Cơ sở vững để đạt mức tăng trưởng 6,1%

Phân tích về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, các chuyên gia của HSBC đánh giá, nếu nhìn thoáng qua, 2015 được đánh giá có thể là một năm khó khăn với kinh tế Việt Nam do Việt Nam là quốc gia chú trọng xuất khẩu trong khi nhu cầu toàn cầu lại đang chậm lại. Bên cạnh đó, giá dầu giảm cũng làm hạn chế nguồn thu ngân sách quan trọng và thu nhập xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Trong khi nhu cầu trong nước mặc dù đã có sự cải thiện một cách chậm chạp, vẫn bị ảnh hưởng bởi các khoản nợ xấu cao của ngành Ngân hàng và sự bảo thủ của lĩnh vực tư nhân.

Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, các chuyên gia HSBC khẳng định nền kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện trong năm nay. Đây là nhận định nhất quán của HSBC trong các bản báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian gần đây. Các chuyên gia của HSBC dự báo, GDP của Việt Nam trong năm 2015 sẽ tăng 6,1% trong khi lạm phát sẽ ở mức 4,3%.

Cơ sở của những con số trên được HSBC lý giải là:

Thứ nhất, mặc dù nhu cầu thấp và giá cả hàng hóa yếu có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc xuất khẩu nguyên vật liệu thô của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế và cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng hơn - ít phụ thuộc vào các mặt hàng nguyên liệu thô mà phụ thuộc vào ngành sản xuất nhiều hơn.

Thứ hai, Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 12 đã tăng lên 52,7 điểm so với mức 52,1 điểm trong tháng 11 đang cho thấy xu hướng này.

Thứ ba, nguồn vốn FDI lớn và ổn định. Trong năm 2014, nền kinh tế đã thu hút 12,4 tỷ USD nguồn vốn FDI được giải ngân và 20,2 tỷ USD nguồn vốn FDI đăng ký. Đáng chú ý, hầu hết các hoạt động đầu tư đều đổ vào ngành sản xuất giúp chuyển đổi cấu trúc ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Minh chứng là nếu như năm 2006, dầu thô chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu trong khi điện thoại chỉ là 0% thì đến năm 2014, các lô hàng dầu thô đã giảm chỉ còn 4,8% trong khi điện thoại di động đã tăng lên 16,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

“Chúng tôi kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng 12% trong năm 2015”, các chuyên gia của HSBC dự báo.

Thứ tư, Việt Nam đang cải thiện mạng lưới kết nối của mình với các dự án đang trong quá trình chuẩn bị và triển khai. Điều này sẽ giúp giảm chi phí giao dịch và có tác động lan tỏa tích cực đến các ngành công nghiệp khác như giao thông vận tải.

Tất cả những điều đó cho thấy trong ngắn hạn, nền kinh tế sẽ tươi sáng hơn. Nhu cầu đối với hàng hóa trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên nhờ vào chi phí lao động thấp, giá cả hàng hóa rẻ, mạng lưới kết nối tốt hơn, các dòng vốn đầu tư ổn định và nhu cầu đến từ khách hàng lớn như Mỹ tiếp tục cải thiện.

HSBC cũng tin rằng, cùng với nhu cầu nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam ngày càng tăng, nhu cầu trong nước cũng trong quá trình dần phục hồi trong năm 2015 và 2016.

Tiến trình trả nợ vẫn đang tiếp diễn khi các ngân hàng đang điều chỉnh bảng cân đối kế toán của mình và nhu cầu vay tín dụng của các doanh nghiệp ít đi. Tuy nhiên, triển vọng vẫn thể hiện dấu hiệu dần phục hồi.

Điều này có nghĩa rằng nhu cầu trong những năm tới sẽ dần phục hồi mặc dù khá chậm khi sự chuyển dịch thu nhập và dân số sẽ tạo thuận lợi cho việc tiêu dùng và tăng trưởng hoạt động đầu tư.

Thách thức chính vẫn là nợ xấu và thiếu hụt lao động có kỹ năng

Mặc dù đánh giá cao khả năng tăng trưởng của Việt Nam, nhưng các chuyên gia của HSBC vẫn cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn đối với nền kinh tế trong cả ngắn hạn và trung hạn. Trong đó, những thách thức chính yếu vẫn sẽ tồn tại trong năm 2015 bao gồm nợ xấu và thiếu hụt nguồn lực lao động có kỹ năng.

Bên cạnh đó, việc cấp vốn cho các dự án hạ tầng là một mối lo ngại thực sự. Khi doanh thu ngân sách từ dầu mỏ giảm trong năm 2015 sẽ kéo theo tổng thu ngân sách của cả nước giảm theo. HSBC dự báo, thâm hụt ngân sách trong năm 2015 sẽ vào khoảng 6% so với GDP, cao hơn mục tiêu của Chính phủ là 5%.

Cùng với việc suy giảm nguồn thu ngân sách, các dự án liên kết với các doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc cũng đang cho thấy những khó khăn mà Chính phủ Việt Nam cần phải tìm kiếm các cách thức mới để ký kết và hỗ trợ tài chính cho những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng.

Chính phủ có khả năng sẽ khai thác thị trường quốc tế, các tổ chức song phương và đa phương như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới cũng như những nguồn kinh phí trong nước để tài trợ cho các dự án mới.

Về mặt trung hạn, Việt Nam cần phải giải quyết những vấn đề liên quan đến việc kết nối khá hạn chế của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài, từ đó phát triển môt chiến lược rõ ràng để nền kinh tế có thể cạnh tranh khi yếu tố cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ không còn nữa./.