Bối cảnh kinh tế tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, kinh tế - xã hội nước ta năm 2014 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm sau suy thoái toàn cầu. Các nền kinh tế lớn phát triển theo hướng đẩy nhanh tăng trưởng, nhưng có nhiều yếu tố rủi ro trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, nhiều nền kinh tế mới nổi gặp trở ngại từ việc thực hiện chính sách thắt chặt để giảm áp lực tiền tệ.

Bên cạnh đó, khu vực đồng EURO bị ảnh hưởng mạnh bởi các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa các nước trong khu vực do tình hình chính trị bất ổn tại một số quốc gia, nhất là khu vực châu Âu.

Dự báo tăng trưởng năm 2014 và 2015 của hầu hết các nền kinh tế Đông Nam Á cũng được điều chỉnh giảm. Điểm nổi bật trong những tháng cuối năm là giá dầu mỏ trên thị trường thế giới giảm sâu và vẫn đang tiếp tục giảm.

Đối với các quốc gia nhập khẩu dầu, giá dầu giảm giúp thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư tư nhân cũng như cải thiện cán cân thanh toán. Tuy nhiên, đối với các nước sản xuất dầu, thực trạng thị trường giá dầu mỏ giảm sẽ tác động mạnh đến kinh tế theo chiều hướng thuận lợi và khó khăn đan xen.

Ở trong nước, sản xuất, kinh doanh chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị của thị trường thế giới, cùng với những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để như áp lực về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hàng hóa trong nước tiêu thụ chậm; năng lực quản lý và cạnh tranh của doanh nghiệp thấp...

Sự nỗ lực của Chính phủ

Trước bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định nhằm tiếp tục ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đà tăng trưởng, bảo đảm công tác an sinh xã hội cho toàn dân.

Trọng tâm là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014; Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/8/2014 của Chính phủ về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp; Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 12/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 13/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước những tháng cuối năm 2014...

Nền kinh tế có nhiều điểm sáng

Năm 2014, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%; quý II tăng 5,34%; quý III tăng 6,07%; quý IV tăng 6,96%.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và mức tăng 5,42% của năm 2013 cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Trong mức tăng 5,98% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013, đóng góp 0,61 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm trước, đóng góp 2,75 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,96%, đóng góp 2,62 điểm phần trăm.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành lâm nghiệp có mức tăng cao nhất với 6,85%, nhưng do chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,05 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành nông nghiệp mặc dù tăng thấp ở mức 2,60%, nhưng quy mô trong khu vực lớn nhất (Khoảng 74%) nên đóng góp 0,35 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 6,53%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 7,15% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có chuyển biến khá tích cực với mức tăng cao là 8,45%, cao hơn nhiều so với mức tăng của một số năm trước (Năm 2012 tăng 5,80%; năm 2013 tăng 7,44%), đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng của khu vực II và góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung.

Trong ngành chế biến, chế tạo, các ngành sản xuất đồ uống; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; sản xuất giấy; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (Trừ máy móc thiết bị); sản phẩm điện tử máy tính; sản xuất xe có động cơ là những ngành có đóng góp lớn vào tăng trưởng với chỉ số sản xuất tăng khá cao ở mức trên 10%. Ngành khai khoáng tăng 2,40%, có đóng góp của dầu thô và khí đốt tự nhiên.

Ngành xây dựng đã có dấu hiệu phục hồi với mức tăng 7,07%, tăng cao so với mức 5,87% của năm 2013, chủ yếu do đóng góp của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị sản xuất xây dựng khu vực này tăng mạnh ở mức 58%.

Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng trưởng chung như sau: Bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt mức tăng 6,62% so với năm 2013, đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,88%; hoạt động kinh doanh bất động sản được cải thiện hơn với mức tăng 2,85%, cao hơn mức tăng 2,17% của năm trước với nhiều tín hiệu tốt trong hỗ trợ thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà chung cư giá trung bình và giá rẻ nói riêng, trong đó giá trị tăng thêm của khấu hao nhà ở dân cư tăng 2,93%.

Cơ cấu nền kinh tế năm nay tiếp tục theo hướng tích cực. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%; khu vực dịch vụ chiếm 43,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2013 là: 18,38%; 38,31%; 43,31%).

Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2014, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,20% so với năm 2013, đóng góp 4,72 điểm phần trăm vào mức tăng chung (Tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 6,12%, cao hơn mức tăng 5,18% của năm trước); tích lũy tài sản tăng 8,90%, đóng góp 2,90 điểm phần trăm.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước các năm 2012, 2013 và 2014

Tốc độ tăng so với

năm trước (%)

Đóng góp của các khu vực vào tăng trưởng năm 2014
(Điểm phần trăm)

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Tổng số

5,25

5,42

5,98

5,98

Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

2,68

2,64

3,49

0,61

Công nghiệp và xây dựng

5,75

5,43

7,14

2,75

Dịch vụ

5,90

6,57

5,96

2,62

Vẫn còn nhiều điểm hạn chế

Mặc dù đạt được nhiều kết quả so với năm trước, kinh tế - xã hội nước ta trong năm tới vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức.

- Tình hình thế giới còn nhiều biến động khó lường, ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời tác động đến xuất khẩu và lạm phát trong nước.

- Sản xuất của khu vực doanh nghiệp đứng trước thách thức của cơ chế thị trường và sức ép hội nhập quốc tế trong điều kiện năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện và năng lực cạnh tranh yếu.

- Nợ xấu vẫn còn nhiều quan ngại, nhất là nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. Cầu nội địa tuy tăng hơn năm trước nhưng chưa mạnh.

- Cán cân thương mại thặng dư song chưa thật vững chắc do tập trung chủ yếu ở khu vực FDI với giá trị gia tăng thấp, sản xuất các sản phẩm phụ trợ trong nước nhằm giảm nhập khẩu chuyển biến chậm.

6 giải pháp lớn cần triển khai trong năm 2015

Để tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015,theo Tổng cục Thống kê các ngành, các cấp, các địa phương cần làm tốt những nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm vừa bảo đảm thanh khoản, tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất phát triển, vừa giữ ổn định vĩ mô. Tích cực xử lý nợ xấu trên cơ sở phân loại nợ của các doanh nghiệp, nhất là nợ của doanh nghiệp Nhà nước. Tháo gỡ kịp thời những vướng mắc đang tồn tại trong khâu cung ứng vốn nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Hai là, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đây là một trong các nhân tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh năm 2015 nước ta là thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN và thực hiện các hiệp định mới được ký. Các doanh nghiệp cần nâng cao thương hiệu sản phẩm; xây dựng năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất quy mô lớn.

Ngoài ra, phải giải quyết kịp thời và hiệu quả những bất cập về thủ tục hành chính trong môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ba là, nâng cao năng suất lao động, phương thức quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Chính phủ có chính sách tăng cường đầu tư quy trình sản xuất trang thiết bị hiện đại cho người lao động thuộc mọi thành phần kinh tế; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và kiến thức cao trong xu thế hội nhập ngày càng sâu, tạo sự phù hợp hơn giữa kỹ năng sản xuất và yêu cầu công việc.

Đổi mới thể chế kinh tế nhằm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), trong đó tập trung khuyến khích khu vực doanh nghiệp nâng cao khả năng xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh cũng như năng lực quản trị.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (RD), chủ động tiếp thu và ứng dụng tri thức mới, đồng thời tăng khả năng sáng tạo trong sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương cần tăng tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý điều hành.

Bốn là, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa theo hướng đa dạng. Đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm qua chế biến, giảm dần tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp sản xuất hàng phụ trợ, tạo liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm đáp ứng nguyên liệu phụ trợ và hạn chế nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu vào từ nước ngoài phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, góp phần gia tăng giá trị cho nền kinh tế.

Năm là, giải quyết triệt để nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản từ các năm trước, nhất là các công trình có quy mô vốn lớn tác động làm gia tăng khoản nợ xấu. Nâng cao ý thức trách nhiệm của các đơn vị tư vấn cũng như các chủ đầu tư trong việc thực hiện đúng các quy định về đầu tư xây dựng của Nhà nước.

Tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình chuẩn bị đầu tư. Đẩy mạnh hơn nữa việc xã hội hóa đầu tư, hoàn thiện các cơ chế chính sách, nhất là chính sách đối với hình thức hợp tác công - tư để thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Xem xét, thu hồi các dự án không đủ năng lực, nhất là các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng.

Đối với các dự án thủy điện cần tập trung vốn hoàn thành những công trình quan trọng. Các địa phương tiếp tục tập trung giải quyết nhanh công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các dự án trọng điểm, dự án lớn. Tăng cường và nâng cao năng lực công tác hướng dẫn, phổ biến pháp luật về đầu tư xây dựng công trình cho cán bộ quản lý xây dựng cấp xã, phường, thị trấn. Hoàn thiện cơ chế quản lý xây dựng cơ bản, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đầu tư xây dựng.

Sáu là, tiếp tục hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội và cải tiến hệ thống chính sách an sinh xã hội theo hướng tập trung, đầy đủ, đồng bộ. Tiếp tục rà soát, bổ sung cơ chế chính sách nhằm giảm nghèo bền vững, chống tái nghèo. Tạo việc làm phải bảo đảm tính bền vững./.