Áp lực lạm phát không phải là đã hết nếu không cân nhắc thời điểm tăng giá các mặt hàng thiết yếu

CPI Quý I/2015 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 năm 2015 tăng 0,15% so với tháng trước; tăng 0,93% so cùng kỳ năm trước; giảm 0,1% so với tháng 12 năm trước.

CPI bình quân quý I/2015 tăng 0,74% so cùng kỳ năm trước. CPI quý I năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây.

CPI tháng 1 và 2 đều có mức giảm, tháng 3 tăng nhẹ, CPI bình quân mỗi tháng trong quý I có mức giảm nhẹ 0,03%.

Bà Đỗ Bích Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, CPI Quý I/2015 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu.

Trong quý I giá xăng dầu được điều chỉnh giảm giá 3 đợt vào ngày 22/12/2014 và 06/01/2015; 21/01/2015 và tăng 01 đợt vào ngày 11/3/2015. Bình quân Quý I giá xăng dầu giảm 21,49% so với tháng 12 năm 2014, nên chỉ số giá nhóm giao thông trong 3 tháng đầu năm giảm 8,48% đóng góp 0,75% vào mức giảm chung của CPI so với cuối năm 2014.

Còn nguyên nhân khiến CPI tháng 3 tăng nhẹ do chu kỳ tính CPI của tháng 3 còn ảnh hưởng bởi nhu cầu của Tết Nguyên Đán, nên giá mặt hàng thực phẩm tăng cao.

Thêm vào đó là việc giá gas trong nước điều chỉnh tăng 5.000đ/bình 12kg từ ngày 1/3/2015; giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh tăng vào ngày 11/3/2015, mỗi lít xăng tăng 1.610đ/lít; dầu diezel tăng 710đ/lít.

“Theo chu kỳ tính CPI, giá xăng dầu tăng mới chỉ góp phần tăng CPI chung của tháng 3 khoảng 0,04%”, bà Ngọc cho biết.

Khả năng CPI tháng 4 tăng nhẹ

Dự báo về CPI tháng 4, bà Đỗ Bích Ngọc cho biết sẽ có mức tăng nhẹ do giá điện được điều chỉnh tăng 7,5% từ ngày 16/3/2015 (chu kỳ tính CPI tháng 3 đã kết thúc vào ngày 15/3/2015).

Ngoài các tác động trực tiếp có thể lượng hóa, e ngại đặt ra hiện nay còn là tâm lý tiêu dùng bị cộng hưởng.

Và nếu giá điện trước mắt tạm an bài, thì giá xăng dầu lại là ẩn số phía trước.

Ở góc độ khái quát hơn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm cho biết, CPI Quý I đang ở mức thấp góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra.

“Yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, nhưng những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát”, ông Lâm phân tích.

Vì vậy, theo ông Lâm, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường.

“Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lưu ý./.