Cuộc Tọa đàm về sơ thảo các nghên cứu đầu vào của “Chương Đổi mới sáng tạo – động lực và nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững” – một phần của Báo cáo Việt Nam 2035 diễn ra ngày 16/4 được đánh giá là sôi nổi và rất có chất lượng.

Doanh nghiệp Việt Nam chưa có áp lực phải đổi mới sáng tạo

Tại buổi tọa đàm, Chuyên gia Phạm Chi Lan thẳng thắn, doanh nghiệp Việt Nam chưa có động lực đổi mới sáng tạo. Động lực đổi mới của doanh nghiệp thời gian qua, cũng như của Việt Nam, chỉ quan tâm tới con số tăng trưởng thay vì tăng trưởng phát triển.

Chính vì vậy, Việt Nam không chỉ thiếu các doanh nghiệp vừa, mà còn thiếu cả các doanh nghiệp lớn.

“Xem xét sự thành công của vài chục doanh nghiệp lớn thì thấy, họ “phất” nhờ bất động sản và quan hệ, chứ không doanh nghiệp nào phát triển bằng công nghệ”, bà Lan chua chát.

Đúng như nhận định của vị chuyên gia này, doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn thờ ơ với đổi mới sáng tạo.

Theo một khảo sát năm 2012 của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Ngân hàng Thế giới, chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp tham gia vào hoạt động hợp tác về đổi mới công nghệ với đối tác bên ngoài và chỉ có khoảng 1% hợp tác với các viện nghiên cứu và các trường đại học.

Còn thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ dành khoảng 0,4% doanh thu hàng năm cho công tác này trong khi đó tại Hàn Quốc, con số này chiếm 10% doanh thu của doanh nghiệp.

Do không chịu đầu tư đổi mới công nghệ, nên việc ứng dụng công nghệ thấp, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn đang thấp so với nhiều nước trong khu vực, như: Thái Lan, Indonesia, Singapore…

Hiện nay, ở nước ta trình độ công nghệ tiên tiến trong các doanh nghiệp chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Khối doanh nghiệp trong nước có trình độ công nghệ lạc hậu khá cao (chiếm 8,1% số doanh nghiệp được khảo sát so với con số 1,85% ở khối doanh nghiệp nước ngoài).

Đồng tình với ý kiến của chuyên gia Phạm Chi Lan, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cũng cho rằng, hình như chưa có áp lực nào bắt buộc doanh nghiệp phải đổi mới, sáng tạo. Đối với các viện, trường cũng thế, chưa có áp lực bắt họ phải đi tìm các nơi áp dụng kết quả nghiên cứu của mình.

Doanh nghiệp và trường đại học gần như là hai ốc đảo

Nhìn nhận rằng, đang có sự liên kết rất yếu giữa các tổ chức khoa học và doanh nghiệp, đặc biệt là việc gắn kết giữa trường đại học - doanh nghiệp, viện nghiên cứu - doanh nghiệp rất lỏng lẻo, ông Lê Đình Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa trường, viện - doanh nghiệp rất rời rạc và không ăn nhập với nhau”.

Đồng tình với ông Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long ví von: “Doanh nghiệp và trường đại học gần như là hai ốc đảo”.

Mặc dù lực lượng cán bộ nghiên cứu ở các trường đại học rất lớn, hiện nay có hơn 300 giáo sư, hơn 2.000 phó giáo sư, 9.562 tiến sĩ, 36.360 thạc sĩ, song họ rất thụ động trong nhiệm vụ nghiên cứu. Vì thế, Việt Nam cũng có rất ít bằng sáng chế.

heo báo cáo công bố của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) và Tổ chức INSEAD (The Business School for the World), Việt Nam xếp thứ 76 trong bảng xếp hạng bảng xếp hạng chỉ số sáng tạo toàn cầu với 141 nước.

Trong 5 năm (2006 - 2010), cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu Trí tuệ và chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng kí tại Mỹ, trung bình mỗi năm có một bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng kí tại đây.

Trong khi, nhìn sang các nước khu vực Đông Nam Á, thì Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế.

Ngay tại một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 bằng sáng chế.

Trình độ khoa học, công nghệ và sáng tạo của Việt Nam hiện thua kém nhiều so với các nước trong khu vực.

Nhà nước cũng chưa khẳng định được vai trò của mình

Một trong những nguyên nhân khiến đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang rất yếu kém là do, Nhà nước chưa khẳng định được vai trò kiến tạo của mình.

“Nếu trong một nền kinh tế không có động lực phát triển thực sự, thì không thể phát triển. Đã vậy, chính sách cũng không hề khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo, đổi mới”, chuyên gia Phạm Chi Lan thẳng thắn.

Theo thống kê, kinh phí chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển kinh doanh chỉ chiếm khoảng 2,8% ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu. Đây là con số rất nhỏ bé trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của cả nước.

Bên cạnh đó, nhận thức và thể chế hóa về đổi mới sáng tạo trong hệ thống quản lý nhà nước còn chậm, ít được quan tâm.

Khái niệm đổi mới sáng tạo lần đầu tiên đưa vào Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, nhưng chưa có quy định cụ thể.

“Trong thời gian dài, nước ta coi chính sách khoa học, công nghệ là chính sách đổi mới, sáng tạo, chỉ quan tâm đến khoa học, công nghệ, giáo dục – đào tạo ở các viện, trường, mà ít quan tâm đến đổi mới, sáng tạo ở doanh nghiệp. Chính sách R&D trong thời gian dài chỉ tập trung vào viện, trường, mà không tạo ra liên kết với doanh nghiệp làm hạn chế hiệu quả đầu tư của Nhà nước”, ông Tiến đánh giá.

Nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò nền tảng của Nhà nước trong hình thành, phát triển, điều phối, hỗ trợ hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia. Hậu quả là sự thiếu gắn kết giữa chính sách khoa học, công nghề và đổi mới sáng tạo với chính sách công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, thương mại và các ngành liên quan gây cản trợ đổi mới, sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo 2035: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Theo nhóm nghiên cứu trong Báo cáo Việt Nam 2035, đến năm 2035, khoa học, công nghệ và giáo dục đại học của Việt Nam sẽ đạt trình độ tiên tiến trong khu vực (ASEAN); khu vực doanh nghiệp được phát triển mạnh mẽ, liên kết chặt chẽ với khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong các hệ thống đổi mới sáng tạo năng động, hiệu quả, hoàn chỉnh. Đổi mới, sáng tạo trở thành động lực và nguồn lực cho sự phát triển nhanh, bền vững của quốc gia có thu nhập trung bình ở mức cao (khoảng 10.000-12.000 USD).

Nhằm hiện thực hóa khát vọng này, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp để trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới, sáng tạo. Theo đó, cần hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và hình thành các chuỗi giá trị nội địa; tìm kiếm cơ hội tham gia vào các khâu trình độ cao.

Cùng với đó, phải xây dựng và thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, tạo liên kết giữa doanh nghiệp với viện, trường.

Đặc biệt, cần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh mẽ khu vực tư nhân.

“Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật; nhanh chóng thể chế hóa các chính sách về đổi mới, sáng tạo và các hệ thống đổi mới, sáng tạo”, vị nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất.

Ở một góc độ khác, GS, TS. Trương Quang Học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cần có một thị trường khoa học, công nghệ đầy đủ để có thể giải quyết các vấn đề đang vướng mắc hiện nay.

“Khi đó, vai trò của Nhà nước trong cơ chế thị trường đầy đủ là gì? Cần bỏ sự can thiệp như hiện nay, thay vào đó là sự kiến tạo, tạo lập môi trường”, ông Học nói.

Còn bà Phạm Chi Lan thì đề xuất, nên chấm dứt dần việc Nhà nước đặt hàng các viện, trường để giảm sự trông chờ vào bầu sữa ngân sách.

“Còn sữa thì tất nhiên vẫn còn sự bấu víu của các viện”, bà Lan chỉ rõ.

Bên cạnh đó, theo bà Lan cần lưu ý đến việc chuẩn bị cho sự thất bại, vui vẻ với đón nhận sự thất bại.

Bởi, “đổi mới, sáng tạo không thể không thất bại”, bà Lan nhấn mạnh./.