Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là thủ tục quản lý chuyên ngành

Dự kiến Việt Nam sẽ tăng lên hạng 56 tại Doing Business 2015

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh sau hơn 9 tháng được ban hành.

Ngày 18/3/2014, Nghị quyết 19 được Chính phủ ban hành. Nghị quyết 19 yêu cầu tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược (bao gồm hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong đó, giai đoạn 2014-2015, tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước.

Nghị quyết yêu cầu đến hết năm 2015, một số chỉ tiêu đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.

Sau hơn 9 tháng triển khai, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, nhiều bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực triển khai Nghị quyết, bước đầu đạt được một số kết quả.

Theo Bộ trưởng Vinh, thực hiện nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp đã bám sát yêu cầu của Nghị quyết.

Với mục tiêu tăng cường hiệu lực bảo vệ quyền và lợi ích của nhà đầu tư, của cổ đông, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các cổ đông, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông. Theo đó, xếp hạng chỉ số “bảo vệ nhà đầu tư” của Việt Nam dự kiến tăng lên vị trí 52 so với vị trí 157 (theo Doing Business 2014).

Nhằm đơn giản hóa thủ tục khởi sự kinh doanh, Luật Doanh nghiệp đã giảm còn 5 thủ tục với thời gian khoảng 5 ngày (thay vì 10 thủ tục với 34 ngày như trước đây), trong đó thời gian đăng ký kinh doanh là 5 ngày (ít hơn 1 ngày so với yêu cầu đề ra trong Nghị quyết). Với thay đổi nói trên, “khởi sự kinh doanh” ở Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể, dự kiến tăng 50 thứ hạng từ vị trí 109 lên khoảng vị trí 60.

Về thời gian nộp thuế, Nghị quyết 19 yêu cầu đơn giản hóa, cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục hành chính nộp thuế, rút ngắn thời gian nộp thuế xuống còn 121,5 giờ (hiện là 537 giờ). Với hàng loạt giải pháp trong các Thông tư, Nghị định và Luật đã được Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội ban hành, dự kiến sẽ giảm được khoảng 370 giờ, còn 167 giờ.

BHXH Việt Nam chịu trách nhiệm giảm thời gian nộp BHXH xuống còn 49,5 giờ (hiện là 335 giờ). BHXH Việt Nam đã ban hành các văn bản theo hướng giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ cũng như thời gian tương tác của người dân, doanh nghiệp với cán bộ bảo hiểm, xây dựng phần mềm kê khai hồ sơ tham gia BHXH, BHYT qua mạng; dự thảo quyết định thí điểm về giao dịch điện tử… Dự kiến, BHXH sẽ rút gọn từ 263 thủ tục xuống còn 111 thủ tục và giảm 50% số giờ giao dịch của doanh nghiệp so với hiện nay.

Với các cải cách trên, dự kiến chỉ số “nộp thuế” (theo đánh giá của WB bao gồm cả nộp BHXH) của Việt Nam sẽ tăng từ vị trí 149 lên khoảng 134.

Về thời gian tiếp cận điện năng, hiện là 115 ngày, Nghị quyết 19 yêu cầu rút ngắn còn tối đa 70 ngày. Bộ Công Thương (EVN) đã có kế hoạch rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục cấp điện cho trạm biến áp trung áp xuống còn 18 ngày (theo quy định hiện hành là 60 ngày). Theo kiến nghị của EVN với các cơ quan có liên quan, sẽ rút ngắn tổng thời gian thực hiện các thủ tục đối với công trình lưới điện trung áp là 37 ngày (thấp hơn so với yêu cầu của Nghị quyết). Dự kiến vị trí của Việt Nam về chỉ số “tiếp cận điện” sẽ từ vị trí 115 lên vị trí 111.

Vẫn còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ một số giải pháp đã thực hiện, nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Trong số 7 giải pháp tổng thể, 4 giải pháp đã được thực hiện và bước đầu có kết quả; 1 giải pháp được thực hiện song chưa có kết quả rõ ràng và 2 giải pháp chưa được thực hiện.

Trong 49 giải pháp cụ thể, 8 giải pháp được thực hiện và có kết quả (chiếm 16,3%); 16 giải pháp được thực hiện nhưng chưa có kết quả rõ ràng (chiếm 32,7%); và 25 giải pháp chưa thực hiện (chiếm 51%). Đáng lưu ý là các giải pháp nhằm giảm thời gian thông quan xuống 14 ngày đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và 13 ngày với hàng hóa nhập khẩu (hiện là 21 ngày).

Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu là thủ tục quản lý chuyên ngành (chiếm 72% thởi gian thông quan), gắn với trách nhiệm của nhiều bộ, cơ quan khác nhau.

Bởi vậy, các giải pháp này tuy đã được Bộ Tài chính tích cực triển khai thực hiện, nhưng chưa đem lại kết quả rõ ràng. Một số bộ, cơ quan đã triển khai thực hiện các giải pháp, song đa số giải pháp cũng chưa có kết quả rõ ràng.

Đặc biệt, trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn thừa nhận một số giải pháp chưa được thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là các giải pháp liên quan đến Luật Phá sản để giảm thời gian xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán xuống tối đa 30 tháng (hiện là 60 tháng). Nguyên nhân là Luật Phá sản vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2014 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Vẫn còn nhiều bộ, cơ quan, địa phương chưa tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, có 5 bộ hầu như chưa thực hiện giải pháp nào trong số các giải pháp được giao.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, về tổng thể, mặc dù còn nhiều giải pháp chưa được triển khai thực hiện, nhưng các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2014-2015 phần lớn đã được thực hiện và có kết quả. Dự kiến, xếp hạng tổng thể của Việt Nam sẽ tăng lên thứ hạng 56, so với vị trí thứ 99 trong báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 10/2013.

Sẽ ban hành một nghị quyết mới tương tự Nghị quyết 19

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trong năm 2015, cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, nhất quán và triệt để Nghị quyết số 19, bảo đảm đến hết năm 2015, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng theo WB tối thiểu bằng trung bình ASEAN-6. Bên cạnh việc củng cố các kết quả cải cách trong các lĩnh vực thuế, BHXH, khởi sự kinh doanh…, cần tập trung thực hiện cải cách các chỉ số về thực thi hợp đồng, thủ tục phá sản doanh nghiệp và cấp phép xây dựng.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là rà soát thủ tục kiểm tra, quản lý chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu - vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định đây là nội dung quan trọng, cần thực hiện ngay.

Cùng với đó, tiến hành rà soát danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện tương ứng, theo hướng chỉ giữ lại những điều kiện kinh doanh thực sự cần thiết và triệt để chủ trương “quản lý nhà nước là để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân”.

Nhận định về việc thực hiện Nghị quyết 19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chỉ rõ: “Thẳng thắn mà nói, chúng ta mới rà soát, sửa đổi trên giấy thôi, giảm được bao nhiêu giờ làm thủ tục cũng mới chỉ là tính toán. Bước tiếp theo là phải đưa những cải cách đó đến được với từng doanh nghiệp. Năm 2015 nếu không tiếp tục làm quyết liệt, thì có khi những thay đổi trong năm 2014 thành ra phản tác dụng”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, trong năm 2015, cần tiếp tục lựa chọn một số lĩnh vực để tập trung cải cách. Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ trình Chính phủ một Nghị quyết tương tự Nghị quyết 19 để thực hiện trong năm 2015.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần kiên định, nhất quán thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2015.

Thủ tướng cho biết, sau phiên họp này, Chính phủ sẽ ban hành một Nghị quyết mới trên cơ sở nội dung của Nghị quyết 19 để tăng cường hơn nữa việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nghị quyết sẽ chỉ rõ những nhiệm vụ, công việc cụ thể của Chính phủ, từng bộ, từng ngành trong việc tiếp tục rà soát, sửa đổi các cơ chế, chính sách không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp; đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời hết sức chú ý đến việc thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức.

Tại các phiên họp thường kỳ tới đây, Chính phủ sẽ kiểm điểm và đánh giá tiến độ và kết quả thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đồng thời, ngay trong đầu năm 2015 chỉ số cải cách hành chính của các bộ và địa phương của năm 2014 sẽ được công bố công khai.

“Các bộ, ngành, địa phương phải coi cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015.” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu./.