Năm 2013: Bội chi thực tế vượt mức cho phép 1,3% GDP

Tại Nghị quyết số 32/2012/QH13, Quốc hội quyết định mức bội chi NSNN 162.000 tỷ đồng, bằng 4,8% GDP, sau đó được Quốc hội điều chỉnh mức bội chi là 195.500 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP vào năm 2013 theo Nghị quyết 54/2013/QH13.

Tuy nhiên, Quyết toán NSNN năm 2013 của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày cho thấy, quyết toán số bội chi là 236.769 tỷ đồng, vượt 41.269 tỷ đồng so với mức Quốc hội đã điều chỉnh, bằng 6,6% GDP thực tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải, bội chi tăng là do tăng chi từ nguồn vốn ODA 29.422 tỷ đồng, tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế giá trị gia tăng 13.190 tỷ đồng phát sinh năm 2011và tăng chi từ nguồn vốn ngoài nước 29.422 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát chặt chẽ và tiết kiệm chi ngân sách từ nguồn vốn trong nước giảm 1.343 tỷ đồng, nên mức tăng bội chi NSNN là 41.269 tỷ đồng.

Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2013, dự toán chi NSNN là 978.000 tỷ đồng, quyết toán 1.088.153 tỷ đồng, tăng 11,3% (110.153 tỷ đồng) so với dự toán.

Tờ trình nêu rõ, tăng chi NSNN chủ yếu là do tăng chi đầu tư phát triển (96.680 tỷ đồng) từ nguồn vốn ngoài nước, nguồn bổ sung từ dự phòng ngân sách theo chế độ và nguồn năm trước chuyển sang.

Quyết toán chi ngân sách trung ương là 515.360 tỷ đồng, tăng 11,5% (53.345 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án vốn ODA thuộc lĩnh vực giao thông, nông nghiệp, lâm nghiệp; tăng đầu tư trở lại từ lãi dầu khí nước chủ nhà được chia cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; tăng chi 13.190 tỷ đồng trả nợ Quỹ Hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh năm 2011.

Quyết toán chi ngân sách địa phương là 572.793 tỷ đồng, tăng 11,1% (56.808 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do nguồn năm trước chuyển sang, nguồn tăng thu ngân sách địa phương theo quy định và nguồn bổ sung có mục tiêu của ngân sách trung ương theo quy định của Luật NSNN.

Bội chi ngân sách đã vượt mức cho phép 1,3% GDP

Chi cho đầu tư xây dựng cơ bản tăng 91,1% so với dự toán

Trình bày báo cáo Thẩm tra quyết toán NSNN năm 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho răng, bội chi ngân sách năm 2013 đã vượt mức cho phép theo Nghị quyết 54/2013/QH13, ngày 12/11/2013 của Quốc hội; việc tăng bội chi so với mức báo cáo Quốc hội thể hiện việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Tài chính, ngân sách nhận thấy, công tác quản lý chi NSNN năm 2013 còn một số tồn tại, bất cập. Trong điều kiện ngân sách trung ương hụt thu lớn, thì chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 tăng cao, vượt 52,1% (88.651 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó, quyết toán chi đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách trung ương là 76.394 tỷ đồng, tăng 91,1% so với dự toán.

Ủy ban Tài chính cũng chỉ rõ, việc chấp hành Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ của một số địa phương còn chưa nghiêm, như: phê duyệt dự án đầu tư khi chưa bảo đảm cân đối đủ nguồn vốn, không bố trí vốn tập trung cho các công trình trọng điểm...

Số nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản còn lớn, trong đó có nhiều bộ, ngành, địa phương có số nợ đọng cao, cùng khá nhiều công trình, dự án chậm tiến độ với xu hướng tăng so với các năm trước.

“Các sai phạm vẫn xảy ra ở hầu hết các khâu trong quá trình đầu tư, thể hiện công tác quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản còn những yếu kém, gây thất thoát, lãng phí nhưng vẫn chậm được khắc phục”, ông Phùng Quốc Hiển thay mặt Ủy ban Tài chính ngân sách chỉ rõ.

Cơ quan thẩm tra cũng đã chỉ ra nhiều điều nghịch lý trong chi ngân sách. "Theo Chính phủ, hầu hết các khoản chi đạt và vượt dự toán. Tuy nhiên, vẫn còn một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán được Quốc hội quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí nguồn lực", báo cáo thẩm tra chỉ ra và dẫn chứng: chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề có dự toán 164.401 tỷ đồng nhưng quyết toán chỉ đạt 94,6%; chi sự nghiệp khoa học, công nghệ đạt 85,3% dự toán.

Hay chi chương trình mục tiêu quốc gia năm 2013 là 20.030 tỷ đồng, đạt 111% (tăng 2.216 tỷ đồng) so với dự toán thế nhưng có ba chương trình quan trọng lại không đạt dự toán là y tế (73%), chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (87%) và chương trình khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường (89%).

"Ngoài nguyên nhân do nhiều nhiệm vụ, khối lượng đã thực hiện nhưng chưa đủ thủ tục quyết toán thì nhiều chương trình mục tiêu quốc gia phân bổ và giao vốn quá chậm, một số chương trình tiến độ triển khai chậm, dẫn đến sử dụng ngân sách Nhà nước kém hiệu quả. Hiện tượng sử dụng sai kinh phí, sai đối tượng, sai mục đích, phân bổ vốn không kịp thời, tỷ lệ giải ngân thấp vẫn xảy ra, trong đó một số mục tiêu của chương trình đạt thấp, chưa phát huy hiệu quả", Ủy ban Tài chính Ngân sách chỉ rõ.

Bên cạnh đó, đối với khoản 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư tỷ lệ giải ngân cũng còn thấp. Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có giải pháp phù hợp để bảo đảm giải ngân nguồn vốn này kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, việc tăng chi trả nợ quỹ hoàn thuế để bảo đảm tính trung thực, minh bạch của quyết toán NSNN là hợp lý.

Việc tăng chi ODA do giải ngân tăng nhanh là một kết quả tích cực, thúc đẩy xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng và tăng trưởng kinh tế, song Chính phủ chưa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp với khoản 2, Điều 49 của Luật NSNN.

“Tuy nhiên, đây là số đã phát sinh, do vậy, đề nghị Quốc hội cho phép quyết toán bội chi NSNN 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP”, ông Phùng Quốc Hiển thay mặt Ủy ban Tài chính ngân sách đề xuất.

Cần giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề

Thực tế, câu chuyện kỷ luật ngân sách không nghiêm, dự toán một đằng, quyết toán một nẻo vẫn đang là chuyện “thường ngày ở huyện” tại Việt Nam.

Nguyên nhân của vấn đề cũng đã được nhiều chuyên gia điểm mặt, chỉ tên là do phân cấp ngân sách đã được tiến hành triệt để. Trong khi quản lý ngân sách từ phía địa phương lại cực kỳ lỏng lẻo. Báo cáo kiểm toán năm 2013 chỉ với một nội dung chi sai nguồn kinh phí đã cho thấy sự quản lý cực kỳ lỏng lẻo ở cấp địa phương.

Thành phố Đà Nẵng dùng nguồn cải cách tiền lương 400 tỷ đồng để bố trí vốn cho chín dự án, bố trí vốn ngân sách nhà nước cho bốn dự án của các doanh nghiệp không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố 13,546 tỷ đồng, bố trí vốn từ nguồn thu xổ số kiến thiết cho Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng gần 1.048 tỷ đồng (công trình do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng làm chủ đầu tư, đây là một tổ chức tự nguyện hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí, không phải tổ chức thuộc Nhà nước).

Thành phố Hà Nội chi thực hiện hạ ngầm cáp điện các tuyến phố hơn 425 tỷ đồng (ngân sách thành phố gần 263 tỷ đồng, ngân sách quận Hoàn Kiếm hơn 162 tỷ đồng) trong khi nhiệm vụ này thuộc các doanh nghiệp.

Thành phố Cần Thơ sử dụng hơn 72 tỷ đồng nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng các công trình thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, phát thanh truyền hình, nhà khách Thành ủy Cần Thơ...

Kỷ luật ngân sách lỏng lẻo chỉ có thể được thiết lập lại khi quy được trách nhiệm cá nhân. Chính vì vậy, Góp ý vào dự luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi của Ủy ban Thường vụ hồi tháng 4 vừa rồi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phải thẳng thắn: “Ông nào quyết (chi) sai thì thế nào? Lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý ngân sách là chưa quy được trách nhiệm. Cần làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của những người có quyền hạn (chi) ngân sách”.

Còn theo TS. Trần Du Lịch, cần làm rõ thế nào là ngân sách trung ương, thế nào là ngân sách địa phương thì mới giải quyết được sự nhập nhằng hiện nay.

“Tồn tại cơ chế của nước ta là ngân sách nhà nước lồng ghép (ngân sách Trung ương, địa phương), mấu chốt là ngân sách nhà nước mà không làm rõ như nào là ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; chúng ta cần xây dựng kỷ cương ngân sách để thực hiện cơ chế ngân sách vượt thu mới được thì vượt chi và phải được Quốc hội thông qua tài khóa; quy trình lập ngân sách rất quan trọng, không để chi rồi mới tính làm sao quy trình từ khi lập đến chuẩn chi ở hai bộ phận ước chi để đến khi cơ quan thẩm quyền duyệt chi, chỉ trong phạm vi chuẩn chi mới được chi; cơ chế giám sát, trách nhiệm của các cơ quan liên quân theo phân cấp, Uỷ ban Tài chính ngân sách là cơ quan tham mưu phải giám sát từ quy trình lập ngân sách cho đến chi”, TS. Trần Du Lịch chỉ rõ.

Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ họp thông qua dự luật Ngân sách Nhà nước, Luật Tổ chức chính phủ, và Luật chính quyền địa phương, nếu không đưa tinh thần mới, cách tiếp cận mới như trên, thì bài ca kỷ luật ngân sách không nghiêm mãi còn kéo dài từ năm này sang năm khác!