một trong những chỉ tiêu để phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Nhờ đó, bộ mặt nhiều đô thị đã ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Ông Thực cho biết, ACVN đang cùng đồng hành với các đô thị và Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành bộ tiêu chi xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các đô thị xanh - sạch - đẹp.