Mục tiêu năm 2015: Phấn đấu tăng trưởng đạt 6,2%

Bước vào năm 2015, triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Phấn đấu đạt mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng là 6,2%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7% -2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.

Những chuyển biến tích cực trong 4 tháng đầu năm 2015

Tăng trưởng GDP Quý I/2015 ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua (cùng kỳ 2011: 5,9%; 2012: 4,75%; 2013: 4,76%; 2014: 5,06%).

Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,14% (2014: 2,68%); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 8,35% (2014: 4,42%); khu vực dịch vụ ước tăng 5,82% (2014: 5,9%).

Trong quý I/2015, công nghiệp - xây dựng là khu vực duy nhất có mức tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước, là khu vực đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung, đóng góp 2,82 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ đóng góp 2,36 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,28 điểm phần trăm.

Về công nghiệp - xây dựng, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo có sự chuyển biến khá tốt. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 4 tháng đầu năm tăng 9,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước (năm 2013: 4,8%; năm 2014: 5,5%); trong đó: công nghiệp chế biến chế tạo tăng 10,1%; công nghiệp khai khoáng ước tăng 6,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,6%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%.

Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, tính đến ngày 15/4/2015, diện tích gieo cấy lúa Đông xuân cả nước đạt gần 3,1 triệu ha, bằng 99,8% cùng kỳ năm trước.

Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng trong 4 tháng đầu năm ước đạt 1,75 triệu tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ đạt 1,6 triệu tấn, tăng 3%); trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng ước tăng đạt 738,5 nghìn tấn, 1,6%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1 triệu tấn, tăng 4,4% (riêng khai thác biển đạt 961,5 nghìn tấn, tăng 4,7%).

Tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt trên 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 18,5%); trong đó: xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt gần 35,1 tỷ USD, tăng 12,6%; khu vực trong nước đạt 15 tỷ USD, giảm 1% (cùng kỳ tăng gần 15%).

Tổng kim ngạch nhập khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 11,8%); trong đó: Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 32,4 tỷ USD, tăng 27,8%; khu vực trong nước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 9,4%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%, loại trừ yếu tố giá còn tăng 8%, cao nhất kể từ năm 2011.

Trên 28 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và 13,3% về vốn đăng ký; đồng thời có 6,3 nghìn doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất, tỷ lệ nợ xấu giảm; tỷ giá được duy trì ổn định; dự trữ ngoại hối tăng, đạt mức cao nhất từ trước đến nay. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,83%, riêng các huyện nghèo giảm 5,61%.

Song, còn không ít khó khăn, hạn chế

Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra 7 khó khăn, hạn chế sau:

(1) Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. Hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhất là Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước giảm. Khách quốc tế đến Việt Nam giảm 12,2%.

(2) Việc triển khai các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng 4,5% (so với cùng kỳ 2014). Thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Một số công trình, dự án quan trọng còn chậm tiến độ.

(3) Việc triển khai các đề án, chương trình, kế hoạch tái cơ cấu ở một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa đạt yêu cầu. Việc sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động ở một số doanh nghiệp nhà nước và công ty nông lâm nghiệp còn chưa đạt yêu cầu. Ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi còn chưa nhiều. Chất lượng dịch vụ cải thiện còn chậm, nhất là trong lĩnh vực thương mại, du lịch.

(4) Một số quy định mới liên quan đến người lao động chưa tạo được sự đồng thuận cao, công tác truyền thông chưa tốt, để xảy ra ngừng việc tập thể đông người. Cháy nổ, tai nạn lao động còn xảy ra ở nhiều nơi, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Việc mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế còn nhiều khó khăn. Công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo, nhất là trong thi cử còn lúng túng; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn chưa đạt yêu cầu. Quản lý nguồn phóng xạ còn bất cập. Nhiều biểu hiện xấu về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, một số hoạt động lễ hội phản cảm... gây bức xúc trong nhân dân. Công tác quản lý thông tin và an ninh, an toàn mạng còn nhiều sơ hở, bất cập. Sai phạm trong lĩnh vực truyền thông, báo chí còn nhiều. Tệ nạn xã hội phức tạp ở nhiều nơi.

(5) Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội, dẫn đến khiếu kiện đông người. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn chỉ đạt khoảng 40 - 55%. Tình trạng khai thác trái phép cát, sỏi ở sông và ven biển xảy ra ở nhiều địa bàn; còn nhiều điểm khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường. Sạt lở ven biển, ven sông và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp.

(6) Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, thực thi chưa nghiêm, gây tốn kém thời gian và chi phí của người dân, doanh nghiệp. Vẫn còn nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành pháp luật. Hiệu quả phòng chống tham nhũng và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế; việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chưa nghiêm. Lãng phí thời gian, nguồn lực xã hội còn lớn.

(7) Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn còn phức tạp. Vẫn xảy ra sai sót trong giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử. Tai nạn giao thông còn nghiêm trọng, nhất là trong các dịp Lễ, Tết và ở khu vực nông thôn. Thông tin, truyền thông và việc chuẩn bị điều kiện để chủ động hội nhập quốc tế đối với người dân và doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Những giải pháp cần thực hiện

Trong những tháng còn lại của năm 2015, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Trong đó Chính phủ sẽ tập trung vào 7 nội dung chủ yếu là: Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; giải quyết khiếu nại, tố cáo; Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; Tăng cường thông tin truyền thông./.