Vị trí địa lý của Việt Nam tại châu Á dễ dàng tiếp cận Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, giúp Việt Nam dễ dàng giao thương với các nước láng giềng có tốc độ phát triển nhanh.

Báo cáo cho biết, đến năm 2030, các thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là: Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia (tăng trưởng xuất khẩu đến các thị trường này ít nhất khoảng 14% mỗi năm).

Tại khu vực châu Á mới nổi, thương mại tự do đã cải thiện trong những năm gần đây và các cuộc đàm phán thương mại tự do giữa các nước thành viên trong khu vực châu Á cũng đang diễn ra.

Mặc dù Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2013, nhưng các chuyên gia của HSBC dự đoán, Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của Mỹ để trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2030.

Lý giải cho dự đoán này, các chuyên gia của HSBC cho hay, dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ đạt từ 5,5% mỗi năm trong một thập kỷ đến năm 2030, chậm hơn giai đoạn 2000 – 2014 nhưng đó vẫn là mức tăng trưởng khá tốt.

Trung Quốc có dân số lớn nhất trên thế giới và mức thu nhập cũng sẽ tiếp tục tăng mạnh khi nền kinh tế cân bằng lại, bớt phụ thuộc vào đầu tư, mà chuyển qua phụ thuộc nhiều hơn vào sức mua của người tiêu dùng.

Trung Quốc và Hàn Quốc, hai nước xuất khẩu hàng đầu của khối châu Á mới nổi trong thập kỷ vừa qua sẽ tiếp tục là hai đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nay đến năm 2030.

Không chỉ có các vị thế vững mạnh trên thị trường máy móc công nghiệp (lĩnh vực nhập khẩu quan trọng nhất của Việt Nam), hai nước này cũng có các điều kiện vận chuyển hậu cần dễ dàng.

Trung Quốc có chung đường biên giới với Việt Nam và Hàn Quốc cũng là một nước rất gần với Việt Nam theo đường biển.

Vào cuối năm 2015, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do được khối ASEAN và 6 đối tác, mà các nước trong khối ASEAN đã ký kết các hiệp định thương mại khác sẽ được chốt lại và điều này sẽ đẩy mạnh hơn nữa giao thương trong khu vực.

Nhập khẩu từ Ấn Độ cũng sẽ tăng mạnh đóng góp 14% cho tổng tăng trưởng nhập khẩu trong thập niên này cho đến năm 2030, dự đoán Ấn Độ sẽ vượt qua Singapore và trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam.

Ngành hàng dệt may được kỳ vọng sẽ đóng góp gần 20% cho tăng trưởng của ngành xuất khẩu hàng tiêu dùng từ nay đến năm 2030. Việt Nam cũng đã tạo dựng được sự hiện diện trên thị trường viễn thông toàn cầu. Điều này giúp Việt Nam ở vị thế tốt để đáp ứng các nhu cầu đang tăng đối với hàng tiêu dùng tại khu vực châu Á mới nổi.

Sau ngành dệt may, ngành công nghệ thông tin và viễn thông sẽ đóng góp nhiều thứ hai cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ 2015-2030

Điện thoại di động và phụ kiện chiếm 16% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014, trong khi các sản phẩm điện tử, máy tính và phụ kiện chiếm 8%, ngành sản xuất sản phẩm điện máy chiếm khoảng 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (tỷ lệ này tăng đều trong những năm gần đây).

“Cả hai ngành xuất khẩu và nhập khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng khoảng 11% mỗi năm trong giai đoạn từ 2015-2030, nhỉnh hơn tăng trưởng thương mại”, báo cáo cho biết./.