Bà Maylis Labayle cho biết: “Nếu FTA giữa Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết thì sẽ khiến GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 15%, và tạo điều kiện cho hàng Việt Nam xuất sang EU nhiều hơn”. Cụ thể là, xuất khẩu của Việt Nam sang EU dự đoán sẽ tăng từ 30-40% và nhập khẩu từ EU tăng thêm khoảng 25-35%. EU sẽ xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao sang Việt Nam, còn phía Việt Nam là các mặt hàng truyền thống như da giày, gạo, cà phê…

Trong năm 2013, tổng giá trị thương mại hàng hóa giữa Việt Nam - EU đạt 27,6 tỷ Euro với 1.800 dự án FDI. Trong vòng 6 năm tới, EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thêm 400 triệu USD.

Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Với quan hệ thương mại 24 năm, hai bên đã ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác năm 2012. Cũng trong năm này, EVFTA bắt đầu khởi động. Vòng đàm phán EVFTA cuối cùng sẽ diễn ra vào tháng 10 tới và dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay.

Ông Tạ Hoàng Linh, Phó cục trưởng Cục xúc tiến thương mại nhấn mạnh, 28 quốc gia thành viên EU tiêu thụ gần 18% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày… EVFTA đang đi đến những chặng đường cuối cùng, sau khi ký kết thành công, ước tính 90% dòng sản phẩm của Việt được hưởng mức thuế 0%.

Lợi thế lớn của hàng xuất khẩu Việt Nam khi EVFTA được ký kết là sự chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ về về đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường EU sẽ tăng lên, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam tại thị trường này.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì EVFTA cũng đặt ra một số thách thức, đó là việc xuất khẩu sang thị trường EU phải tuân thủ tính minh bạch và đặt cao vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng thông qua nhiều biện pháp và chính sách bảo hộ.

Do vậy, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam phải tận dụng mọi cơ hội nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tuân thủ các quy định tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, hướng đến mở rộng các cơ hội thâm nhập vào thị trường này.

Cụ thể là phải chủ động cập nhật thông tin về quá trình đàm phán FTA, các quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi, xây dựng kế hoạch để có thể tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực. Đồng thời nắm vững các tiêu chuẩn kỹ thuật, thói quen tiêu dung của thị trường này để đảm bảo khi kết thúc đàm phán doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu./.