Cần kiến tạo môi trường bình đẳng

Báo cáo vệ Triển vọng kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây đã chỉ rõ, ngoài những bất lợi sẵn có về điểm xuất phát, doanh nghiệp trong nước còn gặp bất lợi khi các chính sách khuyến khích đầu tư tỏ ra thiên vị doanh nghiệp nước ngoài.

Khi mà các chính sách mới nhằm hướng tới gia tăng tự do kinh tế và mở cửa kinh tế – điều sẽ kích thích đầu tư và sáng tạo của khu vực tư nhân – thì cũng phải kiến tạo môi trường bình đẳng hơn giữa thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài qua việc cung cấp các ưu đãi bất kể hình thức sở hữu.

Doanh nghiệp trong nước gần như phải chống chọi một cách bị động với các quy tắc mới của hội nhập kinh tế. Các quy tắc và luật chơi mới thường gây khó khăn và bất lợi với các nền kinh tế ở trình độ thấp hơn, khiến cho hội nhập càng sâu, thì lực lượng doanh nghiệp mỏng đi và không tạo dựng lợi thế cạnh tranh riêng và dài hạn.

Vì thế, theo VEPR, cải cách thể chế kinh tế cần thêm những sự đột phá và chủ động tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần được tiếp cận thông tin, tham vấn nội dung đàm phán và có thời gian tái cấu trúc để đón trước thì hội nhập kinh tế mới bớt tính hình thức và mang lại ảnh hưởng tích cực thật sự.

Bên cạnh đó, sự tự phát và phá vỡ quy hoạch trong sản xuất nông nghiệp đang kìm hãm tăng trưởng ngành nông nghiệp theo hướng lành mạnh và gia tăng giá trị nông sản.

Thời gian tới, nhiệm vụ giám sát thực hiện quy hoạch nông nghiệp từng vùng, từng địa phương phải được nâng cao, hướng dẫn nông dân cách thức giảm rủi ro trong sản xuất. Đồng thời, cần đẩy mạnh thay đổi tư duy và thói quen sản xuất của nông dân qua các cách thức liên kết với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.

Cần tiên liệu trước các rủi ro

Các rủi ro và bất cân đối vĩ mô có thể tích luỹ trong giai đoạn tăng trưởng cao và dễ bị bỏ qua, sự lạc quan thái quá sẽ định hướng chính sách thiếu hợp lý.

Do đó, theo VEPR, nhà điều hành cần tiên liệu trước các rủi ro này và duy trì sự thận trọng cần thiết.

Với tài khoá, giảm chi thường xuyên qua tinh giảm biên chế là nhiệm vụ ưu tiên để hạn chế thâm hụt ngân sách, trong khi hạn chế điều chỉnh các loại thuế và phí để nuôi dưỡng sức tiêu dùng và sản xuất.

Giá hàng hóa cơ bản có khả năng duy trì xu hướng giảm cho đến hết năm 2015, nhưng giá dầu sẽ biến động rộng, gia tăng tính bất ổn của tỷ lệ lạm phát. Lạm phát trung bình của cả năm sẽ xấp xỉ 1% nếu không có các điều chỉnh giá trong dịch vụ công (y tế, giáo dục); thuế (bảo vệ môi trường) và phí (cầu đường).

Theo đánh giá của VEPR, những điều chỉnh này có thể khiến lạm phát dao động quanh mức 3% vào cuối năm nay.

VND cần được cho phép trượt giá 3-4% một năm

Với thanh toán quốc tế, dòng kiều hối đang che dấu khuynh hướng thâm hụt trong thương mại và đầu tư quốc tế của Việt Nam. Một đồng tiền linh hoạt sẽ tự động điều chỉnh lại sự bất cân bằng nhưng điều này đã không xảy ra, do đó chính sách tỷ giá cần chủ động thực hiện điều đó.

Chúng tôi giữ quan điểm VND cần được cho phép trượt giá 3-4% một năm trong 2 đến 3 năm, thông qua nhiều bước với biên độ 1-1,5%.

Thêm vào đó, nhà điều hành cần xác định hiện tượng tăng giá của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác đang ảnh hưởng lên VND và sức cạnh tranh hàng hoá Việt Nam, lường trước các thay đổi trong hành vi trao đổi thương mại và đầu tư.

“Sự giới hạn trong không gian chính sách có thể là cơ hội cho các công cụ và biện pháp trái thông lệ”, báo cáo chỉ rõ.

Hiện, lãi suất phụ thuộc vào tốc độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Vì thế, cần sửa chữa các vướng mắc pháp lý liên quan đến xác định quyền tài sản, thể chế trao đổi kinh doanh công cụ nợ, và tái cấu trúc doanh nghiệp. Cần bổ sung việc nâng cao quản trị và tái cấu trúc doanh nghiệp vào trong những nội dung trung tâm của tái cơ cấu kinh tế.

Hệ thống ngân hàng sẽ chứng kiến nhiều thay đổi sau những vụ sát nhập các ngân hàng nhỏ mất an toàn tài chính vào các ngân hàng quốc doanh.

“Cho dù khả năng xử lý nợ xấu và khôi phục an toàn tài chính có thể tiến bộ nhờ tiềm lực của khối quốc doanh, thì việc sát nhập thường tích tụ rủi ro và đòi hỏi tăng cường năng lực giám sát và cơ chế xử lý nợ xấu tương thích”, báo cáo nhấn mạnh. /.