Tiêu dùng và đầu tư nước ngoài là lực kéo chính và kém bền vững

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, quý I/2015, nền kinh tế tăng trưởng 6,03% yoy, tăng gần 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2014. Đây là mức tăng trưởng quý I cao nhất kể từ năm 2012 khi bắt đầu áp dụng giá so sánh 2010. Tốc độ tăng trưởng quý I vượt kỳ vọng của thị trường khi mức trung vị của dự báo trong khảo sát của Bloomberg chỉ đạt 5,7%.

Nghiên cứu của VEPR cho thấy, từ phía tổng cung, dẫn dắt tăng trưởng quý I là công nghiệp với mức tăng 9,01%, tăng từ mức 5% tại quý I/2014.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo là động lực tăng trưởng chính, đóng góp 1,6 điểm phần trăm (trong 2,6 điểm phần trăm của toàn ngành công nghiệp) vào tăng trưởng chung.

“Dựa theo mức độ sử dụng lao động và chỉ số sản xuất công nghiệp, có thể thấy mức tăng này chủ yếu đến từ các dây chuyền mới đưa vào vận hành của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Nam, Cần Thơ, và Vũng Tàu”, báo cáo cho biết.

Dữ liệu từ phía cầu cho thấy, tiêu dùng và đầu tư nước ngoài là lực kéo chính và kém bền vững.

Cụ thể, nhiều dự án đầu tư nước ngoài lớn sẽ đi vào vận hành sau quý I như dự án của LG tại Hải Phòng, Samsung Display tại Bắc Ninh, và nhiều dự án dệt may, da giầy khác sẽ tiếp tục duy trì sức tăng trưởng của ngành công nghiệp năm 2015. Tiềm năng tăng trưởng trong các năm sau phụ thuộc nhiều vào khả năng thu hút vốn FDI mới và khả năng hồi phục và tăng cường liên kết của các doanh nghiệp trong nước với mạng lưới sản xuất khu vực.

Tăng trưởng khối lượng bán lẻ hàng hoá và dịch vụ đạt 9%, vượt mức 5% quý I/2014 và 6,3% trung bình cả năm 2014. Mức tăng trưởng này diễn ra trong bối cảnh áp lực lên lạm phát, kể cả nhóm lạm phát lõi, ở mức thấp trong nhiều năm và ngành dịch vụ lại tăng trưởng tương đối chậm, cho dù bán buôn và bán lẻ tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng hàng hoá lưu thông tăng lên, nhưng giá trị gia tăng từ đó khiêm tốn hơn. Xuất khẩu giảm và tồn kho cao dường như đã kiềm chế giá cả và tạo thuận lợi cho tiêu dùng, bên cạnh lực đẩy từ yếu tố mùa vụ (Tết Nguyên đán).

Tăng trưởng trong nông nghiệp và dịch vụ có dấu hiệu đi xuống so với cùng kỳ năm 2014, với mức tăng lần lượt 2,14% và 5,82%, đóng góp tương ứng 0,3 điểm phần trăm và 2,4 điểm phần trăm.

Sản xuất nông nghiệp và thuỷ sản mất đà tăng. Tăng trưởng GDP nông nghiệp quý I/2015 giảm xuống 1,54% yoy từ 1,91% và 2,03% cùng kỳ năm 2014 và 2013. Tăng trưởng ngành thuỷ sản giảm còn 3,38%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với quý I/2014. Nguồn cầu không ổn định từ các thị trường xuất khẩu chính góp phần khiến cho sản xuất cầm chừng. Ngoài ra, hiện tượng trồng cây nông nghiệp và chăn nuôi gia súc tự phát, không gắn với tiêu thụ gia tăng rủi ro cho nông dân, phá vỡ quy hoạch và cản trở phát triển nông nghiệp bền vững.

Trong khi đó, tăng trưởng lâm nghiệp tăng lên 6,02% từ 4,64% cùng kỳ 2014, duy trì quán tính mở rộng từ 2014.

Triển vọng kinh tế 2015:tăng trưởng cao hơn

Nền kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn trong năm 2015 nhờ vào hàng loạt yếu tố hỗ trợ từ giá hàng hoá thấp, lực đẩy từ các doanh nghiệp FDI và nhu cầu bên ngoài. Mức gia tăng thêm phụ thuộc vào khả năng giữ quán tính hiện tại của nền kinh tế, đặc biệt là ngành chế biến chế tạo.

Trong khi, “Sức ì của nông nghiệp và dịch vụ là một trong nhiều lực cản và bộc lộ hạn chế của khu vực kinh tế trong nước”, báo cáo cho biết.

Trên cơ sở cân nhắc các yếu tố trên với kịch bản giá dầu trung bình cả năm khoảng 60 USD/thùng, VEPR dự báo mức tăng trưởng kinh tế năm 2015 đạt 6,3%.

Giá hàng hoá cơ bản có khả năng duy trì xu hướng giảm cho đến hết năm 2015, nhưng giá dầu sẽ biến động rộng, gia tăng tính dễ biến động của tỉ lệ lạm phát. Lạm phát trung bình cả năm sẽ xấp xỉ 1% nếu không có những điều chỉnh giá trong dịch vụ công (y tế, giáo dục), thuế (bảo vệ môi trường) và phí (cầu đường). Do những điều chỉnh này, lạm phát có thể ở quanh mức 3% vào cuối năm.

Giá dầu thấp và phục hồi chậm sẽ tăng thâm hụt ngân sách lớn so với kế hoạch. Theo tính toán của VEPR, với các yếu tố khác không đổi, mức giảm thu ngân sách sẽ dao động từ 45 nghìn tỷ đồng với giá dầu thô 60 USD/thùng và 64 nghìn tỷ đồng với giá dầu trung bình 40USD/thùng. Do ảnh hưởng kích thích là khiêm tốn so với tổn thất trong ngắn hạn, thâm hụt ngân sách có thể tăng lên 6 đến 6,5% GDP.

“Tình thế này có thể buộc Chính phủ giảm chi đầu tư để kìm chế thâm hụt như năm 2014 (nhưng phải hy sinh tăng trưởng trung hạn) hoặc tăng xuất khẩu hàng thô sơ chế nhưng chấp nhận thiệt về giá (như dầu thô hay quặng kim loại) hoặc chấp nhận thâm hụt và tăng vay mượn, điều sẽ gây ảnh hưởng tới thị trường vốn”, VEPR nhận định.

Cán cân thương mại chuyển sang trạng thái thâm hụt nhưng cán cân tổng thể vẫn đạt thặng dư vừa phải nhờ sự bù đắp từ vốn FDI và kiều hối. Mức thặng dư sẽ khiêm tốn hơn, vào khoảng 4 tỷ USD, tương đương 1/3 thặng dư năm 2014.

“Do đó, tỷ giá chưa gặp thêm sức ép bên ngoài xu hướng tăng giá của USD. Tỷ giá có thể tiến tới biên độ cho phép 2% và nếu có điều chỉnh sẽ được thực hiện vào quý IV năm 2015”, VEPR đưa ra dự báo.

Tín dụng tăng trưởng theo nhịp phục hồi của nhu cầu tín dụng doanh nghiệp và hiệu quả của quá trình xử lý nợ xấu, dự báo đạt 15% cả năm.

Một vài khuyến nghị

Với các giới hạn hiện tại, nền kinh tế không thể hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, do đó, theo các chuyên gia của VEPR, thay vì theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá, các chính sách cần tạo ra môi trường vĩ mô lành mạnh và thể chế kinh tế hoà hợp cho các tầm nhìn dài hạn. Cải cách thể chế kinh tế cần thêm những sự đột phá và chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân.

Doanh nghiệp trong nước gần như phải chống chọi một cách bị động với các quy tắc mới của hội nhập kinh tế. Các quy tắc và luật chơi mới thường gây khó khăn và bất lợi với các nền kinh tế ở trình độ thấp hơn, khiến cho hội nhập càng sâu thì lực lượng doanh nghiệp mỏng đi và không tạo dựng lợi thế cạnh tranh riêng và dài hạn.

“Doanh nghiệp được tiếp cận thông tin, tham vấn nội dung đàm phán và có thời gian tái cấu trúc để đón trước thì hội nhập kinh tế mới bớt tính hình thức và mang lại ảnh hưởng tích cực thật sự”, VEPR khuyến nghị.

Sự tự phát và phá vỡ quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp đang kìm hãm tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng lành mạnh và gia tăng giá trị nông sản. Trong khi nhiệm vụ giám sát thực hiện quy hoạch nông nghiệp từng vùng, từng địa phương phải được nâng cao, hướng dẫn nông dân cách thức giảm rủi ro trong sản xuất, cần đẩy mạnh thay đổi tư duy và thói quen sản xuất của nông dân qua các cách thức liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.

Các rủi ro và bất cân đối vĩ mô có thể tích luỹ trong giai đoạn tăng trưởng cao và dễ bị bỏ qua, sự lạc quan thái quá sẽ định hướng chính sách thiếu hợp lý.

“Nhà điều hành cần tiên liệu trước các rủi ro này và duy trì sự thận trọng cần thiết. Với tài khoá, giảm chi thường xuyên qua tinh giảm biên chế là nhiệm vụ ưu tiên để hạn chế thâm hụt ngân sách, trong khi hạn chế điều chỉnh các loại thuế và phí để nuôi dưỡng sức tiêu dùng và sản xuất”, VEPR nhấn mạnh.

Với tiền tệ, lãi suất phụ thuộc vào tốc độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Cần sửa chữa các vướng mắc pháp lý liên quan đến xác định quyền tài sản, thể chế trao đổi kinh doanh công cụ nợ, và tái cấu trúc doanh nghiệp. Cần bổ sung việc nâng cao quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp vào trong những nội dung trung tâm của tái cơ cấu kinh tế.

Hệ thống ngân hàng sẽ chứng kiến nhiều thay đổi sau những vụ sát nhập các ngân hàng nhỏ mất an toàn tài chính vào các ngân hàng quốc doanh. Cho dù khả năng xử lý nợ xấu và khôi phục an toàn tài chính có thể tiến bộ nhờ tiềm lực của khối quốc doanh, sát nhập thường tích tụ rủi ro và đòi hỏi tăng cường năng lực giám sát và cơ chế xử lý nợ xấu tương thích.

“Nghị quyết số 01/NQ-CP về các nhiệm vụ và giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2015 sẽ gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới thay đổi”, báo cáo chỉ rõ.

Cụ thể, mục tiêu lạm phát (5% yoy) có thể không đạt được (mức dự báo chỉ 3%), trong khi thâm hụt ngân sách (mục tiêu 5% GDP) và nhập siêu (5% xuất khẩu) nhiều khả năng cao sẽ bị phá.

“Tái cân đối các cán cân vĩ mô trong năm 2015 đòi hỏi sự sắp xếp các ưu tiên, cân nhắc lại mục tiêu và quan điểm điều hành trong các nghị quyết giữa năm”, VEPR nhấn mạnh./.