Năm 2014: Triển khai hơn 7.000 cuộc thanh tra

Dấu ấn nổi bật nhất của ngành Thanh tra năm 2014 chính là con số phát hiện và xử lý vi phạm tăng vượt bậc, như toàn ngành triển khai hơn 7.000 cuộc thanh tra; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tới 51.583 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với năm 2013; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính tới hơn 2.000 tập thể, gần 15.500 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý tới 55 vụ việc.

Để đạt được thành tựu này,theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh là do Thanh tra Chính phủ đã xây dựng định hướng kế hoạch tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, tập trung vào công tác quản lý kinh tế xã hội; vào quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; vào tài chính, tín dụng và đặc biệt là tập trung thanh tra trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng của công dân.

Nguyên nhân thứ hai là do ngành Thanh tra đã đổi mới công tác chỉ đạo điều hành, quy trình thủ tục và đồng thời làm thế nào để việc thực hiện kết luận thanh tra có hiệu quả.

“Vì vậy, trong năm 2014, ngoài việc xử lý, thu hồi tiền và tài sản về cho Nhà nước, chúng tôi đã chuyển sang cơ quan điều tra 55 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, người đứng đầu ngành Thanh tra cho biết.

Bên cạnh những thuận lợi, năm 2014, ngành Thanh tra cũng đang gặp những khó khăn nhất định.

Cụ thể là pháp luật về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng còn chưa được đầy đủ, hiệu lực chưa cao.

Thứ nữa, hệ thống tổ chức bộ máy chưa được chặt chẽ, đặc biệt về công tác cán bộ, bên cạnh đại đa số cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành có trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, qua rèn luyện tu dưỡng, nhưng còn một bộ phận chưa được rèn luyện tốt, đặc biệt là đào tạo nghiệp vụ chuyên sâu chưa được tinh thông, cho nên còn hạn chế nhất định trong hoạt động của ngành.

Ngoài ra, công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo là lĩnh vực nhạy cảm.

“Cho nên, chúng tôi xác định muốn làm tốt thì phải có sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân”, ông Tranh nhấn mạnh.

Sẽ đi sâu vào các lĩnh vực nhạy cảm

Trên cơ sở kết quả năm 2014, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2015, ngành Thanh tra sẽ tập trung thực hiện tốt định hướng kế hoạch thanh tra được Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng phê duyệt; đi sâu vào các lĩnh vực nhạy cảm, có khả năng dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt là tập trung thanh tra trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, cũng để bảo đảm phục vụ yêu cầu cho nhiệm vụ chính trị nói chung và phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp. Hạn chế các khiếu nại vượt cấp, đông người, phức tạp.

Về công tác phòng chống tham nhũng tập tung trước hết vào xây dựng thể chế, gắn công tác tuyên truyền và thực hiện giải pháp phòng ngừa, đặc biệt là phát hiện, xử lý tham nhũng; phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng, để xử lý các vụ tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng cho biết, mục tiêu của năm 2015, phải thực hiện đạt cho được mục tiêu thu hồi tiền, tài sản của Nhà nước đạt từ 70% trở lên.

“Muốn đạt được mục tiêu này thì phải nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra, quan tâm xử lý sau thanh tra. Làm sao có chế tài thật mạnh, thật hiệu quả, để đối tượng được thanh tra phải chấp hành. Nếu thực hiện tốt như vậy thì một mặt, sẽ giữ nghiêm pháp luật, mặt khác, thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, nhân dân ngày càng nhiều hơn”, ông Tranh chia sẻ.

Người đứng đầu ngành Thanh tra cũng cho biết, hiện đang xây dựng một Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành về xử lý sau thanh tra; đưa vào những chế tài thật mạnh, theo Luật Thanh tra./.