Sự sụt giảm niềm tin nghiêm trọng

Trong lĩnh vực phòng bệnh, Chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng, miễn phí cho tất cả trẻ em trên cả nước là một trong những chương trình thể hiện tính nhân văn, góp phần nâng cao sức khỏe toàn dân. Tất nhiên, từ khi ra đời, cùng với sự vận động, tuyên truyền của ngành y tế, Chương trình đã được nhân dân cả nước ủng hộ, với nguồn vắc xin chủ yếu là nguồn vắc xin do Việt Nam sản xuất

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dư luận tại Việt Nam khá bức xúc trước việc một số trẻ có biến chứng dẫn đến tử vong sau tiêm chủng. Điển hình là vụ 3 trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine siêu gan B hồi tháng 7 năm 2013 ở tỉnh Quảng Trị, bé Đậu Ngọc Phú (12 ngày tuổi) tử vong sau khi tiêm phòng lao ở Thanh Hóa hồi tháng 11/2014...

Mặc dù, sau các sự việc, ngành Y tế đã luôn vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, trong đó phần lớn kết luận nguyên nhân đều không do vắc xin, hoặc phản ứng chủ yếu là từ vắc xin ngoại nhập khẩu từ nước ngoài (Vaccien Quinvaxem nhập từ Hàn Quốc được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo viện trợ), nhưng trên thực tế người dân thường không phân biệt được loại vắc xin cụ thể nào dùng cho bệnh nào, mà người ta chỉ biết là từ Chương trình tiêm chủng miễn phí và hàng nội không thể tốt bằng hàng ngoại.

Hệ quả của sự mất lòng tin này là người dân đổ xô cho con tiêm chủng dịch vụ. Trước kia, phần lớn chỉ có các gia đình khá giả, có điều kiện lựa chọn sử dụng vắc xin dịch vụ, thì bây giờ các gia đình có con nhỏ đều cố gắng cho con tiêm phòng dịch vụ, vì “mạng người là trên hết”. Có thể nói, người dân dần “quay lưng” với “vắc xin miễn phí”.

Điều này dẫn đến khan hiếm nguồn vắc xin ngoại. Theo PGS, TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), năm 2015, tình trạng thiếu vắc-xin dịch vụ vẫn sẽ tái diễn; thậm chí với vắc-xin “6 trong 1”, tình trạng khan hiếm còn nghiêm trọng hơn năm 2014. Đối với vắc-xin dịch vụ “5 trong 1”, dù được thông báo là có hàng nhưng dự báo sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, vắc-xin dịch vụ khác như thủy đậu cũng đang đứng trước nguy cơ khan hiếm do khó khăn về nguồn cung.

Chỉ vì niềm tin bị đánh mất mà nhiều trẻ em không được tiêm đúng lịch trình, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch với bệnh. Đó sẽ thực sự là nguy cơ đối với sức khỏe trẻ em Việt Nam khi dịch bệnh ngày cành nhiều và nguy hiểm hơn.

Minh chứng rõ nhất là đợt dịch sởi năm 2014 có rất nhiều trẻ mắc sởi ở độ tuổi từ 9- 12 tháng tuổi, hay trong những tháng đầu năm có một số bị mắc bệnh ho gà khi chỉ mới 2-4 tháng tuổi. Đây là những lứa tuổi đã được chỉ định tiêm vắc xin, nhưng vì lý do nào đó phụ huynh chưa cho con tiêm chủng, thậm chí trì hoãn tiêm để chờ vắc xin dịch vụ trong thời gian khan hiếm nên trẻ đã mắc bệnh.

Vắc xin nội đạt chuẩn quốc tế có tăng niềm tin của dân Việt?

Trong bối cảnh niềm tin của người dân về vắc xin tiêm chủng mở rộng sụt giảm, cùng với rất nhiều dư luận trái chiều về chất lượng vắc xin nội, mới đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang bằng các quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vaccine phát triển nhất như Canada, Mỹ, Pháp, Bỉ… Đây có thể coi là một trong những tín hiệu lạc quan đối với ngành sản xuất vắc xin của Việt Nam, cũng khẳng định chất lượng vaccine nội trước người dân.

Thậm chí, theo đánh giá của WHO nhận định Việt Nam có tiềm năng sản xuất vaccine rất lớn, sẽ là 1 trong 25 quốc gia sản xuất vaccine chiếm 90% doanh số của toàn cầu. Theo đó, Bộ Y tế đặt định hướng từ nay đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 7 loại vắc xin đáp ứng yêu cầu của Chương trình Tiêm chủng quốc gia, thay thế vắc xinh nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần thêm các đánh giá độc lập để khẳng định những vắc xin nội không có liên quan gì đến các tai nạn đã từng xảy ra với vắc xin Quinvaxem. Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế độc lập và WHO cũng thống nhất cho rằng, công tác truyền thông cần phải đẩy mạnh hơn nữa để dần dần lấy lại lòng tin của người dân trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia./.