Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường

Ba điểm đột phá trong Luật

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, kể từ đầu 2006 cho đến nay, tức là khi Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ có hiệc lực thi hành thì công tác quản lý hộ tịch của Nhà nước nói chung đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh những chuyển biến đó, còn nhiều hạn chế.

Vì thế, việc Quốc hội vừa thông qua Luật Hộ tịch có thể coi là cuộc "cách mạng” trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch nói riêng và quản lý dân cư nói chung.

Thứ nhất, Luật quy định rõ việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc đăng ký và quản lý hộ tịch. Ví dụ, tới đây khi đăng ký khai sinh, ngoài việc được cấp giấy khai sinh, đồng thời cũng được cấp số định danh cá nhân. Số định danh cá nhân này là duy nhất và không lặp lại cho người khác. Một mặt bảo đảm độ chính xác trong tất cả giấy tờ thống kê liên quan đến con người, đồng thời giảm thiểu nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính.

Thứ hai, Luật cũng cho phép xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bên cạnh sổ hộ tịch bằng giấy như đã thực hiện từ trước đến nay. Đồng thời, quy định việc kết nối cơ sở dữ liệu lần này với dữ liệu quốc gia về dân cư trong Đề án 896 đã được Chính phủ thông qua. Từ đó kết nối với tất cả các dữ liệu khác liên quan đến dân cư ở nước ta.

Cuối cùng, Luật bổ sung, ghi nhận những quy định của Chính phủ từ trước đến nay, đảm bảo việc đăng ký và quản lý hộ tịch rất chặt chẽ. Những quy định cải cách như vậy sẽ mở ra một trang mới trong việc đăng ký hộ tịch.

Luật quy định cho Chính phủ hơn 1 năm chuẩn bị và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Khi đó trẻ em đăng ký khai sinh sẽ được cấp ngay số định danh cá nhân. Nói đầy đủ ra Luật cũng cho phép đến hết năm 2019, phải xây dựng xong cơ sở dữ liệu hộ tịch về điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

“Hai cơ sở này đồng thời xây dựng và hoàn thành năm 2020. Khi đó chúng ta sẽ nhận biết được công cuộc cải cách thủ tục hành chính trong giấy tờ công dân”, Bộ trưởng cho biết.

Bảo toàn giá trị các giấy tờ cấp trước 01/01/2016

Bộ trưởng cũng cho biết, Chính phủ đã trình với Quốc hội thông qua việc bảo toàn nguyên giá trị những giấy tờ đã cấp trước ngày 01/01/2016. Như vậy, sổ sách hộ tịch được lưu trữ vẫn có giá trị để người dân có thể tra cứu, cấp bản sao và giấy tờ không phải làm lại, có giá trị suốt cuộc đời.

30% cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã chưa đáp ứng được tiêu chuẩn

Để có thể thực hiện được cuộc cách mạng này, nguồn nhân lực đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng quan ngại vì cho đến hôm nay, khoảng trên 30% người làm công tác tư pháp hộ tịch ở cấp xã chưa đáp ứng được tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ.

“Lần này, Luật quy định lại những tiêu chuẩn đó và yêu cầu phải có chứng chỉ bồi dưỡng về nghiệp vụ hộ tịch”, người đứng đầu ngành Tư pháp cho biết.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ tịch, cần phải thường xuyên được cập nhật về kiến thức, nghiệp vụ. Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin, Luật quy định bổ sung 1 tiêu chuẩn mới là phải có trình độ tin học phù hợp. Tới đây Bộ Tư pháp sẽ phối hợp Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch rà soát tại tất cả địa phương.

“Dự kiến từ nay tới 1/1/2016, những ai đạt chuẩn rồi thì giữ lại làm công tác hộ tịch, ai chưa đạt chuẩn cần phải nghiên cứu, xem xét lại”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Từ 1/1/2016 - 31/12/2019, phải tổ chức đào tạo lại để bước sang thời kỳ mới, khi cơ sở quốc gia về hộ tịch, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hình thành phải bảo đảm chuẩn mực.

“Việc này sẽ phục vụ đắc lực hơn cho người dân và cả công tác quản lý của Nhà nước”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.