Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô thán 4/2015 vừa được ngân hàng HSBC công bố cho biết, một xu hướng đáng lo ngại: xuất khẩu của các công ty này giảm 1,6% tính từ đầu năm tới nay trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tận dụng tốt chi phí lao động rẻ của Việt Nam đưa xuất khẩu của họ tăng 12,3%.

Chi phí lao động rẻ vẫn là yếu tố hấp dẫn vốn FDI

Mặc dù các số liệu kinh tế trong khu vực đáng thất vọng, Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 4 của Việt Nam lại là ngoại lệ. Chỉ số này đang đi ngược xu hướng của vùng và tăng từ mức 50,7 điểm trong tháng 3 lên mức 53,5 điểm trong tháng 4, mức tăng cao nhất kể từ khi bắt đầu khảo sát. Tất cả các chỉ số phụ đều thể hiện cải thiện.

Chỉ số chính – đơn hàng mới trừ hàng tồn kho – biểu thị sản lượng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Điều này phản ánh tính cạnh tranh về chi phí lao động của Việt Nam tiếp tục là yếu tố thu hút luồng FDI chảy vào.

Nhưng, các doanh nghiệp đầu tư trong nước lại đang hoạt động không tốt lắm. Những số liệu mới nhất tiếp tục cho thấy, một xu hướng đáng lo ngại: xuất khẩu của các công ty này giảm 1,6% tính từ đầu năm tới nay trong khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã tận dụng tốt chi phí lao động rẻ của Việt Nam đưa xuất khẩu của họ tăng 12,3% từ đầu năm đến nay.

“Rõ ràng, tăng trưởng về đầu tư và công ăn việc làm từ phía FDI rất khả quan. Nhưng nếu Việt Nam không có một chiến lược tích cực để tối đa hóa những kết nối và công nghệ của các doanh nghiệp FDI thì các ngành công nghiệp trong nước sẽ chịu thiệt thòi”, trích dẫn báo cáo.

Đồng VND vốn gắn liền với thương mại tăng giá đã làm giảm tính cạnh tranh về giá của các công ty trong nước; và giá cả hàng hóa yếu cũng góp phần vào tình hình.

Tăng trưởng GDP thực của Việt Nam đang cải thiện một cách vững chắc – chúng tôi hy vọng tăng trưởng sẽ đạt mức 6,1% trong năm 2015 từ mức 6% trong năm 2014. Tuy nhiên GDP danh nghĩa đã tăng rất chậm do bị ảnh hưởng bởi áp lực giá cả trì trệ.

“GDP danh nghĩa trong năm 2015 sẽ chậm lại ở mức 9,8% so với mức dự báo của Chính phủ là 13,8%. Gánh nặng nợ của Việt Nam bao gồm cả tư và công nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng: tổng thu nhập Chính phủ mặc dù vẫn tăng so với năm trước, nhưng đã chậm lại về mặt tỷ lệ trong tổng thể GDP”, các chuyên gia của HSBC nhìn nhận.

Chính phủ đang cắt giảm chi tiêu nhưng chỉ ở mức chi phí đầu tư công trong khi các khoản thanh toán lãi suất vẫn tiếp tục tăng.

Công ăn việc làm và đầu tư gia tăng đều là những lợi ích có được từ FDI. Điều này giúp bù lại sự tăng trưởng trì trệ về công ăn việc làm trong khối nhà nước cũng như tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài nhận được hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, từ thuế cho tới cơ sở hạ tầng. Mục tiêu cuối cùng của Chính phủ là muốn tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cải thiện sự kết nối của các công ty trong nước.

Để cải thiện mức độ cạnh tranh về giá nhằm thúc đẩy xuất khẩu và giảm cầu nhập khẩu, giải pháp trong ngắn hạn rất rõ ràng là giảm giá đồng nội tệ thông qua việc hạ lãi suất và/hoặc giảm giá chính tiền đồng. Có nhiều cơ hội để thực hiện điều này, khi lạm phát vẫn thấp ở mức 1% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lạm phát trung bình bốn tháng đầu năm đạt 0,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Thậm chí, với áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong những tháng tới, thì lạm phát sẽ chỉ chạm mức thấp 3% vào cuối năm.

Gánh nặng nợ tiếp tục tăng

Một trong những tranh luận chính của Ngân hàng Nhà nước chống lại việc giảm giá tiền đồng là gánh nặng nợ tiếp tục tăng bắt nguồn từ việc đồng VND yếu so với USD. Các khoản nợ bên ngoài của Việt Nam đã tăng gần mức 70 tỷ USD vào cuối năm 2013. Tuy nhiên, hầu hết các khoản nợ bên ngoài của Chính phủ đều là những khoản vay ưu đãi và gần một nửa hưởng mức lãi suất thấp hơn 1% (nguồn: Bộ Tài chính).

Điều đó cho thấy, các khoản vay bên ngoài không là vấn đề lo ngại chính của Việt Nam vì hầu hết các khoản nợ có thể được gia hạn.

Ngay cả khi tiền đồng yếu hơn sẽ tạo ra một gánh nặng lớn về việc thanh toán các chi phí lãi vay bằng đồng VND thì số tiền vẫn còn khá nhỏ.

Ví dụ trong năm 2013, theo Bộ Tài chính, Việt Nam đã trả 0,5 tỷ USD thanh toán chi phí lãi cho các khoản vay nước ngoài của Chính phủ. Trong khi đó, Chính phủ thanh toán chi phí lãi vay trong nước lại ở mức 2,3 tỷ USD.

VNĐ yếu hơn sẽ làm nhẹ bớt gánh nặng nợ trong nước

Theo khối nghiên cứu của HSBC, việc đồng Việt Nam yếu hơn sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng, làm nhẹ bớt một số gánh nặng nợ trong nước. Gánh nặng nợ trong nước đang tăng cả công lẫn tư.

Chính phủ đang muốn giảm thâm hụt tài chính trong năm nay còn 5% GDP. Con số này được đưa ra dựa trên giả định tăng trưởng GDP danh nghĩa 14%. Nếu như áp lực giá cả giảm, GDP thực tế phải tăng hơn 10% để đạt mức tăng trưởng danh nghĩa 14%. Trong khi đó, doanh thu tài chính còn yếu sẽ suy giảm đều đặn tỷ lệ doanh thu trên GDP. Khi tiêu dùng cũng chậm lại, thanh toán chi phí lãi vay cao hơn và chi tiêu cho chi phí quản lý và xã hội vẫn còn lớn sẽ tiếp tục đè nặng lên ngân sách. Chính phủ dự báo mức thâm hụt ngân sách sẽ là 226.000 tỷ VND.

Nếu như nền kinh tế tăng trưởng GDP danh nghĩa 14%, thì sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách ở mức 5,6%. Nếu chúng ta giả định tăng trưởng GDP danh nghĩa 10%, thì thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 5,8% GDP, gần với mức dự báo 6% của HSBC đã đưa ra trước đó.

“Gánh nặng nợ công trong nước chính vì vậy, sẽ tăng nhanh hơn và gần hơn mức giới hạn 65% của Chính phủ”, các chuyên gia cảnh báo.

Tuy nhiên, các chuyên gia của HSBC cũng nhìn nhận rằng, điều may mắn là Chính phủ không có cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng GDP danh nghĩa nhanh hơn. Điều này đòi hỏi NHNN phải giảm giá đồng nội tệ và/hay cắt lãi suất để hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam cạnh tranh hơn và không khuyến khích tăng trưởng nhập khẩu.

“Điều này sẽ giúp ngăn chặn Việt Nam không bị thâm hụt kép – vừa tài chính lẫn thương mại – trong khi vẫn thúc đẩy năng lực cạnh tranh tăng cùng lúc”, các chuyên gia khuyến cáo.

Bên cạnh giá, Chính phủ còn có rất nhiều việc để làm nhằm thu hẹp khoảng cách tài chính cũng nhu thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn FDI. Điều này cần Chính phủ có nhiều cải cách kiên định hơn để sắp xếp các hoạt động chi tiêu, mở rộng cơ sở thuế và cải thiện quản lý nợ. Dòng vốn FDI đổ vào sẽ có khả năng chậm lại nếu không muốn nói là giảm trong những năm tới vì cạnh tranh chi phí tiền lương của đất nước cũng sẽ có thể suy yếu.

“Với sự lệ thuộc hiện tại vào các doanh nghiệp có vốn FDI để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, hiệu quả sản xuất của Việt Nam có thể sẽ rất ngắn ngủi nếu như Chính phủ không thực hiện được những cải cách hiệu quả”, tại báo cáo, các chuyên gia kinh tế của HSBC nhấn mạnh./.