Đầu năm mới 2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi một thông điệp tới truyền thông, và qua đó, đến cả nước: “Lòng dân là quốc bảo”.

Tiếp cận thông điệp của Chủ tịch nước, thấy có nhiều điều thật đáng suy ngẫm.

1. Suy ngẫm đầu tiên là mừng vui! Chủ tịch nước đã chạm đến sâu thẳm con tim của mọi người dân yêu nước. Lãnh đạo đất nước thấu hiểu, trân quý lòng dân, lẽ tất nhiên, dân sẽ hưởng phúc!

2. Dễ hiểu là ở đâu và khi nào mà lãnh đạo không thương dân, dân làm sao có phúc. Ở đâu và khi nào lãnh đạo không thương dân, ở đó sẽ có đói, rét, muộn phiền, bần cùng, uất ức và đau khổ. Quốc gia là thuyền, dân đi thuyền, lãnh đạo chèo lái; nếu lãnh đạo không thương dân, xa dân, bỏ mặc dân, liệu con thuyền đó có tới bến bờ hạnh phúc hay không?

3. Lẽ đơn giản là không phải khi nào, không phải ở đâu lòng dân cũng được trân quý, vị trí người dân cũng được nâng niu. Lịch sử đã chứng minh bài học đắt giá. Đó là: Bao vương triều, bao chế độ đã bị chôn vùi, bị diệt vong, bởi không biết thấu lòng dân, không yêu dân, không thương dân, không vì hạnh phúc nhân dân.

4. Quá khứ và cả hiện tại còn trơ ra đó! Triều đại nào mà người lãnh đạo quốc gia nghĩ mình là “vua”, ăn uống trên sự đói khổ của dân, trang sức trên sự rách rưới của dân, ngủ ngon trên sự phiền muộn của dân, xa hoa trên sự bần cùng của dân, vô cảm trên sự kêu than của dân, thì sớm muộn, không chóng thì chầy, dân sẽ đứng lên, hót vào sọt rác của lịch sử.

5. Ngược dòng sông lập quốc của chúng ta, thấy thật may mắn vì có biết bao anh hùng hào kiệt đã đồng hành với dân, giúp dân đứng vững trên con thuyền độc lập. Từ nhiều đời nay, đất nước chúng ta luôn nằm trong tầm mắt thèm khát của những kẻ tham lam man rợ. Và dân tộc ta cũng đã bao lần đối mặt với quân thù xâm lược tàn ác muốn đồng hoá, muốn xoá xổ. Nhưng có điều phi thường là một dân tộc ít người đã lần lượt đánh thắng, đánh gục những kẻ thù hung bạo nhất, kể cả những kẻ thù có sức mạnh toàn cầu.

Điều phi thường đó là: Việt Nam là một dân tộc phi thường, đã sinh ra những con người phi thường. Những con người phi thường đã lãnh đạo nhân dân và đất nước hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, đanh thép khẳng định tiếng nói anh hùng của mình: Nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam không bao giờ khuất phục trước bất cứ một cường quyền nào.

6. Tại sao lại gọi là những là lãnh đạo phi thường? Bởi họ đã vượt qua những điều bình thường, mà những con người bình thường không thể vượt qua. Những điều bình thường, tầm thường đó là gì: Là những cám dỗ của vinh thân, phì gia, nghĩ trước mắt trước khi nghĩ lâu dài, nghĩ mình trước khi nghĩ cho người, nghĩ cho gia đình, dòng tộc trước khi nghĩ cho đất nước.

7. Đặc điểm nổi bật và xuyên suốt của những nhà lãnh đạo phi thường đó là gì? Đó là thương dân, hiểu dân, và trân quý nhân dân. Là Trần Hưng Đạo, “ba lần đánh thắng quân Nguyên”, với “ khoan thư sức dân, sâu rễ bền gốc”, là Lê Lợi, Nguyễn Trãi, “mở nền thái bình muôn thuở”, với “tiếng ca của dân là thanh âm của nhạc, lòng vui của dân là gốc của nhạc”, thời đại Hồ Chí Minh quang vinh với “độc lập của nước, tự do và hạnh phúc của nhân dân”, với chân lý hết sức cụ thể, “dân chưa no, không được kêu mình đói, dân chưa ấm, không được kêu mình rét, dân còn thức, mình chưa được ngủ”, “nước độc lập, mà dân không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập ấy có ý nghĩa gì?”.

8. Trở lại với vấn đề hiện nay, với thời điểm hiện nay. Qua những biến động của thế giới, qua những thịnh suy của bao dân tộc, qua sự lớn mạnh và điêu tàn của bao quốc gia, chúng ta càng thấy rõ một điều: Đó là quốc gia, dân tộc trên hết. Chỉ có quốc gia, dân tộc mới có giá trị vững bền và vĩnh cữu. Vì sao? Bởi nước mất thì nhà tan, chân lý đó không phải là điều mới lạ, có điều nó càng ngày càng được khẳng định mà thôi.

Chúng ta đã thấy lửa cháy, đạn nổ, dân mất nhà tha hương bỏ chạy khỏi những quốc gia đang diễn ra cảnh nồi da xáo thịt. Nguồn gốc do dâu? Do lãnh đạo không cố kết được lòng dân, lòng dân phân ly, biến loạn, giá trị quốc gia dân tộc không còn, nội bộ quay ra chém giết lẫn nhau và mở cửa cho kẻ thù vào đốt phá.

9. Chỉ khi nào đặt mình vào vị thế quốc gia dân tộc, chúng ta mới thấy giật mình vì trách nhiệm của bản thân. Quốc gia dân tộc sẽ ra sao, nếu mọi người dân chỉ mê mải vì mình, vì gia đình mình? Bên cạnh truyền thống vinh quang, chúng ta cũng có những kinh nghiệm đau đớn. Đất nước đã có khi đứng bên bờ vực thẳm, nhân dân chịu gông xiềng của ngoại bang, và chết hàng triệu người, chỉ vì đói!

Khi nào người dân không hướng về đất nước, khi nào đất nước không có lòng dân, kẻ thù sẽ ngấp nghé biên cương. Quốc gia dân tộc sẽ ra sao, một mai nếu người già thở than chán ngán, nếu thanh niên ham vui mặc kệ, nếu trí thức bất mãn quay lưng? Khối đoàn kết bị phá vỡ, mỗi người một hướng, chúng ta sẽ như con thuyền bị mối mọt mục ruỗng không bánh lái, bị sóng dữ đánh tan trên biển cả hiểm họa khôn lường. Khi đó đừng nói là tội lỗi không thể tha thứ với tiền nhân đi trước, mà còn là nỗi nhục khôn rửa cho hậu thế mai sau.

10. Do vậy, thông điệp của Chủ tịch nước hôm nay “Lòng dân là quốc bảo”, thiết nghĩ cũng chính là lời kêu gọi thiết tha của giang sơn dân tộc. Chúng ta hãy vì ngàn đời trước và ngàn đời sau, vì oai linh hiển hách của tổ tông và hạnh phúc rạng ngời của con cháu, đừng chần chừ, ngay ngày hôm nay năm mới, ngay từ việc làm đầu tiên, ngay từ dự tính trước mắt, hãy cố kết một lòng, quốc gia dân tộc, muôn người như một, hãy thổi lên một khát vọng “Đại Việt”, tất cả vì một nước Việt Nam ta hùng mạnh!