Nâng cao khả năng cạnh tranh

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực sau khi gia nhập WTO. Để doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tận dụng được những lợi thế từ việc gia nhập WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách nhằm đột phá thể chế, trong đó mục tiêu là tập trung cải cách thủ tục hành chính, tái cơ cấu doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định đến tháng 6/2015, giảm thủ tục về thuế xuống 171 giờ/năm, ngang với chuẩn của ASEAN trong khi để giải quyết các thủ tục mất tới 872 giờ/năm vào thời điểm cuối năm 2012 đầu năm 2013.

Chủ tịch VCCI ông Vũ Tiến Lộc và nguyên Giám đốc WTO ông Pascal Lamy trên bàn đối thoại

Tuy nhiên, theo ông Lamy, những điều đó vẫn chưa đủ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng nhanh và sâu như hiện nay, để đảm bảo lợi ích kinh tế, Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài nâng cao lợi thế cạnh canh và nắm bắt mọi sự thay đổi.

"Thế giới của ngày hôm qua khác hôm nay. Chúng ta đều biết, mở cửa thương mại có ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc của nền kinh tế. Hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều câu hỏi rào cản trong thế giới mới. Đặc biệt là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng hay bảo vệ công ăn việc làm, ngành sản xuất, tất cả đều phải xoay quanh vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm”, ông nhấn mạnh.

Thường các quốc gia chú trọng nhiều đến xuất khẩu và không muốn nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay, các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất cũng là những quốc gia nhập khẩu nhiều. Do vậy, theo ông Pascal Lamy, các nước cần nhìn lại lợi thế so sánh của mình ở lĩnh vực nào, sau đó xác định lĩnh vực ưu tiên nhập khẩu.

Trước kia, các quốc gia thường đặt ra rào cản thuế quan để bảo hộ sản xuất trong nước, nhưng nay, biện pháp này không còn nhiều ý nghĩa. “Nếu bạn có thể đa dạng vị trí sản xuất thì các biện pháp thuế quan không còn quan trọng, doanh nghiệp có thể chuyển đến nơi không có hàng rào thuế”, ông nói.

Thay vào đó, chất lượng sản phẩm được chú ý hơn, khi mà người dân ngày càng thận trọng trong tiêu dùng. Ở nhiều nước, một hàng rào phi thuế quan được tạo nên để bảo vệ người dân tránh khỏi những rủi ro về sức khỏe, môi trường. Nhà xuất khẩu khi muốn bán hàng phải tuân thủ một hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt, cũng như phải có giấy chứng nhận chất lượng.

“Chúng ta đang đối mặt với nhiều câu hỏi về rào cản trong thế giới mới, như bảo vệ người tiêu dùng, công ăn việc làm hay bảo vệ ngành sản xuất. Tuy nhiên, tất cả đều phải xoay quanh vấn đề chất lượng sản phẩm”, do đó, ông cho rằng Việt Nam cần nắm bắt sự thay đổi này bằng cách tiến dần lên phân khúc chất lượng cao để nâng cao lợi thế cạnh tranh, song song với đó là đầu tư nhiều hơn cho giáo dục, đào tạo.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Chia sẻ về vấn đề gỡ bỏ những khác biệt trong quản lý quy định, quy chuẩn hài hòa hóa trong quan hệ thương mại đa phương, song phương hay khu vực, nguyên Tổng Giám đốc WTO cho rằng, Việt Nam là thành viên của ASEAN, có khả năng, năng lực để tham gia vào quy trình hài hòa hóa các quy định của khu vực này. Vì thế Việt Nam phải tập trung đồng nhất các quy định, trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp quản lý hành chính đạt tới trình độ khu vực và quốc tế.

Ông Pascal Lamy mong muốn Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật để đáp ứng những tiêu chuẩn của WTO. Ông nhấn mạnh, việc giảm rào quản thuế quan là việc phải làm để thúc đẩy sản xuất trong giai đoạn hiện nay.

Ông Pascal Lamy cho biết, WTO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng lộ trình trong từng giai đoạn cụ thể nhằm tạo bước đi vững chắc trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Thông điệp chính mà Pascal Lamy muốn gửi đến là, doanh nghiệp Việt Nam hãy nhìn về phía trước: “Viễn cảnh của nền kinh tế Việt Nam 5-10 năm tới với nhiều thay đổi to lớn. Nếu nhìn được xu thế thì các bạn sẽ chủ động để phát triển và bảo vệ được quyền lợi của chính mình cũng như của người tiêu dùng”./.