Sản xuất nông nghiệp hiện còn mang tính tự phát

Mở bài phát biểu của mình, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. Hồ Chí Minh) trích lời cổ nhân "trăm người bán, vạn người mua" để minh chứng cho băn khoăn, cứ sản xuất nhiều, nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, có thị trường tiêu thụ, nhưng chất lượng hàng hóa thấp, hỏi rằng có bán được không?

Và, đúng trong thực tế, khi nông dân làm theo phong trào, tạo ra nhiều sản phẩm, dẫn đến hàng hóa, nông sản ế ẩm.

“Vậy vai trò định hướng, của các bộ, ngành, chính quyền địa phương ở đâu, mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm”, đại biểu Đương đặt câu hỏi?

Bây giờ là cây mắc ka đang trồng ồ ạt ở nhiều nơi, nhưng đầu ra sẽ ở đâu? Liệu có rơi vào tình trạng như khoai lang, hành tím, nữa không?

Đồng tình với đại biểu Đương, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng chỉ rõ, dù kinh tế nông nghiệp là lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Việt Nam, song sản xuất nông nghiệp hiện còn mang tính tự phát, chưa liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ.

Đặc biệt, sự yếu kém trong hoạt động thương mại, nên hiệu quả kinh doanh thấp, cạnh tranh yếu. Điều này đã được các nhà chuyên môn nhận định và các cơ quan quản lý cũng đã có xây dựng chính sách cho ngành nông nghiệp bằng nhiều nghị quyết quyết định các đề án, đặc biệt trong đó có Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

“Tuy nhiên, Đề án này vẫn còn loay hoay, chưa xoay sở được gì nên người nông dân vẫn phải chịu cảnh trồng cây gì, nuôi con gì cũng phải lo đến giá cả và nơi tiêu thụ”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé thẳng thắn đánh giá.

Vấn đề về nông nghiệp, theo đại biểu này, đã được chính bà và nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu, đã chất vấn, đã kiến nghị nhiều tại các kỳ họp trước, nhưng sự vào cuộc của các ngành chuyên môn, các ngành chức năng, các nhà khoa học, các doanh nghiệp.

Thế nhưng, “đến nay đã giải quyết được gì?... Có bao nhiêu sản phẩm nông sản của Việt Nam, có thương hiệu và bao nhiêu nơi biết đến, hàng hóa không rõ tên tuổi, giá trị, làm sao khách hàng tiêu thụ. Đến giờ này, ai lo cho thương hiệu nông sản và lo đến đâu rồi?”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé trăn trở.

Đừng để các em đoàn viên phải đi vận động bán dưa, bán hành

“Người dân đang ngóng chờ những cú huých mạnh mẽ về chính sách, sự đầu tư thật thỏa đáng của Nhà nước, Nhà nước là bà đỡ trong lĩnh vực này. Vì lĩnh vực này tư nhân ít đầu tư vì sợ rủi ro, để tạo bước đột phá tăng trưởng về kinh tế và phát triển bền vững”, đại biểu Đỗ Văn Đương phát biểu.

Ông Đương cho rằng, trong sản xuất nông nghiệp, tìm nhu cầu thị trường để xác định địa chỉ tiêu thụ, ấn định quy mô sản xuất, cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp. Chẳng hạn thị trường cần ăn ngon, thì trồng loại lúa dài ngày, có chất lượng cao, thị trường cần ăn no, trồng lúa ngắn ngày, để xuất khẩu như ở Campuchia.

Còn đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé thì chân tình mà rằng: “Đừng để cảnh các em đoàn viên, thanh niên phải đi vận động từng người dân mua từng cân khoai, cân hành, trái dưa hấu để cứu nông dân. Đây không phải là giải pháp bền vững”.

Vị đại biểu này đề xuất, ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng hãy vào cuộc một cách quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn cho nông nghiệp, để hỗ trợ cho người nông dân.

Ở một góc độ cập nhật hơn, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đánh giá, nếu không giải quyết được bài toán nông dân làm gì để hội nhập kinh tế quốc tế, thì việc gia nhập, hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta chỉ thành công được 50%.

Bà đề nghị Chính phủ và bộ, ngành có chính sách tích cực hỗ trợ nông dân trong điều kiện tiếp cận thuận lợi vốn vay, kỹ thuật, thông tin thị trường, định hướng sản xuất, liên kết sản xuất, công nghệ bảo quản sản phẩm, cơ sở vật chất hạ tầng và những chính sách dài hơi mang tính chiến lược, nâng tầm nông dân, nhất là đồng bằng sông Cửu Long lên, thích ứng thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.

Đồng thời, cần sớm xây dựng chuỗi liên ngành xuyên suốt, đồng bộ và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, quan tâm, nâng cao năng suất lao động tổng hợp để sản phẩm Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường ngoài nước, đặc biệt là hệ thống phân phối trong nước đang bị các đối thủ nước ngoài cạnh tranh rất quyết liệt hiện nay.

Bà cũng cho rằng, doanh nghiệp nông nghiệp là chủ thể triển khai hiệu quả tiến trình nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp nhưng còn nhỏ bé số lượng, chất lượng, chỉ chiếm 3,5% tổng doanh nghiệp về số lượng, quy mô chiếm 98%, nên rất nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh. Do đó, cần đánh giá nghiêm túc về thực trạng, sớm tháo gỡ, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động tốt nhất các thành phần kinh tế tham gia thực hiện phát triển đội ngũ doanh nghiệp nông thôn.

Bà cũng đề nghị sớm tổng kết, nhân rộng chính sách này để nhân rộng một số sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong đó tỉnh An Giang đã triển khai rất thành công chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cá tra của công ty Thuận An và chuỗi liên kết sản xuất rau quả của công ty Antesco đã phát huy hiệu quả cũng từ cơ chế này./.