Giá dầu giảm 1USD/thùng, ngân sách Việt Nam dự kiến hụt thu 1.000 tỷ đồng

Ngân sách Việt Nam đang phụ thuộc vào giá dầu

Thực tế, trên thế giới, thu ngân sách từ dầu là đáng kể đối với một số nước. Sự phụ thuộc của ngân sách vào dầu có thể được đo bằng tỷ lệ thu từ dầu trên tổng thu ngân sách, hoặc bằng mức giá dầu để cân bằng ngân sách.

Vì thế, khi giá dầu thô đã giảm xuống 69 USD/thùng ngày 2/12 từ giá khoảng 115 USD/thùng một vào cuối tháng 6, hay giá đã giảm 40% trong 5 tháng, thì những nước phụ thuộc lớn vào dầu (có thể đo bằng tỷ lệ của giá trị dầu thô sản xuất ra trừ chi phí so với tổng sản phẩm quốc nội GDP) là Kuwait (54%), Lybia (52%) Saudi Arabia (46%), Iraq (45%), Venezuela (27%), Nga (14%) sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn.
Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, để cân bằng ngân sách, Nga cần giá dầu ở mức 105 USD/thùng, Iran cần 140 USD/thùng, Venezuela cần 161 USD/thùng, Kuwait 54 USD/thùng. Như thế ngân sách của Kuwait vẫn bội thu khi giá dầu giảm xuống 69 USD/thùng, trong khi đó thâm hụt nặng ở Nga, Iran và Venezuela.

Còn tại Việt Nam, theo tính toán của chuyên gia Ngô Trí Long, thì xuất khẩu dầu thô đạt giá 100 USD/thùng mới cân đối được xuất - nhập.

Hiện nay, xuất khẩu dầu thô đóng góp khoảng 10% ngân sách Việt Nam. Do vậy, giá dầu thế giới giảm cũng rất ảnh hưởng đến ngân sách.

Theo Niên giám thống kê 2013, tỷ lệ thu ngân sách từ dầu thô trên tổng thu ngân sách các năm 2005, 2009, 2010, 2011 và 2012 lần lượt là 29,16%, 13,44%, 11,76%, 15,27% và 18,85%.

Tỷ lệ đóng góp cho ngân sách của thu từ dầu thô ở mức quá cao trên 29% năm 2005 đã giảm một cách lành mạnh xuống gần 12% năm 2010, song lại có xu hướng tăng trong 2 năm tiếp theo.
Dự toán thu ngân sách năm 2013 là 816.000 tỷ đồng, trong đó từ dầu thô 99.000 tỷ đồng (chiếm 12,13%); các số tương ứng của dự toán ngân sách 2014 là 782,7 ngàn tỷ đồng và 85,2 ngàn tỷ đồng (chiếm 10,89% tổng thu ngân sách).

Có thể thấy, cả dự toán thu ngân sách và thu từ dầu thô đã giảm. Dự toán thu ngân sách 2014 từ dầu thô dựa trên giả định giá dầu thô trung bình 110 USD/thùng, giá trung bình 11 tháng đầu năm là 109 USD và gây ra giảm thu 1.000 tỷ đồng.

“Do giá dầu đầu năm còn cao, nên sự sụt giảm gần đây có lẽ chỉ ảnh hưởng ít đến thu ngân sách của năm nay. Tuy vậy, thu ngân sách của năm 2015 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn (có lẽ thu từ dầu thô sẽ chỉ ở mức 50.000 tỷ đồng) nếu giá dầu ở mức thấp như hiện nay”, chuyên gia Nguyễn Quang A đưa ra phép tính toán.

Chính phủ cũng thừa nhận tác động của mức sụt giảm của ngân sách nếu giá dầu giảm. Tại buổi họp báo chiều 1/12/2014, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, theo kế hoạch năm 2015, Chính phủ cân đối ngân sách dự tính giá dầu ở mức 100 USD/thùng, dự báo đến giữa năm 2015 dầu có thể tăng trở lại nhưng diễn biến còn khó lường và hết sức phức tạp.

“Đến giờ phút này giá dầu giảm khoảng 30 USD. Con số còn thay đổi, nhưng Chính phủ tạm tính mỗi thùng dầu giảm 1 USD, ngân sách sẽ mất 1.000 tỷ đồng. Dự tính nếu năm 2015 dầu giảm còn trên dưới 80 USD chúng ta sẽ mất 20.000 tỷ đồng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

Quan trọng là cách ứng xử với biến động

Trước diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, tại phiên họp thường kỳ ngày 1/12, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, có phương án tính toán các nguồn thu ngân sách, bảo đảm không để hụt thu.

Theo đó, cần xem xét lại những mỏ dầu giá thành cao, tính toán không khai thác vào thời điểm này, chỉ khai thác các mỏ có giá thành thấp, lợi nhuận thu được tương đối để chờ đợi giá dầu có thể tăng trở lại.

Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Tạm thời Bộ Tài chính đã có phương án để bù đắp hụt thu, đảm bảo cân đối đủ ngân sách”.

Còn với vai trò của mình, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng 2 kịch bản ứng phó với diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới. Kịch bản 1: Tăng cường khâu dự trữ dầu thô để khi nào giá xuống thấp tạm trữ lại, chưa xuất hết, khi nào giá cao hơn lại xuất. Kịch bản 2 là không tiến hành khai thác đều trong năm mà căn cứ diễn biến và dự báo, lúc có lợi sẽ tăng khai thác, khi nào giá bất lợi giảm sản lượng như một số nước đang làm.

Đánh giá về các biện pháp trên, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, thay vì đưa ra các kịch bản, cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiên cứu, nhằm có những điều chỉnh chính sách kịp thời, bởi giá dầu thế giới dự báo sẽ còn tiếp tục giảm.

“Tôi kiến nghị cần có ngay các phương án, đề xuất của Chính phủ tận dụng cơ hội giá dầu giảm, doanh nghiệp tận dụng cơ hội này như thế nào. Chúng ta nên tính cụ thể nhập bao nhiều dầu, lợi bao nhiêu, nhập bao nhiêu sợi lợi bao nhiêu... để từ đó xem chúng ta có thể sản xuất gì tốt được hay không, như thế sẽ tốt hơn”, vị chuyên gia này đề xuất.

TS. Lê Đăng Doanh cũng chỉ rõ, nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ để cải cách, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn lên để chớp lấy cơ hội đầu vào giảm thì cái thiệt do giá dầu giảm của xuất khẩu sẽ bù được vào việc tăng xuất khẩu hàng hóa khác. Và, nếu doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn, thì Nhà nước sẽ tăng thu thuế được nhiều hơn…

Bên cạnh đó, ông Doanh cũng khuyến cáo, các cơ quan chức năng cần thiết phải giám sát thị trường một cách chặt chẽ, tránh tình trạng giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá hàng hóa hầu như vẫn giữ nguyên như trong thời gian qua./.