Chuyên gia của ADB tại họp báo

Kinh tế nhiều triển vọng

Theo Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2015 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đưa ra ngày 24/3/2014, tình hình kinh tế được cải thiện ở những nền kinh tế lớn – đặc biệt là Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam – sẽ tạo động lực cho xuất khẩu, song tác động tích cực này sẽ một phần bị ảnh hưởng ngược lại do tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc. Xuất khẩu sản xuất chế tác sẽ tiếp tục gia tăng, do 76% số vốn FDI giải ngân trong năm ngoái đều hướng vào hoạt động sản xuất chế tác.

Các nhân tố yểm trợ cho tiêu dùng cá nhân bao gồm gia tăng việc làm, lạm phát thấp và tăng lượng kiều hối, đạt gần 10 tỉ USD vào năm ngoái. Trong tháng 1/2015, ngay trước Tết, doanh số bán lẻ đã tăng 13% theo giá trị danh nghĩa.

Lạm phát giảm, xếp hạng tín nhiệm tăng, triển vọng xuất khẩu hàng hóa chế tác đầy hứa hẹn là các yếu tố cải thiện triển vọng đầu tư. Ngân hàng trung ước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 13-15%, cao hơn một chút so với kết quả ước đạt của năm trước. Các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản sẽ được nới lỏng từ tháng 7/2015, điều này sẽ hỗ trợ cho các biện pháp khác của chính phủ nhằm thu hút đầu tư trở lại với thị trường bất động sản.

Giá dầu thế giới hạ trong năm 2014 là một động thái tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù Việt Nam sản xuất khoảng 350.000 thùng dầu/ngày và là nước xuất khẩu ròng dầu thô, song Việt Nam cũng là nước nhập khẩu ròng các sản phẩm dầu lửa tinh luyện. Giá nhiên liệu giảm góp phần làm tăng thu nhập khả dụng của hộ gia đình, kích thích tiêu dùng, và giảm chi phí cho nhiều doanh nghiệp, giúp cải thiện lợi nhuận và đầu tư. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia ước tính tiết kiệm chi phí sản xuất trong nước có thể đạt 3% trong năm nay. Giá dầu giảm cũng làm cho thu ngân sách của chính phủ bị ảnh hưởng, song chính sách tài khóa sẽ vẫn tiếp tục theo hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cần tiếp tục cải cách

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Tomoyuki Kimura nhận định, dù tình hình kinh tế của Việt Nam được cải thiện, song cần tiếp tục có những cải cách về cơ cấu nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu để nền kinh tế khai thác được tối đa tiềm năng tăng trưởng.

“Để tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cần nỗ lực tăng cường sự phối hợp liên ngành, đặc biệt là trong quá trình xây dựng và thực hiện các chính sách dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường tham vấn rộng rãi với khu vực tư nhân còn giúp xác định các vướng mắc hạn chế sự kết nối với mạng lưới sản xuất. Cùng với đó, cần có các chiến lược cho từng ngành để hỗ trợ thành lập các cụm công nghiệp và tạo quy mô kinh tế”, ông Kimura nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế quốc gia ADB thuộc Cơ quan thường trú tại Việt Nam Dominic Mellor lưu ý rằng, việc các DNNN chưa đủ minh bạch tài chính sẽ vẫn rủi ro cao trước các cú sốc. Quan trọng là phải tìm kiếm đủ nhà đầu tư tham gia vào các đợt bán cổ phần của doanh nghiệp nhà nước. Muốn thu hút nhà đầu tư chiến lược lớn thì phải cải thiện năng lực quản trị và minh bạch thông tin tài chính.

Trong ngắn hạn, cần ưu tiên tăng cường tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và vạch ra chiến lược rõ ràng để giải quyết nợ xấu. Tốc độ tăng trưởng về lâu dài phụ thuộc vào khả năng cải cách cơ cấu sâu rộng hơn của Việt Nam, đặc biệt là hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập sâu rộng hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về vấn đề đang được dư luận quan tâm là tỷ giá, theo ông Dominic Mellor trước việc đồng USD tăng giá như hiện nay, Việt Nam phải cân nhắc tính cạnh tranh của mình. Để thu hút đầu tư, tỷ giá là một trong những yếu tố mặc dù không phải là yếu tố quyết định. Thực tế, Việt Nam được các nhà đầu tư lựa chọn vì nguồn nhân lực và môi trường chính trị ổn định./.