Điện, xăng cùng tăng giá là ngẫu nhiên

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Kiên trì điều hành giá theo thị trường - Nhìn từ giá xăng và giá điện” do Cổng thông tin điện từ Chính phủ tổ chức chiều 16/3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc điều chỉnh 2 mặt hàng xăng dầu, điện đã tính toán đến những tác động tới thị trường, nhất là chỉ số CPI trong tháng 3 và 4.

Giá điện đã chính thức tăng giá 7,5% vào ngày hôm nay 16/3 trong khi giá xăng RON 92 cũng đã được điều chỉnh tăng 1.610 đồng/lít vào ngày 11/3 vừa qua dẫn tới lo ngại, sự tăng giá gần như cùng lúc của 2 mặt hàng này sẽ ảnh hưởng, tác động đến mặt bằng giá cũng như chỉ số giá tiêu dùng thời gian tới đây.

Cụ thể, với giá điện, các thông số đầu vào do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo đã thay đổi khoảng 12,8% kể từ lần điều chỉnh tháng 8-2013 nhưng chỉ điều chỉnh tăng 7,5% do đã tính đến tác động CPI, các chỉ số tăng trưởng khác.

“Mức độ này là mức độ tương đối phù hợp với mặt bằng thị trường. Vừa qua EVN và Bộ Công Thương cũng đã công khai các chi phí cơ bản này để người dân giám sát”, ông Tuấn nhìn nhận.

Với giá xăng dầu, theo ông Tuấn, giá xăng dầu đã được điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới. Tháng 3 vừa qua, giá xăng dầu thế giới tăng đã tác động đến giá xăng dầu trong nước theo chiều hướng tăng.

“Do vậy, việc điều chỉnh giá điện và xăng dầu cùng lúc có thể là thời điểm trùng hợp ngẫu nhiên. Việc điều chỉnh 2 mặt hàng này đã tính toán đến những tác động tới thị trường, nhất là chỉ số CPI trong tháng 3 và 4”, ông Tuấn khẳng định.

Trước lo ngại về việc giá xăng dầu, điện cùng tăng kéo theo giá hàng hóa khác cũng điều chỉnh tăng theo, đặc biệt là việc tác động tới CPI, đại diện Cục Quản lý giá cho biết, Bộ Trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố theo dõi sát tình hình diễn biến giá cả một số mặt hàng; một số mặt hàng thiết yếu biến động tăng thì có tham mưu đề xuất điều chỉnh giá theo quy định pháp luật; kiểm tra kiểm soát chặt chẽ các phương án kê khai giá, kiên quyết không cho điều chỉnh giá tăng theo giá điện, xăng dầu...

Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chức năng và doanh nghiệp có ảnh hưởng tới đợt tăng giá điện và xăng dầu tăng cao năng xuất tiết giảm tác động tăng gía điện và xăng dầu; Đồng thời, kiểm soát chặt kê khai giá các mặt hàng còn nhà nước kiểm soát, kiên quyết không cho điều chỉnh tăng theo, rà soát yếu tố đầu vào. Việc thanh kiểm tra về giá cũng được tăng cường để xử lý các trường hợp tăng bất hợp lý.

Nói về khả năng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu về 20% ông Tuấn cho biết, phải xét bài toán tổng hợp, do việc cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do nên cùng mặt hàng xăng dầu có nhiều thuế nhập khẩu khác nhau, gây rủi ro cho ngân sách do đó, giảm cụ thể tỷ lệ bao nhiêu thì phải tính trên bài toán tổng thể chứ không thể tăng cái này thì phải giảm ngay cái kia.

“Tuy nhiên, việc điều chỉnh thuế môi trường đối với mặt hàng xăng vừa qua lên mức 300% là hợp lý để tránh bất lợi cho nền kinh tế”, ông Anh Tuấn khẳng định.

Điện, xăng đều tiến tới cơ chế thị trường

Trước ý kiến về việc giá điện và xăng cùng "bắt tay" điều chỉnh, tại buổi tọa đàm, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) lý giải, theo Nghị định 83/CP, giá xăng dầu hiện đã vận hành theo cơ chế thị trường do vậy nếu tính đúng thì dịp trong và sau tết Nguyên Đán Ất Mùi, giá xăng có thể tăng tổng cộng là 3.500 đồng/lít.

Tuy nhiên, để tránh cú sốc, liên bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng Quỹ bình ổn nhằm chia sẻ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Nói rõ thêm, theo ông Quyền, từ tháng 7/2014 giá xăng dầu đã có 14 lần giảm giá (mức giảm trên 10.000 đồng/lít, khoảng 40%) trong khi mức tăng vừa rồi chỉ là 10%, việc tác động đến sản xuất cũng không quá tiêu cực.

"Việc tăng giảm cần nhìn trong một chu kỳ dài, làm sao điều chỉnh không sốc, nhưng theo tín hiệu thị trường," ông Quyền cho hay. Ông Quyền cũng nhấn mạnh, trong trường hợp cần thiết, nhà nước sẽ có những biện pháp để cân đối cung cầu, tránh tình trạng tăng giá tâm lý.

Làm rõ thêm, đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện giá điện vẫn chỉ tiệm cận giá thị trường, nếu tính đúng và đủ các chi phí đầu vào như: Lỗ tỷ giá, chi phí phát điện thì các khoản lỗ EVN vẫn còn "treo" và phải một thời gian dài mới bù đắp hết.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định, hiện nhà nước vẫn chi ngân sách cho các hộ nghèo dùng dưới 30 kWh, cụ thể với giá điện áp dụng cho mức 50 kWh đầu hiện nay thì ngân sách sẽ bố trí 153 tỷ đồng/năm cho các hộ nghèo nhằm giảm bớt khó khăn.

"Cơ quan nhà nước sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra giá cả hàng hóa, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá, không cho phép điều chỉnh kiểu "té nước theo mưa"," lãnh đạo Cục Quản lý giá nhấn mạnh.

Cần một cuộc “đại phẫu thuật”

Phát biểu trong cuộc tọa đàm nói trên, đứng về góc độ chuyên gia kinh tế, ông Ngô Trí Long cho rằng, cần một cuộc đại phẫu thuật để minh bạch giá xăng, điện mỗi khi tăng, giảm để người dân có thể đồng thuận.

Lý giải điều này, PGS, TS. Ngô Trí Long cho rằng, từ 2007 đến nay, nước ta đã tăng giá điện nhiều lần, đặc biệt lần này tăng biên độ lớn nhất so với 4 lần trước đó. Thực tế, người tiêu dùng không phải không chia sẻ khó khăn với ngành điện mà là chưa thấy sự minh bạch về giá cả nên chưa đồng thuận.
Tăng giá điện tác động mạnh đến sản xuất, tiêu dùng.

Theo ông Long, đây chính là bất cập lớn nhất, vì vậy, muốn có sự đồng thuận của người dân, cần có minh bạch giá cả. Để minh bạch giá xăng, điện và có được sự đồng thuận từ người dân mỗi khi điều chỉnh giá, “cần cuộc đại phẫu thuật về giá do cơ quan chức năng chuyên môn, chuyên gia độc lập thực hiện. Còn hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước nói về minh bạch giá điện, xăng vẫn chưa thực sự đứng ở vị thế trung gian”.

Ông Long cũng nói thêm, qua kết quả kiểm toán đã công bố đợt tháng 7/2014 cho thấy, ngành điện làm ăn không hiệu quả khi đầu tư ngoài ngành, năng suất lao động kém... Các khoản lỗ này do chủ quan điều hành tạo ra, tức là do quản trị kém. Nhưng khoản lỗ đó lại tính vào giá điện và đổ cả lên đầu người tiêu dùng gánh./.