Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, diễn ra sáng 21/4/2015.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, sau 3 năm triển khai, Nghị quyết số 13 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020” đã có những chuyển biến lớn từ nhận thức đến hành động trong phát triển kết cấu hạ tầng.

Nghị quyết 13 đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt và thực hiện nghiêm túc, nhất là xây dựng và hoàn thiện thể chế về phát triển kết cấu hạ tầng, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đã và đang rà soát, điều chỉnh, triển khai có hiệu nhiều đề án quy hoạch, cơ chế chính sách thuộc phạm vi quản lý của các ngành, địa phương, phù hợp lộ trình đề ra trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết gắn liền với mục tiêu nâng cao tính khả thi, đồng bộ và hiện đại.

Nhiều công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng được triển khai thực hiện theo hướng tập trung đầu tư, đảm bảo kết nối, nâng cao tính đồng bộ, năng lực kết cấu hạ tầng được nâng lên đáng kể.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Liên Khương - Đà Lạt, Hà Nội - Thái Nguyên hay Nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cùng nhiều các tuyến đường trục chính, cầu lớn, sân bay đã được hoàn thành…là các công trình giao thông điển hình quy mô lớn, không chỉ góp phần kết nối giữa các vùng miền trong cả nước mà còn kết nối với các quốc gia láng giềng và quốc tế.

Hàng loạt các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm khác như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Bến Lức - Long Thành, mở rộng quốc lộ 1 và cảng quốc tế Lạch Huyện...cũng đang đẩy nhanh tiến độ thi công, ưu tiên bố trí vốn đầu tư dứt điểm để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Cùng với các công trình giao thông quan trọng, trong 3 năm qua, nhiều dự án hạ tầng năng lượng, thủy lợi, công nghệ thông tin, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch và xây dựng nông thôn mới cũng được Chính phủ và chính quyền các địa phương tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước tạo diện mạo mới và nền tảng quan trọng, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả, sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển...

Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế cần điều chỉnh do một số văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu tính đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung. Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công các công trình.

Đặc biệt, “sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa cao, đặc biệt trong quản lý thực hiện quy hoạch, huy động vốn, giải quyết các vướng mắc phát sinh; công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều hạn chế…”, báo cáo chỉ rõ.

Nguồn vốn tư nhân đưa vào nền kinh tế đạt kỷ lục

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, toàn quốc đã huy động và sử dụng một khối lượng lớn nguồn vốn đầu tư xã hội với hiệu quả kinh tế ngày càng cao.

Chỉ tính riêng các dự án, công trình trọng điểm sử dụng vốn lớn (chưa kể ngành điện do số liệu thống kê chưa đấy đủ) đã thực hiện tổng lượng vốn khoảng 550.000 tỷ đồng, bằng khoảng 50% tổng nhu cầu vốn giai đọan 2011-2015.

Từ việc các công trình kết cấu hạ tầng đã từng bước được hiện đại và đảm bảo kết nối đồng bộ, đã không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, lãnh thổ trên cả nước mà còn tác động mạnh trong việc huy động được nguồn lực đáng kể từ doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, chính trong khó khăn đã mở ra hướng mới để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng, cũng như hiệu quả đầu tư.

“Tổng đầu tư toàn xã hội năm vừa qua đạt khoảng 30-31% GDP, thấp hơn so với những năm trước nhưng tăng trưởng kinh tế lại cao hơn. Trước đây đầu tư công chiếm tới 70% tổng đầu tư toàn xã hội, nhưng giờ chỉ còn một nửa” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn chứng và khẳng định với chủ trương đúng đắn, đã được kiểm nghiệm trong thực tế.

Còn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, người dân đã và đang dần chấp nhận xã hội hóa, chấp nhận trả chi phí cao hơn cho chất lượng hạ tầng và dịch vụ tốt hơn.

“Chưa một giai đoạn nào mà vốn xã hội, vốn tư nhân đưa vào nền kinh tế lớn như giai đoạn này. Nếu không xã hội hóa thì sẽ muôn đời dàn trải, muôn đời sức ép đè lên đầu tư công” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thẳng thắn.

Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì cho rằng, thời gian tới không chỉ huy động nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng, mà còn cần mạnh dạn bán, cho thuê các công trình mà Nhà nước đã đầu tư và đang quản lý.

“Đây là hướng mở cho 5 năm tới. Chắc chắn để tư nhân khai thác và quản lý sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Còn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:“Doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng chính là dân. Người dân làm tốt thì để cho người dân làm” .

Cần quy hoạch cho sát, cho chất lượng

Mặc dù thừa nhận những thành tích đạt được, song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ rõ: “Chúng ta hoàn toàn có thể làm tốt hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn, cũng như huy động nguồn lực xã hội nhiều hơn nữa để đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại trong thời gian tới”.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch hạ tầng.

“Chúng ta quản lý bằng quy hoạch, cái nào trái quy hoạch thì không cho, nhưng nếu quy hoạch trên trời thì không được, hoặc nếu quy hoạch không sát thực tế, thì tính khả thi sẽ không cao. Tất cả các lĩnh vực liên quan đến đầu tư kết cấu hạ tầng đều phải rà soát lại để làm sao để quy hoạch cho sát, cho chất lượng” - Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng yêu cầu các bộ liên quan rà soát, bổ sung hoàn thiện thể chế, thủ tục hành chính theo hướng: vừa quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, vừa nâng cao chất lượng công trình, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, vừa huy động tối đa các nguồn lực tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

“Thể chế, luật pháp cải tiến rất nhiều nhưng còn nhiều vướng mắc rồi chậm. Thí dụ huy động công - tư ban hành rồi, có Nghị định rồi nhưng bây giờ mấy Bộ còn nợ thông tư, không có thông tư thì thì làm sao làm? Tôi nói nhiệm vụ thứ nhất là phải rà soát hoàn thiện thể chế, thủ tục hành chính để công tác đầu tư này huy động được vốn nhiều hơn ngoài xã hội tham gia. Thứ hai là sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn vốn huy động được mà trước hết sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước, rồi làm sao chất lượng công trình tốt hơn, không để xảy ra tiêu cực…hoàn thiện thể chế theo hướng đó”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu, cần tiếp tục huy động mạnh mẽ cũng như khuyến khích người dân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư hạ tầng.

Cùng với đó, sẽ triển khai chính sách cho thuê, nhượng quyền quản lý khai thác hạ tầng hiện có mà Nhà nước đang quản lý nhằm tạo ra những nguồn tài chính mới để Nhà nước tiếp tục đầu tư; nâng cao chất lượng công trình và dịch vụ.

Thủ tướng giao nhiệm vụ choBộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng đề án về giải phóng mặt bằng; yêu cầu Bộ Giao thông vận tải xây dựng Đề án về cho thuê và nhượng quyền khai thác các công trình hạ tầng giao thông; đồng thời lưu ý các bộ, ngành, địa phương xây dựng và đưa ra danh mục các dự án để kêu gọi và huy động vốn từ khu vực tư nhân, nước ngoài với mọi hình thức.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm tính toán nguồn vốn đầu tư công từ 3 nguồn là ngân sách tập trung, trái phiếu Chính phủ và ODA trong 5 năm tới để xây dựng kế hoạch trung hạn; đồng thời các bộ, ngành, địa phương phải tập trung quản lý hết sức chặt chẽ đầu tư công”, Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, rào cản về thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng, nhất là thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

“Lựa chọn nhà đầu tư gì mà thủ tục mất 588 ngày. Như thế thì làm sao mà công nghiệp hóa - hiện đại hóa, làm sao mà nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính chúng ta đặt ra và chúng ta phải sửa. Chúng ta phải quản lý, nhưng cần phải cải cách cách thức quản lý, đảm bảo thông thoáng, thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng yêu cầu.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, tiếp thu các ý kiến để dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần tập trung tháo gỡ mạnh mẽ tất cả những khó khăn, vướng mắc; giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành nhằm tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ về xây dựng kết cấu hạ tầng - một trong những khâu đột phá chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước./.