Vẫn còn nhiều sai phạm

Việc huy động và sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ đã có đóng góp quan trọng vào việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo môi trường thuận lợi, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, do phân cấp quá rộng lại thiếu các biện pháp quản lý đồng bộ dẫn tới tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án vượt khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, thời gian thi công kéo dài, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém, gây phân tán, lãng phí nguồn lực của Nhà nước, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và yêu cầu phải hoàn thành hết năm 2015.

Song, theo báo cáo Tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ của Thanh tra Chính phủ, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn khá phức tạp và phổ biến.

Hiện, vẫn còn tồn tại tình trạng dự án chưa bố trí vốn, nhưng vẫn tổ chức lựa chọn nhà thầu và để nhà thầu ứng vốn thi công, gây phát sinh nợ đọng. Tại tỉnh Bến Tre, có 14 dự án xuất hiện nợ đọng với số tiền 127 tỷ đồng; Kiên Giang có 31 dự án với số tiền là 31 tỷ đồng; Lào Cai có 58 dự án với số tiền là 193,6 tỷ đồng.

Một số tỉnh, thành phố chưa bố trí đủ vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao và dự án đang thi công dang dở, nhưng vẫn khởi công các công trình mới, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong số này, Ninh Bình được điểm danh khi tính đến cuối năm 2011 còn 599 công trình, dự án đã hoàn thành hoặc thi công dang dở, với số vốn còn thiếu là 9.147 tỷ đồng, nhưng trong 2 năm tiếp theo vẫn quyết định phê duyệt 347 dự án mới với tổng mức đầu tư 6.943 tỷ đồng là nguyên nhân phát sinh nợ đọng.

Đặc biệt, đa số các công trình tại Bạc Liêu do UBND các huyện, thành phố quyết định đầu tư từ năm 2012 chưa hề được ghi vốn trong kế hoạch, nhưng các chủ đầu tư vẫn tiến hành triển khai.

Chỉ thị “chồng” chỉ thị

Có thể thấy, việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản rất phức tạp và không hề dễ dàng. Sự chậm trễ trong việc chấp hành, cũng như khắc phục tình trạng này khiến người đứng đầu Chính phủ rất sốt ruột. Điều này thể hiện qua việc các chỉ thị liên tục được ban hành.

Trước hết phải kết đến Chỉ thị số 1792/CT-TTg, ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ năm 2012 tất cả các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch được giao. Đây được coi là viên gạch đầu tiên trong việc thực hiện quyết tâm của Chính phủ về vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tiếp đó, thẳng thắn và rõ ràng hơn, ngày 10/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương, yêu cầu việc xử lý nợ đọng thực hiện đúng theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg; đồng thời, quy định trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; các địa phương phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, xác định nguyên nhân và có kế hoạch, lộ trình đến năm 2015 hoàn thành xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Các địa phương có trách nhiệm định kỳ 6 tháng hàng năm báo cáo tình hình và kết quả xử lý nợ đọng về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; bảo đảm trước ngày 20/5/2013 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản.

Việc triển khai thực hiện các giải pháp tại các chỉ thị nêu trên đã đạt được những kết quả quan trọng, bước đầu khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm thất thoát, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, song chưa triệt để.

Vì thế, ngày 24/5/2013, Thủ tướng Chính phủ lại có Chỉ thị số 09/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ Tài chính – ngân sách nhà nước năm 2013 yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản”.

Thế nhưng, trong bản báo cáo của Bộ Tài chính đưa ra tại buổi họp báo ngày 19/7/2013, mới chỉ thấy báo cáo là đã “tập trung vốn cho trả nợ khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành và thực hiện các công trình có khả năng hoàn thành trong năm 2013 để bảo đảm hiệu quả đầu tư”... Song, chẳng có số liệu cụ thể nào về giải quyết nợ đọng.

Điều đáng lo ai cũng thấy là, nợ xây dựng cơ bản khiến không chỉ nhiều doanh nghiệp ngắc ngoải, mà còn khiến nợ xấu không giải quyết được, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhưng, số liệu chưa rõ, thì làm sao giải quyết.

Ngay như kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng đã ghi rõ “chưa có số liệu theo dõi nợ vốn đầu tư xây dựng cơ bản tại các bộ, ngành”.

Trước sự mịt mờ về số liệu thống kê nợ xây dựng cơ bản, vào những ngày cuối tháng 4, Thủ tướng đã phải ban hành Chỉ thị hỏa tốc số 07/CT-TTg về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tại văn bản này, Thủ tướng yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương trước 30/6/2015, báo cáo chính xác danh mục và số nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết 31/12/2014 theo từng nguồn vốn.

“Trong đó, làm rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản đã có biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện tính đến hết 31/12/2014 và các khoản nợ khối lượng thực hiện đến thời hạn trên nhưng chưa có biên bản nghiệm thu”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo các chủ đầu tư trước 31/5/2015 hoàn thành các thủ tục nghiệm thu khối lượng đã thực hiện các dự án tính đến hết 31/12/2014 và báo cáo rõ các giải pháp xử lý.

Dự kiến phương án và lộ trình thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết 31/12/2014 trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo từng nguồn vốn và các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công. Không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương để thanh toán các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn cân đối ngân sách địa phương và các dự án không có trong kế hoạch.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các của bộ, ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin, số liệu về số nợ đọng xây dựng cơ bản và phương án, lộ trình thanh toán các khoản nợ đọng.

Chỉ thị này được hy vọng sẽ là văn bản cuối cùng của người đứng đầu Chính phủ để giải quyết xong xuôi câu chuyện nợ đọng xây dựng cơ bản, vì thời điểm hết năm 2015 chỉ còn 7 tháng.

Tuy nhiên, nếu không có sự “đồng tâm, nhất trí” cộng với sự quyết tâm của các cấp, các ngành và địa phương, thì có khả năng mục tiêu đặt ra là hết 2015, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng sẽ chính thức trở thành “nhiệm vụ bất khả thi” của Chính phủ và có lẽ phải chờ… thêm một nhiệm kỳ mới để giải quyết một căn bệnh này./.