Nhiều vấn đề đặt ra

Các nghiên cứu hiện nay đều cho rằng: Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại “63 vùng kinh tế”, tương ứng với 63 tỉnh, thành. Vì thế, không gian kinh tế vùng bị chia cắt và thu hẹp, nhiều cụm ngành kinh tế (cluster) và sản phẩm thế mạnh, mà các tỉnh có lợi thế chung không được “liên kết” với nhau, hoặc lợi thế so sánh của từng tỉnh không được phát huy, mà còn cạnh tranh cục bộ lẫn nhau, dẫn đến chuỗi giá trị ngành hàng bị cắt khúc; đầu tư trùng lắp, tính gia tăng giá trị thấp, suất đầu tư cao do không tận dụng được “lợi thế dùng chung” trên cơ sở phân công trong nội bộ vùng và liên vùng.

Việt Nam hiện cũng phân chia thành bốn vùng kinh tế trọng điểm gồm: (1) Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, gồm 8 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh; (2) Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang; (3) Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; (4) Vùng Kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, gồm 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Cà Mau và Kiên Giang.

Sau hơn 20 năm thành lập và phát triển, các vùng kinh tế trọng điểm đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cao hơn bình quân chung cả nước, tốc độ đô thị hóa nhanh, tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm hơn 90%, thu ngân sách nhà nước chiếm trên 89% và thu hút đầu tư FDI chiếm 82% số vốn cả nước... đã trở thành những trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội của các vùng, lãnh thổ, là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển cho các vùng và cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, công tác điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hình thức nên hiệu quả hoạt động chưa cao; chưa giải quyết kịp thời một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn, các việc có tính chất liên vùng; việc liên kết, phối hợp giữa các địa phương chưa có tính lâu dài, phạm vi liên kết hạn chế, tổ chức triển khai các liên kết chậm, chưa thực sự kết nối và phát huy được tiềm năng phát triển của các vùng.

Ở các vùng kinh tế trọng điểm đều chưa có bộ máy thể chế vùng, mà mới chỉ hình thành ban chỉ đạo phát triển. Cụ thể, đối với các vùng kinh tế trọng điểm có ban chỉ đạo, văn phòng ban chỉ đạo và tổ công tác.

Đây thực chất là cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các quy chế chính sách ban hành cho các vùng; kiểm tra, đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm cho hoạt động của các vùng.

Với chức năng nhiệm vụ quy định như hiện nay, chúng không phải là hệ thống cơ quan có chức năng quản lý, điều tiết, tổ chức các hoạt động phát triển của các vùng bao gồm nhiều địa phương mang tính hành chính ghép lại một cách cơ học.

Do đó, bộ máy này không thể là một cơ quan tiếp nhận chính sách và tổ chức thực thi chính sách mang tính toàn vùng. Đồng thời, cũng không có khả năng xây dựng định hướng, chiến lược, quy hoạch, hoạch định những chính sách riêng biệt thống nhất cho toàn vùng. Cơ quan này cũng không thể đại diện cho vùng để điều phối, hay phối hợp hoạt động của địa phương, bộ ngành có liên quan, mà cũng không có khả năng thực hiện công việc này.

Hơn nữa, Vùng kinh tế - xã hội hiện nay ở Việt Nam không phải là một đơn vị hành chính - kinh tế, việc phân bổ ngân sách, nguồn lực đầu tư cho vùng hoàn toàn do Trung ương đảm nhiệm. Theo Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành và các quy định về lập kế hoạch ngân sách hàng năm, vùng không phải là cấp ngân sách; việc đầu tư cho vùng phụ thuộc vào sự đầu tư của Trung ương và các tỉnh, thành (chủ yếu là để phát triển địa phương, qua đó đóng góp cho vùng).

Vì thế, vùng không thể nào thực thi một cách “chủ động” các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển vùng.

Hoàn thiện mô hình Hội đồng vùng

Trên cơ sở nghiên cứu mô hình hoạt động của các nước, việc phải thành lập các hội đồng vùng được đặt ra như một nhu cầu của thực tế.

Do đó, gần đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện mô hình tổ chức điều phối phát triển các vùng Kinh tế trọng điểm và quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong các vùng Kinh tế trọng điểm theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng yêu cầu, thành lập Hội đồng vùng Kinh tế trọng điểm của từng vùng với thành viên là Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm.

Chủ tịch Hội đồng vùng do các thành viên Hội đồng đảm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ theo hình thức luân phiên với nhiệm kỳ từ 1-2 năm; riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nghiên cứu cơ cấu phù hợp với sự tham gia của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ vào Hội đồng vùng trên cơ sở sự thống nhất của các địa phương trong vùng này.

Bộ phận giúp việc cho Hội đồng vùng sử dụng bộ máy, biên chế của sở kế hoạch và đầu tư.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hình thức tham gia trong Hội đồng vùng với tư cách là thành viên của Hội đồng; giữ nguyên tổ chức điều phối cấp Trung ương.

Kiện toàn tổ chức Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đảm bảo đủ nhân lực để thực hiện chức năng chỉ đạo, theo dõi kiểm tra và điều phối hoạt động liên kết của các vùng Kinh tế trọng điểm.

Phó Thủ tướng yêu cầu, Văn phòng Ban Chỉ đạo tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, tăng cường chia sẻ thông tin giữa các địa phương trong từng vùng kinh tế trọng điểm, giữa các vùng và với các bộ, ngành và ban chỉ đạo nhằm xác định các vấn đề liên vùng cần xử lý, khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, chồng chéo, không có tính hỗ trợ lẫn nhau.

Các địa phương, bộ, ngành, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới Văn phòng Ban Chỉ đạo phục vụ công tác chung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của chức danh Chủ tịch Hội đồng vùng trong mô hình tổ chức điều phối và quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong các vùng kinh tế trọng điểm./.