Những quyển sách sai lỗi chính tả này vẫn đang được bày bán công khai tại các hiệu sách

Những hạt sạn…

Có thể dễ dàng để bắt gặp các lỗi chính tả trong các bộ sách giáo khoa hiện hành, như: trong Cuốn sách “Chuẩn bị cho bé vào lớp một – Làm quen với chữ cái” của Nhà xuất bản Mỹ thuật với nhiều lỗi sai nghiêm trọng như "con ngựa" thành "quả ngựa", "thùng rác" thành "thùng giác"; trong bài thơ “Lượm” của Tố Hữu ở sách tiếng Việt lớp 2 - tập 2 có câu thơ: “Lúa trổ đòng đòng” được viết dấu ngã (~) thay vì sử dụng đúng phải là dấu hỏi (?). Tệ hại là, trước bài thơ “Lượm”, học sinh đang được học về dấu hỏi, ngã. Nhưng chính sách giáo khoa lại sai sót về dấu.

Theo số liệu từ Cục Xuất bản – Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2014 có 399 xuất bản phẩm vi phạm đã bị xử lý (tăng 57% so với năm 2013).

Không chỉ gặp những lỗi chính tả, mà sách còn vấp lỗi sai nội dung. Hai cuốn sách Hướng dẫn học Tiếng Việt và Tiếng Việt lớp 5 có đoạn văn “lạ” về sự tích Thánh Gióng “Thánh Gióng sau khi đánh giặc bị thương nặng, vẫn còn ăn một bữa cơm rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm...”; trong sách Bài tập nâng cao từ và câu lớp 3 ghi rõ “thủ đô của Hoa Kỳ là New York”; hay trong Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh lý giải "tiết hạnh" là “hạnh kiểm còn trong trắng”.

Lỗi từ đâu?

Trước tiên, phải xác định rằng Luật Xuất bản hiện hành không hề có quy định đâu là sách giáo khoa, đâu là sách tham khảo, đâu là sách phục vụ học tập, cũng như sách phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng?

Luật Xuất bản chỉ quy định đó là xuất bản phẩm, có những nội dung phục vụ các đối tượng cụ thể. Đối với sách giáo khoa, đương nhiên phải tuân thủ theo chương trình giáo dục đã được Quốc hội phê chuẩn. Còn sách tham khảo thì có rất nhiều loại, như: tham khảo theo chương trình sách giáo khoa phổ thông, sách tham khảo nâng cao, sách tham khảo dành cho giáo viên…

Khi chưa có chuẩn nào quy định rõ quy trình xuất bản sách giáo khoa với sách tham khảo, sách phục vụ học tập..., thì sẽ rất khó trong khâu kiểm duyệt.

Theo quy định của Luật Xuất bản, các giám đốc nhà xuất bản và tổng biên tập nhà xuất bản chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung xuất bản phẩm, do nhà xuất bản thực hiện, chịu trách nhiệm trước xã hội cũng như trước pháp luật về sản phẩm của mình đưa ra. Biên tập viên nhà xuất bản biên tập ấn phẩm nào thì chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung ấn phẩm đó. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước lại chịu trách nhiệm hậu kiểm.

Việc bất cập, lỏng lẻo trong khâu quản lý về bản thảo, cấp phép xuất bản được cho là nguyên nhân chính của những sai phạm trên. Tình trạng lỗi sai trong công tác biên tập của các nhà xuất bản diễn ra ngày càng tràn lan, nhiều chuyên gia trong Ngành nhận định nguyên nhân chủ yếu là do ngành xuất bản đang bị… lỗi hệ thống.

Dù lỗi ở khâu nào đi nữa, vấn đề là những cuốn sách đó đã được phát hành rộng rãi trên thị trường, tới tay hàng ngàn học sinh – những trẻ em đang trong giai đoạn phát triển, hình thành và hoàn thiện nhân cách. Chịu hậu quả về những “hạt sạn” đó không ai khác chính là các em.

Thiết nghĩ, việc kinh phí để in ra một bộ sách giáo khoa cũng rất quan trọng, nhưng nội dung, chất lượng bộ sách đó như thế nào khi đến tay những người học mới thực sự là điều đáng bàn hiện nay./.