Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu xây dựng Tiền Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển kinh tế - xã hội mạnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long , là một cực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là một đầu mối phát triển dịch vụ vận tải, du lịch của Vùng.

Cụ thể, tỉnh Tiền Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm thời kỳ 2016-2020 khoảng 9-10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người (giá thực tế) năm 2020 đạt khoảng 74-78 triệu đồng. Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 3% vào năm 2020, bình quân mỗi năm giảm khoảng 0,5%.

Theo Quyết định, Tiền Giang tiếp tục hình thành 5 đột phá chiến lược. Cụ thể, hình thành các cực tăng trưởng, vùng trọng điểm: Xây dựng các khu công nghiệp (KCN) tập trung ở các khu vực Đông Nam Tân Phước, Gò Công; khu vực phát triển công nghiệp xay xát lúa gạo, chế biến hàng nông sản ở khu vực Cái Bè – Cai Lậy... gắn với hệ thống các KCN tập trung của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và đầu tư phát triển có hiệu quả các cụm công nghiệp, góp phần tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.

Đây là bước đột phá quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.

Tỉnh sẽ hình thành các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng, đặc biệt là vành đai lương thực, thực phẩm, rau quả hàng hóa cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP. Hồ Chí Minh; nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sạch và an toàn... làm hạt nhân lan tỏa trong vùng Bắc sông Tiền về phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa, phát triển các đô thị trung tâm, đô thị ngoại vi và các điểm dân cư nông thôn nhằm tạo ra một bức tranh phân bố dân cư mới. Cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng TP. Mỹ Tho cho tương xứng với đô thị loại I - trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc sông Tiền; chỉnh trang, nâng cấp, phát triển thị xã Gò Công và thị xã Cai Lậy đạt đô thị loại III, các thị trấn; hình thành các khu dân cư, khu đô thị - dịch vụ mới gắn với các KCN tập trung ở khu vực Đông Nam Tân Phước, Gò Công; xây dựng hoàn chỉnh các cụm, tuyến dân cư trong vùng lũ.

Một đột phá chiến lược nữa của Tiền Giang là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ của Tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế./.