Ở các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Nhi, chuyện ghép giường là phổ biến

Giảm tải 30%... vẫn chưa thấm vào đâu

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 2 năm triển khai Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020, với việc tăng thêm gần 39.000 giường bệnh, trong đó có trên 15.000 giường từ các bệnh viện xây mới; thực hiện các nỗ lực chuyển giao kỹ thuật cao và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh viện tuyến dưới….đã góp phần giảm quá tải bệnh viện hơn 30%, nhất là ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Tuy nhiên, đây vẫn là những kết quả bước đầu, khi mà tình trạng vẫn quá tải vẫn đang xảy ra ở nhiều bệnh viện, nhất là ở những bệnh viện lớn.

Theo số liệu công bố của Bộ Y tế trong buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội đầu tháng 3/2015 cho thấy, tại một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội vẫn đang quá tải cục bộ. Cụ thể là, Bệnh viện Xanh Pôn 127%, Ung Bướu 144,1%, Tim 134,1%, Đông Anh 128,5%, Thanh Nhàn 109,5%; và tập trung tại một số chuyên khoa như khoa Nhi – Bệnh viện Đức Giang 265%, khoa Nghề nghiệp- BV Thanh Nhàn 192,4%, khoa Ung Bướu 180,6%, Ngoại Thận Tiết niệu 178,1%...; khoa Sơ sinh- Bệnh viện Đống Đa 175,2%, khoa Tiết niệu (173,7%); khoa Hậu sản thường - Bệnh viện Phụ sản 186,8%, khoa Sản bệnh lý 176%.

Trong các bệnh viện tuyến cuối ở khu vực phía nam, Chợ Rẫy là bệnh viện hạng đặc biệt, đảm nhận công tác khám chữa bệnh cao nhất của Bộ Y tế tại khu vực này. Đây là một trong những bệnh viện có tỷ lệ quá tải cao nhất nước với tỷ lệ lên đến 134%. Mỗi ngày bệnh viện này phải khám và điều trị cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân, trong đó có 30% là bệnh nhân vượt tuyến bảo hiểm y tế. Theo thiết kế, bệnh viện chỉ có thể đáp ứng 1.800 giường bệnh, nhưng hiện tại đã phải tăng lên 2.400 giường.

Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh, với mô hình viện - trường lớn nhất cả nước, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khám ngoại trú cho khoảng 5.500 lượt bệnh nhân vào đầu tuần và 4.800 - 5.000 lượt vào cuối tuần. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân thanh toán thẻ bảo hiểm y tế chỉ chiếm khoảng 20%. Số lượng bệnh nhân các tỉnh, thành khu vực phía nam đổ về khám ngoại trú tại bệnh viện này khá đông, chiếm đến 80%.

Để giảm tải tại khoa khám bệnh, bệnh viện đã triển khai và đưa vào sử dụng cơ sở mới khang trang hơn, nâng số bàn khám từ 41 bàn lên 68 bàn, tăng giờ khám từ 6 giờ sáng, triển khai một số giải pháp như: ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, sử dụng bệnh án điện tử, xây dựng hệ thống chuyển mẫu tự động, sử dụng thẻ khám bệnh có mã vạch, thư ký y khoa... nhưng tình trạng quá tải chưa giảm đáng kể.

Năm 2015 có còn nằm ghép?

Theo lộ trình đến năm 2020 của Đề án Giảm quá tải bệnh viện, thì năm 2015 khắc phục được tình trạng nằm ghép giường. Để hoàn thành mục tiêu, Bộ Y tế đã khuyến khich 34 bệnh viện trung ương ký cam kết không để xảy ra tình trạng nằm ghép giường. Tuy nhiên, từ việc cam kết đến thực tiễn có rất nhiều câu chuyện đáng bàn.

Có thể kể đến vụ việc mới đây, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai, khẩn trương xác minh thông tin cho rằng do thực hiện “Cam kết không nằm ghép” nên một số bệnh viện đã cam kết phải từ chối nhận người bệnh, khiến người bệnh phải dồn đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai và nếu có tình trạng như vậy đề nghị Bệnh viện Bạch Mai nêu rõ tên những bệnh viện không thực hiện theo đúng quy chế chuyển tuyến của Bộ Y tế đã ban hành. Hay như PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Kế hoạch đăng ký là 300 giường nhưng hiện tại chúng tôi mới chỉ sắp xếp được 245 giường trên tổng diện tích gần 2.000m2. Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, bệnh viện phải kê thêm giường ra ngoài hành lang.

Điều này cho thấy, trên thực tế các bệnh viện vẫn còn khá khó khăn trong việc giảm quá tải hay nằm ghép. Để Đề án Giảm quá tải bệnh viện hoàn thành mục tiêu đề ra trước mắt là hết năm 2015 khắc phục được tình trạng nằm ghép cần có thêm nhiều giải pháp đột phá hơn nữa từ ngành Y tế./.