Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đợt cao điểm lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã kết thúc. Mặc dù 3 tháng đó trùng dịp Tết Nguyên đán với ngày nghỉ kéo dài, nhưng có thể nói đây là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu rộng trong cả nước.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp đến ngày 22/4, đã có đến 6,5 triệu ý kiến của người dân tham gia góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự.

Báo cáo tổng hợp tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng cho hay, đa số ý kiến của người dân thu thập được đều đồng tình, đánh giá cao những nội dung mang tính đổi mới, cải cách của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Tuy nhiên, đi vào chi tiết, có thể nói người dân rất quan tâm tới vấn đề trách nhiệm của Tòa án và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác trong việc bảo vệ quyền dân sự của người dân, của doanh nghiệp.

Bộ luật Dân sự hiện hành (2005) chưa quy định cụ thể trách nhiệm của Tòa án và cơ quan khác có thẩm quyền phải thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự của người dân, kể cả khi chưa có quy định của pháp luật.

Tương tự như vậy, Bộ luật hiện hành cũng chưa quy định cụ thể rằng, trong trường hợp không có quy định của pháp luật, thì khi nào sẽ áp dụng tập quán, khi nào áp dụng quy định tương tự của pháp luật.

“Để khắc phục bất cập này, đồng thời cụ thể hóa tinh thần và một nội dung hết sức mới của Hiến pháp 2013 xác định Tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp của Nhà nước, phải là chỗ dựa công lý của người dân”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) bổ sung quy định, theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp này, Tòa án phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên, nếu không có thỏa thuận thì phải căn cứ vào tập quán, quy định tương tự của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, lẽ công bằng, án lệ để xem xét, giải quyết.

Một điểm được đánh giá là rất tiến bộ trong Dự thảo lần này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, đó là việc bỏ "thời hiệu khởi kiện".

Lý giải về điểm mới này, Bộ trưởng cho hay, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định 3 loại thời hiệu, trong đó có "thời hiệu khởi kiện". Đó là thời hạn mà cá nhân, tổ chức có thể yêu cầu Tòa án giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Nếu hết thời hạn đó, người dân không có quyền khởi kiện đó nữa. Nói một cách khác, nếu có đưa đơn ra Tòa án thì cũng bị từ chối thụ lý giải quyết.

Quy định này có thể nói là thuận lợi cho Tòa án, thuận lợi cho Nhà nước, nhưng đã hạn chế quyền của người dân được pháp luật bảo vệ.

Do vậy, dự thảo Bộ luật Dân sự lần này quy định theo hướng bỏ "thời hiệu khởi kiện".

“Quy định này nếu được Quốc hội chấp nhận thì ở bất cứ thời điểm nào, sau bao nhiêu năm, hễ người dân khởi kiện thì Tòa án vẫn phải có trách nhiệm thụ lý để xem xét, chứ không có quyền từ chối vì lý do mang tính kỹ thuật là đã hết thời hiện khởi kiện”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng, việc này khiến Nhà nước có thể gánh chịu thêm nghĩa vụ, chi phí, song để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của người dân, việc bỏ "thời hiệu khởi kiện"./.