Hôm nay, ngày 22/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã ký hành Công văn số 1890/UBND-TH, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố.

Mặc dù đánh giá cao hành động quyết liệt của Chủ tịch Thành phố, song câu chuyện chặt hạ cây xanh đã cho thấy một khoảng trống khá rộng giữa người dân và các vị lãnh đạo, sự không hiểu nhau và mất niềm tin giữa hai bên trong cuộc đối thoại tìm ra quyết sách vì sự phát triển chung của Hà Nội.

Hàng loạt cây xanh bị đốn hạ và một đề án sơ sài

Có thể thấy, việc chặt cây xanh ở Hà Nội bắt đầu từ cuối năm 2014, phố Nguyễn Trãi được xem là nơi bị chặt hạ nhiều nhất. Lúc đầu chặt cây gần nút giao thông Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết việc chặt hạ cây xanh tại khu vực này nhằm thuận tiện cho việc thi công hầm chui Thanh Xuân.

sau khi hàng chục cây xà cừ cổ thụ 2 bên hành lang bị chặt hạ, phía Thành phố lại tiếp tục ra thông báo chặt toàn bộ cây ở 2 bên dải phân cách cứng (làn dành cho xe buýt và làn dành cho xe hỗn hợp). Ngay sau khi có thông báo, việc chặt hạ được diễn ra rất nhanh chóng.

Chung số phận với đường Nguyễn Trãi, đường Trần Phú (Hà Đông) cũng bị chặt hạ hoàn toàn hơn 100 gốc xà cừ cổ thụ có tuổi đời mấy chục năm. Giờ đây, khi các đơn vị liên quan đã chặt hạ xong cây trên tuyến đường này.

Sau đó, rất nhiều cây xanh tại các tuyến phố khác như: Kim Mã, Nguyễn Thái Học... cũng bị chặt hạ, thay thế.

Còn tại đường Nguyễn Chí Thanh, 381 cây trên tuyến đường này cũng bị chặt hạ và thay thế bằng cây Vàng tâm chỉ trong 2 ngày 9-10/3.

Báo cáo tại cuộc họp ở UBND TP.Hà Nội ngày 19/3, Giám đốc Sở Xây dựng - ông Lê Văn Dục cho biết, kế hoạch thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn thành phố Hà Nội nằm trong khuôn khổ đề án và chương trình chỉnh trang đô thị của Sở Xây dựng Hà Nội đã được UBND Thành phố phê duyệt và cho tiến hành triển khai trong thời gian vừa qua.

Phố Nguyễn Chí Thanh là tuyến đầu tiên thực hiện thay thế cây theo đề án đã được UBND Thành phố phê duyệt.

“Đường Nguyễn Chí Thanh có 381 cây bóng mát thuộc 15 loài, trong đó chiếm số nhiều là cây hoa sữa với 228 cây, keo có 81 cây, số còn lại thuộc 13 loài khác nhau. Do sự thiếu đồng bộ này nên Sở Xây dựng đề xuất thay thế toàn bộ số cây này bằng cây vàng tâm và TP. Hà Nội đã chấp thuận”, ông Dục nói.

Theo Đề án thay thế cây xanh của Sở Xây dựng thực hiện từ tháng 9/2013, trong đợt cải tạo sẽ chặt hạ những cây không đúng chủng loại cây xanh đô thị, sai quy hoạch, nghiêng, cong xấu, cản trở giao thông; trồng lại cây thay thế theo loài cây chủ đạo của tuyến phố; bó vỉa gốc cây; hoàn trả vỉa hè; phát triển cây xanh tầm thấp trên dải phân cách, đảo giao thông, trụ cầu, gầm cầu…

Tiêu chuẩn cây trồng thay thế được Sở Xây dựng đưa ra có chiều cao từ 6-8 m, đường kính thân cây (tại vị trí 1,3 m tính từ mặt đất) tối thiểu 10 cm. Cây được trồng thay thế phải thẳng, phân cành cao, dáng cân đối, không sâu bệnh, có hoa đẹp, chịu được thời tiết khắc nghiệt, ít rụng lá trơ cành, xanh tốt quanh năm. Tuyến phố dài 2 km chỉ trồng một loại cây, có thể trồng 2 loại cây nếu đường dài trên 2 km. Cây trồng thành hàng khoảng cách từ 5-10 m…

Qua khảo sát 45.738 cây trên 470 tuyến phố tại 10 quận, sẽ thay thế 6.708 cây/190 tuyến phố với đơn giá 10 triệu đồng/cây, tổng dự toán hơn 73 tỷ đồng lấy từ ngân sách. Trong đó, chi phí khảo sát hết 1 tỷ đồng, chặt hạ, thay thế cây mới, hoàn trả vỉa hè hết hơn 67 tỷ đồng, đánh mã số cây hết 4,5 tỷ đồng.

Các quận có nhiều cây được thay thế nhất là Ba Đình, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Thanh Xuân, ít nhất là các quận Long Biên, Tây Hồ, Hà Đông.

Ông Dục báo cáo, công tác chặt hạ, thay thế cây xanh đã và đang được triển khai đồng loạt trên 9 tuyến phố, khoảng gần 500 cây xanh đã bị chặt hạ, đào tận gốc để chuẩn bị trồng cây mới vào.

Có 8 đơn vị tham gia xã hội hóa là Công ty TNHH MTV vườn thú Hà Nội, công viên Thống nhất, Công ty cơ điện công trình, Công ty đầu tư và phát triển nông nghiệp, Công ty dịch vụ nhà ở và khu đô thị, Công ty CP Bình Minh Thăng Long, Công ty CP cây cảnh Nam Điền, Công ty CP môi trường cây xanh đô thị VPT.

Ông Dục cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ đốc thúc các đơn vị được cấp phép xã hội hóa thay thế cây xanh trên các tuyến khác như Láng Hạ, Giảng Võ, Trần Nhân Tông, Ngô Thì Nhậm, Trần Hưng Đạo... “Tất cả đều phải hoàn thành trong quý 1 năm nay”, ông Dục nói.

Hàng cây trên tuyền đường Nguyễn Chí Thanh nhanh chóng bị chặt ha/ Ảnh: thanhnien.com

Song, điều đáng nói là, để thuyết minh cho việc chặt hạ 6.700 cây ở Hà Nội, Sở Xây dựng chỉ đưa ra một bản đề án dài… 23 trang.

Phát biểu trên báo Thanh niên online, ngày 19/03, KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận xét: “đề án thiếu tính chuyên nghiệp, rất sơ sài”.

“Những dự án tác động đến cộng đồng đông đảo như vậy phải có hồ sơ đàng hoàng. Chặt một lúc mấy nghìn cây xanh như thế này, ai chả đau xót. Một năm trồng lại được bao nhiêu cây? Trồng lại được thì bao nhiêu năm sau mới có bóng mát trở lại?”, ông Ánh đặt câu hỏi.

Cũng theo ông Ánh, ít nhất trong đề án đưa ra, phải có bản đồ xác định vị trí từng cây chứ không thể “thống kê chung chung như vậy”. “Phải nói rõ cây được trồng, chăm sóc như thế nào, đó chính là hồ sơ quản lý từng cây xanh.

Trước khi thực hiện, cần công khai những tài liệu này để người dân cùng biết cùng khảo sát, chứ không thể đùng đùng lên danh sách rồi cho người đến chặt”, ông Ánh thẳng thắn.

Sự phản ứng mãnh liệt của người dân

Trước hành động ồ ạt chặt cây trên đường Nguyễn Chí Thanh của Hà Nội (trong kế hoạch thay 6.700 cây trong năm nay), rất nhiều người dân cảm thấy tiếc nuối và tỏ thái độ phản ứng.

Nhiều người gửi ý kiến phản đối, gửi thư ngỏ, lập diễn đàn trên mạng để mong bảo vệ được những hàng cây cổ thụ đã gắn bó với đời sống đô thị của mình qua bao thế hệ.

Đến cuối ngày 18/3, điểm qua một số trang cá nhân, một số fanpage trên mạng xã hội, số người không ủng hộ việc thay thế số lượng lớn cây lâu năm ở các quận nội thành Hà Nội đã lên tới con số hàng vạn. Chỉ riêng fanpage “6.700 người vì 6.700 cây xanh” để vận động 6.700 người phản đối kế hoạch trên đã lên gần 20.000 người tham gia.

Người dân đã tự dán lên cây những tờ giấy mang hàng chữ "Tôi là một cái cây khỏe mạnh. Xin đừng chặt tôi". Những câu cảm thán đau lòng đã cho thấy, người dân rất quan tâm đến môi trường, đến cây xanh của thành phố.

Còn trong thư ngỏ gửi UBND TP.Hà Nội, ông Trần Đăng Tuấn, Phó chủ tịch hội Truyền thông số Việt Nam, có nêu yêu cầu cần hỏi ý dân và các nhà khoa học trước khi đốn hạ và thay thế những hàng cây cổ thụ của Hà Nội. Ông cho rằng, việc các nhà quản lý chưa công bố tính khoa học và sự cần thiết phải thay thế các hàng cây cổ thụ là chưa thỏa đáng với người dân.

Với lập luận cần phải thay thế các loại cây xanh thiếu thẩm mỹ hay thiếu an toàn của các cơ quan quản lý, thì nhiều ý kiến từ các cộng đồng mạng cho rằng đó, chỉ là sự yếu kém trong việc trồng và bảo dưỡng cây xanh.

Việc mỗi một đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM có cả một công ty công viên cây xanh lớn với nguồn kinh phí nhà nước khá dồi dào chính là việc thực hiện công tác bảo quản và nhân rộng hơn lên những mảng xanh mang tính đặc thù của đô thị chứ không phải là việc đốn hạ đi hay “đồng bộ hóa” những mảng xanh này.

Và, câu trả lời của lãnh đạo TP. Hà Nội

Chiều 18/3, trước sức ép của dư luận, UBND TP.Hà Nội có văn bản gửi Sở Xây dựng yêu cầu rà soát lại việc chặt hạ, thay thế cây xanh trên địa bàn. Công văn của UBND TP.Hà Nội nêu rõ Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo việc rà soát cải tạo, thay thế một số cây xanh trên địa bàn, đảm bảo theo đúng quy hoạch và yêu cầu quản lý, phát triển đô thị. Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương, các cơ quan báo chí, thông tin công khai, đầy đủ, tạo đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố.

Tại buổi họp cuộc họp thường kỳ của UBND TP.Hà Nội, sáng ngày 19/3, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo đã phê bình việc chặt hạ và thay thế cây xanh của các đơn vị đang triển khai.

Sang chiều ngày 20/3, Lãnh đạo TP. Hà Nội đã tổ chức cuộc họp báo về vấn đề này. Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, chủ trương thay thế cây xanh ở Hà Nội là đúng, tuy nhiên có một số sai lầm, như việc các đơn vị tổ chức thực hiện thiếu thông tin minh bạch và “có sự nôn nóng của các nhà tài trợ”.

"Chúng tôi sẽ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xin hứa từ nay trở đi, trong mỗi quyết sách được ban hành sẽ thận trọng lắng nghe, cầu thị tất cả ý kiến người dân, nhà khoa học, hội nghề nghiệp xã hội”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, tại cuộc họp, có tới 21 nhà báo, phóng viên của các báo Trung ương và Hà Nội đặt hàng loạt câu hỏi về chủ trương chặt hạ cây xanh nhưng không nhận được câu trả lời cụ thể nào từ ông Hùng.

Cùng ngày 20/3, Thành ủy Hà Nội có công văn số 932-CV/TU về việc chỉ đạo, kiểm tra, rà soát công tác thay thế cây xanh đô thị.

Công văn nêu rõ, thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều tin, bài phản ảnh ý kiến của nhân dân về việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn Thành phố.

Văn bản nêu rõ, “với tinh thần cầu thị, vừa qua, đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan rà soát việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn và trả lời kiến nghị của công dân”.

Vì thế, “để việc cải tạo, thay thế cũng như trồng mới cây xanh đáp ứng đúng mục tiêu xây dựng Thủ đô "Xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại", đảm bảo cải thiện môi trường và sự an toàn cho nhân dân, đồng thời, phải tạo được đồng thuận trong xã hội, Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo tạm dừng việc triển khai thực hiện thay thế cây xanh để lắng nghe, tiếp thu ý kiến góp ý của nhân dân. Khẩn trương chỉ đạo tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại tất cả các khâu, các tiêu chí cũng như biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện trong việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị thời gian qua. Kịp thời điều chỉnh biện pháp, cách làm không phù hợp; khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Đảm bảo việc cải tạo, thay thế cây xanh theo đúng quy định, hạn chế đến mức thấp nhất việc loại bỏ, thay thế các cây đã trồng”, văn bản chỉ rõ.

Sau văn bản của Thành ủy, hôm nay, ngày 22/3, UBND TP. Hà Nội ban hành Công văn số 1890/UBND-TH, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm, thanh tra toàn diện việc thay thế cây xanh trên một số tuyến phố.

Công văn nêu rõ, ngày 22/3/2015, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo chủ trì cuộc họp tiếp tục chỉ đạo việc thực hiện kết luận của Chủ tịch tại Thông báo số 40/TB-UBND, ngày 20/3/2015 về việc thực hiện Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị trên địa bàn.

Chủ tịch UBND Thành phố kết luận: Thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành tiến hành thanh tra toàn diện việc thực hiện thay thế cây xanh trên một số tuyến phố thời gian qua. Giao Chánh Thanh tra thành phố chủ trì; thành viên Đoàn gồm: đại diện lãnh đạo các cơ quan: Công an thành phố, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, mới đại diện lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy tham gia đoàn.

Thời gian chậm nhất trong 30 ngày, báo cáo kết quả để UBND Thành phố xem xét quyết định.

Chủ tịch Thành phố cũng yêu cầu, Giám đốc Sở Xây dựng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cá nhân theo chỉ đạo tại Thông báo kết luận ngày 20/3/2015; đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm Phó Giám đốc phụ trách trực tiếp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng, Phó trưởng phòng, cán bộ công chức liên quan trực tiếp trong việc thực hiện nhiệm vụ trên để phục vụ công tác thanh tra.

Vĩ thanh

Thực ra, việc chặt hạ, thay thế, trồng mới những loại cây chưa thật phù hợp, cây có bệnh có khả năng gây nguy hiểm cho con người là rất cần thiết. Vì thế chủ trương quy hoạch, trồng mới và loại bỏ những loài nào chưa thật phù hợp của Thành phố quả không sai.

Nhưng, thật đáng tiếc, cách làm và cách hành xử của lãnh đạo Hà Nội lại có vẻ chậm chạp và chưa khéo đã tạo luồng phản ứng tiêu cực của dư luận.

Đây cũng là bài học về lối ứng xử và đối thoại giữa người dân và lãnh đạo Hà Nội nói riêng, cơ quan công quyền cả nước nói chung trong việc tạo sự đồng thuận của xã hội đối với bất cứ quyết sách nào, dù rất nhỏ của cơ quan công quyền./.